Sự im lặng khó hiểu trên thị trường ngoại tệ

10/07/2013 04:18

Tỷ giá tuần qua lại nhảy múa, chênh lệch có lúc vượt 3% nhưng các bên trên thị trường chỉ biết nhìn nhau suy đoán.

Sự im lặng khó hiểu trên thị trường ngoại tệ

Hai đợt sốt đầu năm, tỷ giá chợ đen vừa nhích cao hơn ngân hàng 1%, cơ quan quản lý đã mau chóng lên tiếng trấn an. Tỷ giá tuần qua lại nhảy múa, chênh lệch có lúc vượt 3% nhưng các bên trên thị trường chỉ biết nhìn nhau suy đoán.

>>Hai mặt của tăng tỷ giá

Ngay sau Tết, thị trường ngoại tệ bắt đầu có sóng với một loạt đề xuất tăng tỷ giá cứu xuất khẩu. Cơn sốt bùng nổ trong ngày 21/2 khi có tin đồn Chủ tịch BIDV và lãnh đạo một ngân hàng khác bị bắt.

Tỷ giá niêm yết trong ngân hàng tăng kịch trần và lần đầu tiên vượt mốc 21.000 đồng sau nhiều tháng ổn định dưới 20.900 đồng. Tỷ giá trên thị trường tự do cao hơn mức trần niêm yết tại ngân hàng hôm đó khoảng 0,3%.

Ngân hàng Nhà nước đã nhanh chóng cắt cơn sốt ngay trong ngày bằng cách bác tin đồn phá giá, đồng thời công khai nguồn lực ngoại tệ. Đích thân Chủ tịch BIDV vốn rất ít xuất hiện lúc đó, cũng phải lên báo chí khẳng định mình bình an.

Đồng lòng với Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại thay nhau phân tích cung cầu ngoại tệ cũng như sự ổn định trong môi trường vĩ mô.

Kịch bản truyền thông tương tự được phát huy trong cơn sốt cuối tháng Tư. Đợt lấy ý kiến về sửa đổi Hiến pháp, trong đó có nội dung đổi tên nước, gây hiểu lầm trong công chúng về khả năng đổi tiền.

Tỷ giá trong ngân hàng lại được phen tăng mạnh, ngoài chợ đen cao hơn mức trần của ngân hàng khoảng 1,3%. Ngân hàng Nhà nước ngày 23/4 đã ra thông cáo khẳng định không có chuyện đổi tiền, thị trường ngoại tệ ngay lập tức quay về đúng quỹ đạo của nó.

Nhìn lại hai đợt sốt nói trên, người ngoài cuộc khó hiểu tại sao suốt từ 28/6 tới nay không một thông điệp chính sách nào được đưa ra và thị trường cũng không nhìn thấy rõ nét động thái can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước, dù tỷ giá nhảy múa với biên độ cao hơn nhiều.

Lãnh đạo một số ngân hàng thường cung cấp thông tin cho báo chí đợt này cũng kín tiếng hơn, tìm cách thoái thác mỗi khi có câu hỏi về tình hình thị trường.

So sánh chênh lệch tỷ giá bình quân liên ngân hàng (SBV), tỷ giá bán của các ngân hàng thương mại (Ngân hàng) và giá bán trên thị trường tự do (Chợ đen) qua 3 đợt sốt giá từ đầu năm đến nay.

Tỷ giá bình quân liên ngân hàng tăng 1% từ 28/6 lên 21.036 đồng ăn một đôla. Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước ngày 1/7 niêm yết giá bán cho các ngân hàng thương mại ở mức kịch trần 21.246 đồng.

Hai ngày sau, các ngân hàng thương mại cũng đưa lên cao tương tự, vài nơi tái xuất tình trạng hai tỷ giá, niêm yết một đằng bán ra một nẻo, chênh lệch lên đến vài trăm đồng. Đỉnh điểm cơn sốt rơi vào sáng 8/7, các điểm thu đổi trái phép ở Hà Nội và TP HCM hét giá bán ra tới 21.890 đồng.

Trong khi các kênh chính thức không có lời giải, người ta thi nhau đồn đoán lý do. “Thủ phạm” dễ nhìn thấy và dễ nghĩ tới đó là nhập siêu tăng trở lại, kéo theo nhu cầu mua đôla thanh toán nhập khẩu. Quý I cả nước xuất siêu 233 triệu USD nhưng sang quý II lại nhập siêu 1,6 tỷ USD, cao gấp ba lần cùng kỳ năm ngoái.

Lý do thứ hai được nhiều người suy đoán, đó là giá vàng trong nước chênh lệch quá xa thế giới. Sau 30/6, thời hạn lẽ ra các ngân hàng đã đóng hoàn toàn trạng thái huy động vàng, không còn nhu cầu mua trả nợ cho dân, Ngân hàng Nhà nước vẫn dồn dập đấu thầu 4 phiên với tổng cung lên đến 160.000 lượng.

Khối lượng chào thầu mỗi phiên cao gấp rưỡi thường lệ, thế nhưng bán ra bao nhiêu hết bấy nhiêu. Trên thị trường, các cửa hàng vàng không nhiều khách lẻ đến mua, báo cáo doanh số mua bán vẫn tăng vọt.

Giá trong nước tăng giảm ngược chiều thế giới, khiến chênh lệch có lúc lên đến 7 triệu đồng mỗi lượng (chưa tính thuế, phí), quá hấp dẫn cho những ai muốn nhập lậu vàng, và nếu khả năng này có thật, nhu cầu gom đôla chợ đen sẽ tăng cao.

Trên thế giới, ngày càng có nhiều thông tin về khả năng Mỹ sẽ rút dần gói kích thích kinh tế và bớt nới lỏng tiền tệ, kéo theo tâm lý lo lắng các quỹ đầu tư Mỹ có thể cơ cấu danh mục, rút bớt tiền khỏi các thị trường kém hấp dẫn.

Thực tế đồng đôla Mỹ đang tăng giá so với các ngoại tệ mạnh khác như euro hay yen Nhật, có thời điểm leo lên mức cao nhất 3 năm qua. Mối lo này cũng lan truyền tới Việt Nam, khi khối ngoại liên tiếp bán ròng trên thị trường chứng khoán.

Động thái của các ngân hàng thương mại cũng gây thắc mắc. Một tuần trước ngày áp dụng tỷ giá mới (từ 24 đến 28/6), doanh số giao dịch đôla trên thị trường liên ngân hàng tăng mạnh, từ mức quy đổi 49.209 tỷ đồng tuần trước đó lên 125.460 tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp tìm đến ngân hàng bị từ chối với lý do khan hàng hoặc phải chấp nhận mua với giá cao hơn niêm yết. Cùng lúc đó, quyết định hạ lãi suất tiền đồng xuống mức thấp kỷ lục nhiều năm qua kích thích nhu cầu chuyển đổi sang tích trữ ngoại tệ.

Trong lúc nhu cầu từ các hướng có vẻ gia tăng, tỷ giá phi chính thức bỏ xa niêm yết ngân hàng mà không phản hồi rõ rệt từ cơ quan chức năng, thị trường bắt đầu đặt dấu hỏi về nguồn lực ngoại tệ và khả năng can thiệp của Ngân hàng Nhà nước. Hơn 40 tấn vàng đã được bán ra qua các phiên đấu thầu, có thể khiến chừng ấy ngoại tệ phải chi ra.

Ngân hàng Nhà nước có thể cũng đã hao tốn nguồn lực để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng một hai tháng trước. Người ta cũng thắc mắc liệu mức tăng tỷ giá 1% vừa qua đã đủ phản ánh cung cầu thị trường cũng như sức mua của đồng tiền Việt Nam và liệu rằng sắp tới có thêm đợt điều chỉnh nào nữa.

Diễn biến tỷ giá từ sau quyết định điều chỉnh ngày 28/6. Đà tăng chậm lại từ chiều 8/7 và giảm mạnh trong ngày 9/7.

Từ cuối ngày 8/7, tỷ giá ngừng đà tăng và giảm nhanh sau phiên đấu thầu vàng ngày 9/7. Báo giá ở chợ đen cuối ngày 9/7 giảm 120 đồng so với buổi sáng, các ngân hàng chào nhau giảm 100 đồng. Sáng 10/7, giá bán trên thị trường tự do còn 21.680 đồng, thấp hơn 210 đồng so với đỉnh cao hai ngày trước.

Đà giảm này trùng với thời gian giá vàng thế giới tăng cao, đồng đôla Mỹ trên thị trường thế giới mất điểm trở lại. Thêm nữa, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới bắt đầu thu hẹp sau phiên đấu thầu ngày 9/7.

Tuy nhiên, tỷ giá rơi nhanh cũng khiến ngày càng nhiều người tin vào khả năng đầu cơ, làm giá trên thị trường tuần qua. Thực tế nhập siêu tăng lên trong quý II nhưng vẫn còn thấp xa so với giai đoạn kinh tế ổn định trước đây (nửa đầu các năm 2011 về trước, nhập siêu thường trên dưới 5 tỷ USD) và vẫn trong khả năng đáp ứng nếu nhìn tới lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) giải ngân thời gian qua.

Lượng vàng tung ra trong các phiên đấu thầu vẫn nằm trong ngưỡng dự trù sít sao của Ngân hàng Nhà nước. Phần ngoại tệ bán ra can thiệp cũng không nhiều nếu so với lượng đã mua ròng.

Theo công bố cuối tháng 2, Ngân hàng Nhà nước đã mua ròng 15 tỷ USD trong năm ngoái và tiếp tục mua ròng 5 tỷ USD trong hai tháng đầu năm 2013, nâng dự trữ ngoại hối quốc gia lên mức cao nhất từ trước tới nay.

Một lượng lớn tiền đồng đã được bơm ra năm ngoái nhưng nền kinh tế chưa khỏe trở lại để có thể hấp thụ hết. Trong khi đó, ngân hàng thương mại huy động nhiều mà cho vay không đáng bao nhiêu.

Nguồn tiền dồi dào này, theo lý thuyết, ắt phải có bến đỗ để tối đa hóa lợi nhuận và đôla được xem là một kênh dễ nhất. Đầu năm, do lãi suất tiền đồng cao hơn nhiều so với đôla Mỹ, tỷ giá nhìn chung ổn định, nhiều ngân hàng đã hoán đổi ngoại tệ ra tiền đồng kinh doanh.

Khi có tín hiệu tỷ giá sẽ tăng, các đơn vị mau chóng mua lại đóng trạng thái, đây là một lý do khiến giao dịch trên thị trường liên ngân hàng tăng mạnh.

Tuy nhiên, ngay cả khi phần lớn các ngân hàng đã bớt âm trạng thái, lực mua gom vẫn tăng lên ở một vài đơn vị. Áp lực từ trong ngân hàng lan ra bên ngoài, cộng với thị trường tự do hoạt động mạnh trở lại sau chiến dịch thanh kiểm tra, khiến tỷ giá chợ đen được dịp nhảy múa.

Lãnh đạo một ngân hàng dày dạn kinh nghiệm về ngoại hối cho rằng cần chờ thêm một vài phiên nữa, theo dõi động thái mua bán giữa ngân hàng với doanh nghiệp, mới có thể nói căng thẳng tỷ giá đã thực sự qua hay chưa. Niêm yết bán của ngân hàng thương mại và cả Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước hôm nay vẫn ở mức kịch trần dù tỷ giá chợ đen giảm vài trăm đồng so với ngày 9/7.

Ngân hàng Nhà nước tới tận ngày 10/7 vẫn chưa đưa ra thông điệp chính thức lý giải về diễn biến những ngày qua, và cũng chưa công bố các biện pháp can thiệp của mình. Đến lúc này, sự im lặng đó có thể khiến các bên tự hiểu mình phải điều chỉnh và trả giá cho hành vi đầu cơ suốt tuần qua.

Khó khăn với chính các ngân hàng có thể còn kéo dài một vài ngày tới. Không dễ gì các tổ chức nắm giữ đôla đã chịu bán ngay cho ngân hàng và bán với giá niêm yết sau khi các ngân hàng đã hạn chế bán cho những người có nhu cầu và chỉ bán với giá cao. Số ngoại tệ trót ôm trong lúc giá cao không dễ gì mang lại lợi nhuận nếu tỷ giá tiếp tục giảm.

“Xét về tổng thể, cán cân thanh toán vẫn cân bằng. Nguồn cung USD căng thẳng trong thời điểm này có thể một phần do tâm lý. Nhu cầu ngoại tệ ảo phát sinh khi nhiều người đang chờ đợi xem liệu Ngân hàng Nhà nước có phá giá tiếp hay không. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước phải khẳng định là có phá giá tiền đồng nữa hay không. Nếu không thì cần can thiệp để ổn định thị trường, tạo niềm tin vào tiền đồng”, chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân nói.

Ông cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước điều tra hiện tượng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ của các ngân hàng, tổng công ty, doanh nghiệp để có biện pháp xử lý kịp thời.

Một nguồn tin cho hay cuối tuần này Ngân hàng Nhà nước sẽ báo cáo tổng thể với Chính phủ về tình hình thị trường vàng, ngoại tệ cũng như đề xuất các giải pháp điều hành thời gian tới. Thông tin chính thức sẽ được công bố ra thị trường ít ngày sau đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sự im lặng khó hiểu trên thị trường ngoại tệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO