Sức trẻ Trường Sa

TRẦN ÁNH DƯƠNG| 22/09/2008 00:27

Trong chuyến đi cùng đoàn công tác ra Trường Sa, tôi may mắn gặp những điều bất ngờ và thú vị. Có lẽ, ai được vinh dự một lần ra với Trường Sa cũng sẽ may mắn như tôi.

Sức trẻ Trường Sa

Trong chuyến đi cùng đoàn công tác ra Trường Sa, tôi may mắn gặp những điều bất ngờ và thú vị. Có lẽ, ai được vinh dự một lần ra với Trường Sa cũng sẽ may mắn như tôi. Nhưng lần này, nói như Thiếu tướng Phan Khuê Tảo, Phó tư lệnh quân chủng Hải quân, trưởng đoàn công tác thì bất ngờ lớn nhất là sự trẻ trung, mang đầy sức sống đang làm nên một Trường Sa vững mạnh và tươi mới.

Sức trẻ Trường Sa

Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đặt chân lên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa là nụ cười tươi tắn của những người lính trẻ cả tuổi đời lẫn tuổi lính. Hoa Văn Phương Anh, chiến sĩ trẻ nhất của đảo Nam Yết, sinh năm 1989, nhớ lại ngày chia tay đất liền để ra với đảo, mọi người trong gia đình, bạn bè đều lo lắng vì sợ anh còn trẻ, sẽ không đủ sức chịu đựng sóng gió Trường Sa.

Nhưng được sự giúp đỡ của đồng đội, anh đã hòa mình nhanh chóng và dần thích nghi với cuộc sống trên đảo. Dắt tay tôi đi tới vườn rau xanh mà anh và đồng đội vừa mới trồng được, Phương Anh “khoe”: “Anh thấy chưa, mới ra đảo được mấy tháng mà tụi em đã trồng được rau xanh rồi. Thế mà lúc còn ở trong đất liền, có người nói là ra đảo thiếu rau xanh. Trồng rau xanh ở đây cũng dễ như trồng ở đất liền thôi anh à”.

Rời đảo Nam Yết, tàu HQ936 đưa chúng tôi tới đảo Đá Lớn - một trong những đảo được đánh giá là gian khổ nhất của quần đảo Trường Sa và toàn là đá như tên gọi của nó. Chiến sĩ Nguyễn Lý Hoàng Linh, sinh năm 1985 cho biết, anh ra đảo hồi đầu năm 2008 này và lần đầu tiên đặt chân lên đảo, anh thấy mọi thứ đều quá xa lạ so với sự tưởng tượng của anh.

Nhưng qua thời gian, anh dần thích nghi với cuộc sống trên đảo và ngày càng cảm thấy gắn bó với đảo. “Đảo Đá nhưng không “đá” anh à, mỗi tảng đá ở đây đều có tâm hồn và cũng là dấu mốc khẳng định lãnh hải của nước ta. Được sống trên đảo và bảo vệ đảo, chúng em thấy tự hào lắm” - Hoàng Linh nói. Anh Linh cho biết thêm, ngoài nhiệm vụ canh gác, anh em còn trồng rau xanh và chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Sức trẻ Trường Sa

Thắm đượm tình quân dân

Những chiến sĩ ngày đêm canh giữ biển trời sẽ thấy ấm lòng hơn, vững chắc tay súng hơn khi bên cạnh họ có những gia đình nhỏ. Tiếng khóc, tiếng cười của trẻ em tạo nên cảm giác ấm cúng như ở trong đất liền. Chủ tịch xã Sinh Tồn (đảo Sinh Tồn) Kim Thanh Hoa cho biết, hiện tại đảo có 7 hộ dân với 25 nhân khẩu (trong đó có 11 trẻ em).

Những hộ dân này sau khi được tuyển chọn trong đất liền, ra sống trên đảo với chu kỳ 5 năm, sau đó vào lại đất liền và những hộ dân khác sẽ tiếp nối ra đảo. Được biết, ngoài 7 hộ dân ở đảo Sinh Tồn, còn có 7 hộ dân nữa mới ra sinh sống ở đảo Trường Sa lớn.

Vợ chồng anh Trần Văn Thành và Phan Thị Tám cho biết, vợ chồng anh và con gái Trần Thị Thu Hiền (8 tuổi) mới ra đảo được hơn 1 tháng. Trước khi đi, hàng xóm, bạn bè đều can ngăn, họ cho rằng ra sống ngoài đảo cực khổ lắm. Nhưng có đặt chân lên đảo mới biết, cuộc sống không như người ta nghĩ.

“Khi ra đây vợ chồng em chỉ mang áo quần thôi. Tất cả mọi thứ đều được Nhà nước chu cấp. Anh thấy đó, từ tivi, đầu máy, giường, tủ, chăn, màn... cho đến chén bát, soong nồi... đều đã có sẵn. Tụi em chỉ “tay không” vào ở thôi”, vừa nói anh Thành vừa dẫn tôi đi tham quan ngôi nhà. Ngoài ra, hàng tháng mỗi thành viên trong gia đình được nhận một khoản tiền trợ cấp (2,5 triệu đồng/người/tháng) để sau này vào đất liền họ có vốn làm ăn, buôn bán.

Trung tá Vi Đức Thanh, đảo trưởng đảo Sinh Tồn tâm sự, hàng ngày anh và đồng đội thường đến nhà dân kể chuyện, chia sẻ những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu của họ; hướng dẫn họ cách trồng rau xanh trên đảo, đánh bắt cá ngoài biển... Giữa chiến sĩ và người dân dường như không có khoảng cách. Mọi người đều nghĩ họ đang ở trong một đại gia đình ấm cúng, cùng nhau bảo vệ và xây đắp hòn đảo ngày càng vững mạnh.

Những cán bộ trẻ trên đảo

Cũng giống như những người lính trẻ, gác lại những lưu luyến trong đất liền, những cán bộ trẻ đã tình nguyện ra sống và làm việc trên đảo. Ấn tượng của chúng tôi đối với họ là sự năng động, trẻ trung, dám nghĩ, dám làm và tràn đầy nhiệt huyết. Mỗi người có một hoàn cảnh riêng, nhưng cùng chung một ý chí đóng góp công sức để Trường Sa ngày càng phát triển.

Chủ tịch thị trấn Trường Sa Nguyễn Quốc Thiện tâm sự: Anh tốt nghiệp khoa Công nghệ chế biến thực phẩm của Đại học Bách khoa Hà Nội, chi nhánh tại Nha Trang. Ra trường, anh công tác tại Công ty cổ phần Hải sản Nha Trang và tham gia phong trào Thanh niên Tình nguyện của tỉnh. Quốc Thiện được vinh dự kết nạp Đảng tháng 6/2007. Anh mới lập gia đình chưa được 10 ngày đã xung phong ra đảo công tác và có ý định đưa vợ ra sinh sống lâu dài tại đảo với mong muốn góp một phần công sức nhỏ bé xây dựng đảo.

Trường hợp của cô giáo Bùi Thị Nhung làm chúng tôi nhớ mãi trong suốt cuộc hành trình. Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Nha Trang và về công tác tại trường Tiểu học Suối Cát hơn một năm nay, đã có công việc và thu nhập ổn định, nhưng khi biết được chính sách đưa dân ra sinh sống tại đảo Trường Sa, Nhung bàn với chồng xin được ra đảo “gieo chữ” với suy nghĩ giản dị: “Em ra đây với mong muốn dạy học cho các cháu kẻo sau này các cháu vào đất liền sẽ bị tụt hậu so với các bạn cùng trang lứa. Tuy việc dạy học vất vả hơn so với ở trong đất liền, nhưng em sẽ cố gắng hết sức để các cháu trên đảo có điều kiện học hành tốt nhất”.

Những người lính trẻ, những cán bộ trẻ đã góp phần tạo nên sức sống mới ở Trường Sa. Giữa trùng khơi, họ cùng nhau cất lên bài ca của tuổi trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sức trẻ Trường Sa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO