Quyết liệt tái cơ cấu để ổn định kinh tế vĩ mô

TS LƯU BÍCH HỒ| 18/09/2012 09:33

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phát đi thông điệp phải quyết liệt tái cơ cấu, nhưng từ chủ trương đến hành động vẫn còn một khoảng cách như thường thấy. Bất ổn kinh tế vĩ mô có thể dịu đi chừng nào nhưng không cơ bản, lại tiếp đến chu kỳ bất ổn mới tái diễn.

Quyết liệt tái cơ cấu để ổn định kinh tế vĩ mô

Thực trạng bất ổn kinh tế vĩ mô đã diễn ra từ năm 2008, đến nay vẫn đang tiếp diễn. Bản chất của thực trạng này là bất ổn cơ cấu kinh tế được biểu hiện bằng lạm phát cao, suy giảm tăng trưởng, thiểu phát, đặc biệt đến lúc này sản xuất nhiều mảng đình trệ, sức mua của người dân sa sút nhiều, tổng cầu của nền kinh tế giảm mạnh, khó hoặc chậm được phục hồi...

E-paper

Tất cả nói lên nền kinh tế đang trong khủng hoảng. Đây là một cuộc khủng hoảng cơ cấu, do đó phải chữa từ cơ cấu, phải tái cơ cấu như chủ trương của Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Nhìn lại, gần hai năm qua chúng ta đặt ra yêu cầu và đã có một số việc làm về tái cơ cấu, nhưng trên tổng thể, vẫn chỉ tập trung làm những việc gỡ rối trước mắt, chủ yếu là trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bao gồm cả một phần về đầu tư công, bắt đầu chấn chỉnh doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nhất là các tập đoàn, tổng công ty.

Tuy vậy, kết quả và hiệu quả còn hạn chế. Nhiều việc đề ra về tái cơ cấu chưa bắt đầu làm. Tình hình bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn rất nặng nề và triển vọng xử lý còn nhiều khó khăn.

Trong khu vực ngân hàng, còn ngổn ngang tình trạng nợ xấu, có thể diễn biến theo chiều hướng gia tăng; nợ xấu chưa xử lý được thì việc giảm lãi suất và để doanh nghiệp tiếp cận vốn cũng không thể làm nhanh được.

Hơn nữa tình trạng sở hữu chéo và mua bán, thôn tính lẫn nhau đang có chiều hướng gia tăng. Mới thanh tra được một phần nhỏ đã bật ra một số vụ việc lớn vi phạm pháp luật, phải xử lý. Còn nhiều ngân hàng chưa chủ động công bố được tình hình tài chính, kinh doanh đủ minh bạch và đáng tin cậy, chỉ qua kiểm tra, thanh tra mới phát lộ vấn đề.

Trong khu vực DNNN, mới kiểm toán, thanh tra được mấy tập đoàn, phát hiện nhiều sai phạm, còn nhiều tập đoàn, tổng công ty đang chuẩn bị thanh tra, kiểm toán. Đến nay con số doanh nghiệp đình trệ, phá sản, tình hình sản xuất kinh doanh tốt xấu thế nào thuộc khu vực DNNN vẫn chưa nắm được chắc.

Tái cơ cấu còn phải chờ xây dựng tiêu chí, phân loại, xác định được tình trạng sản xuất kinh doanh lỗ lãi và tài sản còn lại rõ ràng, xây dựng và phê duyệt đề án tái cơ cấu... thì còn mất rất nhiều thời gian. Ở đây, cũng như trong khu vực ngân hàng, cuộc đấu tranh với lợi ích nhóm còn rất gian nan.

Trong lĩnh vực đầu tư công, mới chỉ cắt giảm, bố trí lại và thúc đẩy những dự án quan trọng đã có và triển khai chậm, chưa nói tới những phương án kế hoạch mới theo yêu cầu tái cơ cấu. Trong hoàn cảnh phải gấp rút đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn trong năm nay (kể cả ứng trước vốn của năm sau), tình trạng lãng phí, thất thoát vốn, hiệu quả thấp sẽ khó kiểm soát.

Đầu tư, đặc biệt là đầu tư công có vai trò then chốt trong tái cơ cấu trong điều kiện thể chế kinh tế của nước ta, đã từng là nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng kém hiệu quả của cơ cấu và tăng trưởng kinh tế trong mô hình hiện nay, do đó sớm đổi mới chừng nào sẽ tốt chừng nấy.

Ngoài ra, trong những lĩnh vực còn lại và tại các địa phương, hoạt động tái cơ cấu chưa có chuyển động đáng kể, vẫn là làm theo cung cách cũ, những đường mòn đã đi.

Ví dụ bến cảng, sân bay, khu công nghiệp, khu kinh tế đã có, đang xây dựng vẫn tiếp tục duy trì, một số dự án mới lại sắp khởi động, nhất là dùng lượng vốn rất lớn chưa rõ đã tính toán kỹ chưa, vì toàn bộ quy hoạch tổng thể vẫn coi như đã an bài mà lẽ ra cần xem lại theo yêu cầu tái cơ cấu.

Cả nước có “63 nền kinh tế”, về cơ bản vẫn như vậy, theo tinh thần phấn đấu vươn lên để về đích theo những mục tiêu đã được xác định từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, mà lúc đó chưa quán triệt chủ trương tái cơ cấu và tình hình bất ổn kinh tế vĩ mô còn chưa nặng nề như bây giờ.

Vậy là, sự chuyển động hiện nay về cơ bản vẫn chỉ là “chữa cháy”, cố khôi phục sản xuất theo mô hình cũ; cố tăng trưởng như kế hoạch đã bố trí (ví dụ kế hoạch thu ngân sách năm nay đưa ra từ cuối năm ngoái, theo mục tiêu GDP tăng 6 - 6,5%, nay đã thấy rõ tăng trưởng chỉ có thể đạt khoảng 5,5%, có thể thấp hơn, nhưng chỉ đạo vẫn phải phấn đấu thực hiện chỉ tiêu thu ngân sách như kế hoạch chưa điều chỉnh); cố giữ cho lạm phát không bùng lại (vẫn phải chống đỡ với việc tăng giá mạnh một số mặt hàng thiết yếu); cố giải quyết một số vấn đề bức xúc về an sinh xã hội (nhưng vẫn phải tăng mạnh viện phí, học phí, tăng thu một số phí khác)...

Như một chuyên gia kinh tế đã nhận xét, đây là những giải pháp tái cơ cấu một cách đơn lẻ và thiếu hệ thống, giải pháp “trong hệ thống” (hiện tại) chứ không phải giải pháp “thay đổi hệ thống”, tuy là cần thiết nhưng không đủ để thay đổi, đưa nền kinh tế chuyển sang một mô hình tăng trưởng mới.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phát đi thông điệp phải quyết liệt tái cơ cấu, nhưng từ chủ trương đến hành động vẫn còn một khoảng cách như thường thấy. Bất ổn kinh tế vĩ mô có thể dịu đi chừng nào nhưng không cơ bản, lại tiếp đến chu kỳ bất ổn mới tái diễn.

Do đó, nếu không quyết liệt tái cơ cấu trên thực tế, thực chất, đạt một bước quan trọng, thì không thể thực hiện được ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quyết liệt tái cơ cấu để ổn định kinh tế vĩ mô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO