Tài năng, rồi sao nữa?

HOÀNG LINH LAN| 24/07/2014 07:05

Đây là một câu hỏi để mở bởi đáp án của nó khá mơ hồ và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhất là trong bối cảnh "trăm hoa đua nở" các chương trình truyền hình thực tế của làng giải trí hiện nay.

Tài năng, rồi sao nữa?

Đây là một câu hỏi để mở bởi đáp án của nó khá mơ hồ và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Vấn đề này, có lẽ không mới. Song, cũng chưa bao giờ cũ. Nhất là trong bối cảnh "trăm hoa đua nở" các chương trình truyền hình thực tế của làng giải trí hiện nay.

Đọc E-paper

1. Bỏ qua những chiêu trò, những scandal ồn ào, rõ ràng, khó phủ nhận sức hút và cơ hội truyền hình thực tế mang lại cho nhiều cá nhân. Đơn giản có thể chỉ là thỏa nguyện giấc mơ được lên truyền hình, được nhiều người biết tới dù chỉ một lần, đó có thể là nguyện ước mang niềm vui đến cho khán giả qua màn ảnh nhỏ, hay cũng có thể là được gặp "thần tượng" của bản thân đang ngồi ở hàng ghế giám khảo.

Tuy nhiên, số thí sinh "hồn nhiên" như đã liệt kê trong các trường hợp trên khá khiêm tốn. Phần lớn người ta đến với truyền hình thực tế để tìm một con đường trở thành "ngôi sao", thành "thần tượng", thành "tài năng" ca hát, nhảy múa như tên gọi, mục đích những cuộc thi đó đã đề ra.

Khẳng định bản thân, tìm kiếm cơ hội, một bệ đỡ thể hiện khả năng là nhu cầu chính đáng của mỗi người. Chương trình càng nhiều, cơ hội mở ra cho người chơi càng lớn. Việc một thí sinh vô danh sau một đêm thi được biết mặt, có tên, được hàng ngàn fan khắp trong Nam ngoài Bắc hâm mộ chẳng khác gì những nghệ sĩ lâu năm là chuyện hoàn toàn có thật.

Không ít nghệ sĩ đi trước từng thừa nhận rằng, truyền hình thực tế mang tới nhiều cơ hội tỏa sáng, đưa các thí sinh đến gần với khán giả nhanh chóng hơn thời họ phải chật vật, lăn lộn bám đuổi ước mơ.

Có lẽ vì giấc mơ "vươn tới một ngôi sao" chưa bao giờ mở hết mức như vậy nên người ta đổ xô đi thi. Chỉ cần lọt vô top 7, 8 thí sinh chung kết là đủ rực rỡ. Có cung ắt có cầu, nhà nhà dồn sức, dồn lực vào làm truyền hình thực tế. Mà gọn, lẹ và ngon nhất, không gì bằng thi ca hát, nhảy múa.

Hệ lụy là tràn lan các cuộc thi ca hát, thí sinh na ná nhau. Và điều làm người ta băn khoăn nhất là, tại sao nảy nở ngày càng nhiều tài năng ca hát đến vậy, nhưng nền giải trí lại có phần giậm chân tại chỗ, thậm chí là đi thụt lùi so với cách đây chừng chục năm?

2. Ở một xuất phát điểm gần nhau, cơ hội tỏa sáng của các quán quân, á quân bước ra từ những cuộc thi là như nhau. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chỉ có một số thí sinh thực sự nổi bật và có đóng góp đáng kể.

Những thí sinh còn lại, hiển nhiên không phải họ thiếu khả năng, cũng chẳng phải họ ngủ quên trên chiến thắng mà vì họ đang loay hoay, choáng ngộp giữa bộn bề ngã rẽ và thị phi chốn showbiz. Và cũng có không ít những "ngôi sao cô đơn" tự dò dẫm, định hướng. Nguyễn Đình Thanh Tâm, Quốc Thiên, Yasuy, Trung Quân, Hương Tràm, Đinh Hương, Phương Mỹ Chi,... là một vài ví dụ tiêu biểu.

Truyền hình thực tế, như nhiều người ví von, là bệ phóng tên tuổi cho những tài năng trẻ. Song, nhìn nhận chính xác thì đó chỉ là một cánh cửa được bật mở mà thôi. Sau những tung hô, khi cảm xúc lắng dần, đi đâu và bước như thế nào là câu hỏi mà chính bản thân các tài năng trẻ cảm thấy vô cùng mờ mịt.

Đâu phải ai cũng có cái may mắn được người có tiếng trong nghề đỡ đầu như Uyên Linh, Hoàng Quyên, có cả ekip đứng phía sau hậu thuẫn như Văn Mai Hương? Trường hợp của các tài năng nhảy múa càng hẩm hiu hơn khi ngay cả cơ hội làm nghề của họ vẫn thiếu một sân chơi thực sự chuyên nghiệp.

Tài năng là thiên bẩm, có vụt sáng được hay không, tất nhiên tùy vào bản lĩnh và sự rèn luyện của mỗi cá nhân. Truyền hình thực tế đã làm khá tốt nhiệm vụ của nó là phát hiện và giới thiệu những tài năng đó. Nhưng, nó cũng dễ dàng đẩy các tài năng vào ảo tưởng và bỏ rơi họ trên đỉnh cao của sự tung hô.

Vài chương trình với những hứa hẹn thâu âm cùng các hãng danh tiếng nhưng rồi, vì nhiều lý do, tất cả đâu lại vào đấy. Mặc, các tài năng tan biến như mớ bong bóng trong mưa. Đau đớn là nhiều tài năng sau thời gian dài ì ạch đã tìm đến một chương trình truyền hình thực tế khác để "hâm nóng" tên tuổi.

Thiết nghĩ chỉ khi nào các tài năng được trân trọng, có môi trường lành mạnh để phát triển và được định hướng phù hợp để làm nghề thì lúc ấy, nền giải trí mới hy vọng phát triển. Đem mệnh đề câu hỏi này đặt vào các lĩnh vực khác, dường như cũng chẳng dễ tìm được đáp án thỏa đáng.

>Truyền hình thực tế: Khép trọn vòng lăng - xê
>Vì sao truyền hình thực tế khiến đám đông phát cuồng?
>
Truyền hình thực tế: Thành công nhờ… phi thực tế?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tài năng, rồi sao nữa?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO