Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quyền công dân

LÊ VĂN TỨ| 12/10/2012 05:24

Các Luật đất đai 1993, 2003 và Dự thảo luật sửa đổi sắp trình ra Quốc hội (QH) đều xác định: Nhà nước quản lý đất đai bằng quy hoạch (QH) và pháp luật.

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quyền công dân

Các Luật đất đai 1993, 2003 và Dự thảo luật sửa đổi sắp trình ra Quốc hội (QH) đều xác định: Nhà nước quản lý đất đai bằng quy hoạch (QH) và pháp luật. Nhưng phải tới năm nay, Dự thảo luật sửa đổi mới cho định nghĩa QH và kế hoạch sử dụng đất (KHSDĐ).

Đọc E-paper

Theo đó, quy hoạch sử dụng đất (QHSDĐ) là việc phân bổ đất đai cho các mục tiêu phát triển dài hạn (10 - 20 năm), còn kế hoạch là phân kỳ thực hiện QH (5 năm). Hiện nay, cơ chế quản lý đất đai vẫn mang nặng tính tập trung bao cấp, thông qua các thủ tục hành chính nhiêu khê về QH và kế hoạch, các cơ quan quản lý thường xuyên can thiệp vào các quan hệ dân sự liên quan đến đất đai, khiến thị trường quyền sử dụng đất méo mó, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho quan liêu, khiếu kiện phát sinh, phát triển. Cho nên, công tác QH và KHSDĐ cần được sửa đổi căn bản mới đáp ứng được yêu cầu phát triển hiện nay.

Muốn làm tốt QH, phải có tầm nhìn rộng và xa. Việc QH không thể đóng khung trong giới hạn nhỏ hẹp của một phường xã, một quận huyện, mà phải là dự kiến diện mạo tương lai của cả một vùng đang hoặc sắp biến đổi, bảo đảm những công trình sẽ xây dựng nối tiếp và phát huy công dụng các công trình đã có.

Do đó, rất cần tập trung vào QH các khu đô thị mới, các vùng, các tuyến kinh tế mới. Còn đối với các khu công nghiệp, khu đô thị đã định hình, không nên QH tràn lan mà chỉ nên đề cập tới các dự án chỉnh trang cục bộ và khi đã quyết là làm, không quyết rồi “treo”. Đặc biệt phải tính tới sự kết hợp giữa chỉnh trang, phát triển với bảo tồn di sản lịch sử và văn hóa.

Điều đáng nói là nhiều con hẻm ở TP.HCM treo biển “lộ giới 6m hay 8m” nhưng không ai biết khi nào hẻm được mở rộng như thế. Đấy là QH chăng? Dạo theo các con đường ngang xương cá ở các quận mới như Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, quận 12,... chúng ta sẽ thấy những con đường bê tông ngoằn ngoèo đủ loại. Đâu là vai trò của QH?

Cần thấy rằng đất chỉ là một yếu tố vật chất của sản xuất, tuy không thể thiếu nhưng lại thụ động. Cho nên QHSDĐ chỉ có thể thành hiện thực khi nó gắn được với các QH mang tính chủ động như: QH phát triển công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, đô thị,... Không nên nhầm lẫn QHSDĐ với kế hoạch kinh tế dài hạn thời tập trung bao cấp, thời mà Nhà nước vừa là người vạch ra kế hoạch dài hạn, vừa là người vạch kế hoạch ngắn hạn để hiện thực hóa kế hoạch dài hạn.

Trong điều kiện kinh tế thị trường nhiều thành phần, Nhà nước lập ra QHSDĐ, nhưng không cưỡng chế thi hành QH, mà khuyến khích các đơn vị kinh tế và dân cư lập ra các KHSDĐ phù hợp với QH. Cần thấy rằng dù đầu tư của Nhà nước luôn chiếm phân nửa đầu tư xã hội, nhưng để thực hiện được QHSDĐ, phải huy động được vốn đầu tư của các thành phần kinh tế nhưng không ép buộc.

Thực tế ở nước ta lại cho thấy những biện pháp ép buộc thực hiện QH rất lạ là hạn chế hoặc vô hiệu hóa nhiều quyền hiến định của công dân ở các khu vực được chính quyền (có khi chỉ là cấp quận huyện) QH xây dựng một công trình nào đó, có khi chỉ là một khu dân cư, một công viên, một sân vận động! Do có những hạn chế này, cuộc sống của dân ở những vùng đó trở nên khốn khổ.

Điều cần nhấn mạnh là những nỗi khổ đó của dân là do quyền công dân bị hạn chế. Câu hỏi đặt ra: dựa vào cơ sở pháp lý nào mà chính quyền địa phương hạn chế quyền công dân như vậy? Và vì lợi ích của ai? Đã đến lúc phải coi những hạn chế này là vi phạm pháp luật. Cho nên vấn đề đặt ra trong sửa đổi Luật đất đai lần này không chỉ là ngăn chặn và xoá QH “treo”, mà còn phải ngăn chặn và xử lý các hành vi hạn chế quyền công dân trong quá trình lập và thực hiện QH và KHSDĐ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quyền công dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO