Tái cơ cấu ngân hàng 2016-2020: Những mục tiêu đầy thách thức

HỒ LÊ/DNSGCT| 05/09/2016 06:36

Với mặt bằng lãi suất cho vay bình quân đang trong khoảng 9 – 10%, để lãi suất cho vay giảm về 5% thì ít nhất từ nay đến năm 2020 lãi suất cho vay mỗi năm phải giảm được 1%.

Tái cơ cấu ngân hàng 2016-2020: Những mục tiêu đầy thách thức

Trong dự thảo đề án Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa được đưa ra lấy ý kiến, phần nội dung tái cơ cấu thị trường tài chính, tập trung vào các tổ chức tín dụng và các ngân hàng thương mại, đã đưa ra một số mục tiêu vào năm 2020 khá thách thức.

Đọc E-paper

Cụ thể có 4 mục tiêu: (1) Tiếp tục cắt giảm tỷ lệ nợ xấu một cách bền vững và cắt giảm đáng kể số ngân hàng thương mại yếu kém; (2) Kéo lãi suất cho vay xuống mức trung bình của các nước đang phát triển là khoảng 5%; (3) Đảm bảo 70% số ngân hàng thương mại thực hiện đầy đủ Basel II (Mục tiêu của Basel II: nâng cao chất lượng và sự ổn định của hệ thống ngân hàng quốc tế; tạo lập và duy trì một sân chơi bình đẳng cho các ngân hàng hoạt động trên bình diện quốc tế; Đẩy mạnh việc chấp nhận các thông lệ nghiêm ngặt hơn trong lĩnh vực quản lý rủi ro) vào năm 2020; (4) Nâng cao hiệu quả hoạt động của các thị trường: thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu chính phủ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Cả 4 mục tiêu này đều có sự liên hệ, hỗ trợ lẫn nhau, trong đó, mục tiêu thứ hai được xem là thách thức nhất vì có tính định lượng rõ ràng nhất và phụ thuộc rất lớn vào các thông số kinh tế vĩ mô khác.

Với mặt bằng lãi suất cho vay bình quân đang trong khoảng 9 – 10%, để lãi suất cho vay giảm về 5% thì ít nhất từ nay đến năm 2020 lãi suất cho vay mỗi năm phải giảm được 1%.

Từ việc phải ổn định được các thông số vĩ mô

Đây quả thật không phải là điều dễ dàng, nhất là khi các ngân hàng vẫn đang phải vật lộn với số nợ xấu khá lớn, bao gồm cả phần nợ đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vẫn chưa xử lý được.

Do đó, định hướng chính sách cũng đưa ra một số giải pháp như “sửa đổi đồng loạt các Luật và quy định liên quan để thúc đẩy xử lý nợ xấu, chỉ đạo VAMC mua nợ xấu theo giá thị trường của các ngân hàng, xóa hoàn toàn nợ xấu khỏi bảng cân đối kế toán của ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt với kỳ vọng giải quyết nhanh và thực chất vấn đề nợ xấu của các tổ chức tín dụng, góp phần đưa lãi suất cho vay về mức 5%/năm”. Như vậy, mục tiêu số 1 về giảm tỷ lệ nợ xấu và xử lý các ngân hàng yếu kém sẽ hỗ trợ đáng kể cho việc giảm lãi suất cho vay đầu ra.

Ngoài ra, để thực hiện mục tiêu giảm lãi suất thì chi phí vốn của các ngân hàng ít nhất phải giảm về được ở mức từ 2 – 3%. Nhà điều hành phải đảm bảo ổn định được kinh tế vĩ mô, lạm phát duy trì ở mức thấp quanh 1% và tỷ giá đô la Mỹ so với tiền đồng cực kỳ ổn định thì mới có thể tiếp tục thu hút người gửi tiền vào ngân hàng.

Trong bối cảnh Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đang có lộ trình nâng dần lãi suất đồng USD lên trong thời gian tới thì việc để ổn định tỷ giá và đưa lãi suất VNĐ về mặt bằng thấp như thế quả thật không đơn giản.

Đặc biệt, để ổn định vĩ mô thì ngoài chính sách tiền tệ, còn phải nâng cao hiệu quả của chính sách tài khóa, tăng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, nâng cao kỷ luật ngân sách.

Thực tế cho thấy chính việc đầu tư thiếu hiệu quả và thâm hụt ngân sách nặng nề là một trong những nguyên nhân đẩy lạm phát trong nền kinh tế lên cao, đồng thời gây bất ổn lên thị trường ngoại hối.

Chính phủ cũng phải nâng cao được hệ số tín nhiệm để tìm thêm nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài, tránh phát hành trái phiếu nội địa quá mức để tài trợ cho các khoản thâm hụt, khiến lãi suất trên thị trường trái phiếu không giảm được và cũng gây áp lực lên thanh khoản tại các ngân hàng, dẫn đến hiện tượng lấn át trong nền kinh tế, theo đó nguồn vốn của nền kinh tế phải tài trợ cho các khoản vay của chính phủ và làm cắt giảm đầu tư trong khu vực tư nhân.

Ngân hàng Nhà nước cũng phải đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng phù hợp, tránh để các ngân hàng tăng trưởng tín dụng quá nóng đẩy nhu cầu vay lên cao, từ đó tác động tiêu cực đến mặt bằng lãi suất. Định hướng các doanh nghiệp không quá phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng, mà cần tìm đến các kênh huy động vốn khác như thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán, do đó mục tiêu số 4 – nâng cao hiệu quả hoạt động của các thị trường này sẽ bổ trợ nhiều cho mục tiêu giảm lãi suất.

Đến việc chính các ngân hàng phải thay đổi

Như đã nói, với mục tiêu giảm lãi suất đầu ra, các ngân hàng bắt buộc phải giảm được chi phí vốn. Và để làm được điều này, các ngân hàng ngoài việc vẫn phải huy động được lượng tiền gửi tiết kiệm ở mặt bằng lãi suất thấp thì cần tăng trưởng mạnh nguồn tiền gửi thanh toán, tiền gửi không kỳ hạn cũng như vốn tự có.

Để tăng nguồn tiền gửi thanh toán, nền kinh tế phải giảm được tỷ lệ sử dụng tiền mặt và hệ thống tài chính phải mở rộng thêm các kênh thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện nay tỷ lệ tiền mặt lưu thông trên phương tiện thanh toán đến 30/6/2016 là 11,59%, còn khá cao và không thay đổi nhiều so với các năm qua.

Trong khi đó, để tăng vốn tự có, các ngân hàng có thể tăng phát hành trái phiếu với lãi suất thấp hoặc tăng vốn điều lệ. Định hướng chính sách đã đưa ra giải pháp “nới lỏng quy định về sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức tín dụng Việt Nam và các giới hạn sở hữu vốn điều lệ của thành viên góp vốn, cổ đông tại Việt Nam”. Giải pháp này sẽ giúp cho việc tăng vốn của các ngân hàng dễ dàng hơn.

Việc tăng vốn tự có cũng sẽ giúp các ngân hàng tăng hệ số CAR (vốn tự có/tổng tài sản có rủi ro), đáp ứng các chỉ tiêu an toàn theo quy định của Basel II.

Do đó, có thể thấy mục tiêu thứ 2 về việc đảm bảo 70% số ngân hàng thực hiện đầy đủ Basel II vào năm 2020 cũng liên hệ mật thiết với mục tiêu giảm lãi suất cho vay.

Định hướng phát triển của các ngân hàng cũng phải có sự thay đổi. Đó là không quá phụ thuộc vào nguồn thu nhập từ hoạt động tín dụng mà cần mở rộng các kênh thu nhập, đặc biệt là thu nhập từ hoạt động dịch vụ với các sản phẩm thanh toán.

Nếu các ngân hàng có thể đa dạng hóa được nguồn thu nhập và duy trì bền vững thì không cần phải đẩy mạnh phát triển tín dụng bằng mọi giá và cũng không phải treo lãi suất cho vay ở mức cao để duy trì được biên lợi nhuận.

Thanh khoản của các ngân hàng cũng phải đảm bảo luôn dồi dào để có thể dễ dàng cung ứng nguồn vốn tín dụng tại mức giá 5% như thế, nếu cung vốn thiếu không đủ đáp ứng cầu vốn thì dĩ nhiên giá bán sẽ phải tăng lên.

Vì vậy, có thể xem xét hạn chế các hoạt động đầu tư của các ngân hàng để tránh nguồn vốn bị kẹt lâu dài vào các kênh này, tách bạch ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại nhằm phát huy tốt nhất chức năng dẫn vốn cho nền kinh tế của ngân hàng thương mại và tránh sa đà vào các hoạt động đầu tư đầy rủi ro và khiến nguồn vốn bị chia sẻ.

Bên cạnh đó, phải ngăn chặn triệt để hoạt động tài trợ vốn cho các công ty sân sau của các ông chủ ngân hàng, các nhóm lợi ích, vì nguồn vốn tín dụng cho các đối tượng thân hữu này thường được ưu đãi với mức lãi suất rất thấp, do đó các đối tượng khách hàng khác phải chịu lãi suất cao hơn để bù lại cho chi phí của các khoản vay được lãi suất ưu đãi này.

Đó là chưa nói đến nguồn vốn cho các công ty sân sau, các nhóm lợi ích thường có kỳ hạn rất dài, do đó làm giảm vòng lưu chuyển vốn của nền kinh tế dành cho các doanh nghiệp thật sự cần vốn và hoạt động hiệu quả, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế quốc gia.

>Ngành ngân hàng: Thay "tướng" mùa đại hội cổ đông

>Mở rộng quy mô ngành ngân hàng: Mừng nhiều hơn lo

>Hai thách thức lớn của ngành ngân hàng trong 2016

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tái cơ cấu ngân hàng 2016-2020: Những mục tiêu đầy thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO