Tâm thế và trách nhiệm của doanh nhân

BAN BIÊN TẬP| 15/10/2013 00:54

Ngày 13/10/2013, UBND TP đã công nhận 105 Doanh nghiệp TP.HCM tiêu biểu. Đây là năm thứ 9 giải thưởng này được tổ chức để tôn vinh doanh giới.

Tâm thế và trách nhiệm của doanh nhân

Ngày 13/10/2013, UBND TP đã công nhận 105 Doanh nghiệp TP.HCM tiêu biểu. Đây là năm thứ 9 giải thưởng này được tổ chức để tôn vinh doanh giới.

>Trọng trách lớn cần sự cổ vũ lớn
>Tôn vinh doanh nhân - doanh nghiệp “phong ba”

105 DN đạt "Doanh nghiệp TP.HCM tiêu biểu 2013"

Đọc E-paper

Ngày 13/10/2013, UBND TP đã công nhận 105 Doanh nhân TP.HCM tiêu biểu. Đây là năm thứ 9 giải thưởng này được tổ chức để tôn vinh doanh giới. Trước đó, ngày 26/7/2004, Hiệp Hội Doanh nghiệp TP.HCM gửi thư cho nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đề xuất chọn một ngày trong năm làm "Ngày Doanh nhân Việt Nam".

Sáng kiến này xuất phát từ Báo Doanh Nhân Sài Gòn, cơ quan ngôn luận của Hiệp Hội Doanh nghiệp TP.HCM, đăng trên số 38 ra ngày 14/4/2004 từ những bức xúc của doanh giới TP.HCM: Mặc dù đang đảm nhiệm trọng trách đưa dân tộc thoát khỏi nguy cơ tụt hậu về kinh tế, tầng lớp những người kinh doanh vẫn chưa có được một vị trí xứng đáng trong ý thức cộng đồng.

Trong thư, ông Phạm Hảo Hớn, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, kết luận: "Trọng trách lớn cần sự cổ vũ lớn" và Ngày Doanh nhân Việt Nam "là nguyện vọng xuất phát từ lợi ích dân tộc".

Từ đề xuất này, vào ngày 20/9/2004, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký quyết định lấy ngày 13/10 hằng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam, để tạo ra sự cổ vũ cho một lực lượng đang gánh trọng trách của nền kinh tế nước nhà.

Ngày này được chọn vì đây là ngày Bác Hồ gửi thư cho giới công thương kêu gọi góp phần xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng cho đất nước.

Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam đầu tiên, còn nhớ Tổng biên tập Báo Doanh Nhân Sài Gòn Nguyễn Minh Hiền và Thư ký Tòa sọan Trần Hữu Bảo trả lời phỏng vấn truyền hình, có giải thích vì sao từ "doanh nhân" chưa có trong từ điển Tiếng Việt và "không đâu trên thế giới doanh nhân lại ngại công khai tài sản như ở Việt Nam".

Đến kỷ niệm lần thứ 9 Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay, trong các cuốn từ điển đều đã có từ "doanh nhân" và trên nhiều cuốn lịch, ngày 13/10 cũng đã có thông tin nhắc nhớ vị trí "Ngày Doanh nhân Việt Nam"...

Chặng đường 9 năm đã đưa doanh nhân từng bị coi là "con buôn" trở thành giai tầng được xã hội tôn vinh như thầy thuốc, nhà báo hay nhà giáo. Quan trọng hơn sự định danh, đã hình thành một thế hệ doanh nhân trẻ trung hơn, sáng tạo hơn và được đào tạo bài bản hơn.

Đã xuất hiện trên thương trường nhiều thương hiệu Việt Nam nổi tiếng trong và ngoài nước, đã xuất hiện những doanh nghiệp như Vinamilk trong danh sách 200 doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất sắc nhất châu Á có doanh thu dưới 1 tỷ USD.

Số doanh nhân "triệu đô” ngày càng tăng và thậm chí cũng đã có tỷ phú đầu tiên trong danh sách Forbes, hay những doanh nhân táo bạo mua cả một thị trấn tại Mỹ.

Những câu chuyện về giới siêu giàu, những tỷ phú luôn thu hút sự quan tâm của dư luận và báo giới Việt Nam. Thậm chí, tạp chí dành cho người giàu như Forbes cũng đã vào Việt Nam, như đã từng xuất hiện ở các nước mới nổi như Trung Quốc, Nga.

Ngày Doanh nhân Việt Nam đã đánh dấu sự thay đổi tư duy trong suốt quá trình đổi mới của kinh tế Việt Nam. Đã xuất hiện của những tỷ phú đi cùng với sự bùng nổ số lượng doanh nghiệp, nhất là khu vực dân doanh sau Luật Doanh nghiệp năm 2000.

Đây chính là nền tảng tạo ra mức tăng trưởng kinh tế 7-8% cho Việt Nam, và tạo tâm lý lạc quan, hồ hởi cho toàn xã hội. Kinh tế Việt Nam đang hướng tới mục tiêu 500 ngàn doanh nghiệp, nhưng không may, khủng hoảng tài chính xảy ra khiến hàng loạt doanh nghiệp phá sản.

Quan trọng hơn, ngoài con số phá sản, khủng hoảng đã bộc lộ những điểm yếu của giới doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp và cá nhân đã quay sang đầu cơ đất đai, bỏ bê ngành sản xuất, kinh doanh chính, dẫn đến thua lỗ và nợ nần. Tư duy ngắn hạn đã rút ngắn tương lai của họ.

Theo dự báo mới nhất về các nền kinh tế châu Á của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam bị hạ mức tăng trưởng xuống chỉ còn 5,3% cho năm 2013 và 5,4% cho cả hai năm tiếp theo. So với các nước có thu nhập đầu người thấp nhất trong khu vực thì tỷ lệ tăng trưởng của Việt Nam đang bị tụt hạng nghiêm trọng.

Liệu Việt Nam có động cơ đủ mạnh để tiến hành một cuộc cải tổ mới - một cuộc "mở cửa" lần thứ hai? Cũng như vậy, sau gần một thập niên được định danh và tôn vinh, doanh nhân Việt Nam đang đứng trước một thử thách lớn.

Vượt qua thử thách này vừa để cứu họ thoát khỏi khó khăn trước mắt, vừa để chứng minh mình thực sự xứng đáng với niềm tin mà xã hội đã dành cho.

"Dám thể hiện và phát huy bản sắc dân tộc trong kinh doanh, hội nhập chính là thể hiện bản lĩnh của người làm kinh doanh trên thương trường quốc tế”, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty Vinamit, phát biểu với báo chí nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam.

"Bản lĩnh doanh nhân hiện nay chính là thể hiện tinh thần đổi mới, sáng tạo, không ngại khẳng định vị thế của mình trước những khó khăn của nền kinh tế”, ông Đoàn Võ Khang Duy, Tổng giám đốc Công ty CP Công nghiệp Ameco nói.

Có lẽ tiếng nói của họ cũng đại diện cho tâm thế và suy nghĩ của nhiều doanh nhân Việt Nam trước vận mệnh của kinh tế đất nước, trước khó khăn của một nước nghèo đang cố thoát bẫy thu nhập trung bình và nắm bắt cơ hội hội nhập với hàng loạt các khu vực tự do thương mại như TPP, FDA và ASEAN +6.

Không gì đang chờ đợi doanh nhân phía trước ngoài tâm thế buộc phải tiến lên, vì thụt lùi là trắng tay. Cùng với Luật Doanh nghiệp, lực lượng doanh nhân bắt đầu phát triển mạnh, chỉ mới hơn 10 năm họ đã dần đảm nhận được vị trí tiên phong trong công cuộc kiến thiết đất nước.

Vì vậy, buông tay trước khó khăn giống như sự vô trách nhiệm và nó không được phép xảy ra. Nếu thất bại xảy ra, doanh nhân không chỉ mất tiền mà mất cả danh tiếng mà xã hội tin tưởng trao cho họ.

Không gì khác hơn, doanh nhân chúng ta cần thay đổi sâu sắc và toàn diện tư duy kinh doanh, lấy dài hạn làm tầm nhìn, lấy thế mạnh làm cốt lõi, lấy bền vững làm nền tảng của những bước đi đầu tiên và giữ lòng tự tôn, bản sắc dân tộc trong các hợp đồng quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tâm thế và trách nhiệm của doanh nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO