Quản lý vàng tiền tệ - cần thiết và thận trọng

HUỲNH BỬU SƠN (*)| 11/04/2011 05:18

Việc kinh doanh mua bán vàng miếng tự do có thể là bình thường trong điều kiện nền kinh tế phát triển bình thường, tuy nhiên, nó vẫn gây ra một số hậu quả không mong muốn đối với nền kinh tế nước ta.

Quản lý vàng tiền tệ - cần thiết và thận trọng

Theo thống kê của Hội đồng Vàng Thế Giới (World Gold Council), khối lượng vàng được khai thác từ trước đến nay trên toàn hành tinh là 158 ngàn tấn.

Xem E Paper số 398

Mỗi năm, trung bình có khoảng 2.500 tấn vàng được khai thác, trong số này có 2 ngàn tấn được chế tác thành nữ trang hay các vật liệu bền dùng trong công nghiệp và nha khoa, 500 tấn vàng còn lại là vàng thỏi được đúc thành nhiều dạng khác nhau từ thỏi 12kg đến các miếng vàng 1 ounce (troy ounce = 31,1 gram) hoặc 1 lạng ta (37,5 gram).

Chính 500 tấn vàng loại này là nguồn cung hàng hóa cho các thị trường mua bán vàng thỏi (gold bullion) ở khắp các nước, mà thị trường chính là London và New York, nơi mà vàng được định giá hằng ngày, hằng giờ.

Trong vòng hai thập niên trở lại đây, mỗi năm nước ta đều có nhập vàng thỏi, với số lượng có xu hướng tăng dần theo đà tăng trưởng của nền kinh tế và sự giàu có của các tầng lớp dân cư, nhất là tại các đô thị.

Số vàng này được các công ty vàng bạc đá quý trong nước, quốc doanh và tư nhân, chế tác thành vàng nữ trang hoặc vàng miếng nguyên chất 4 số 9 mang ký hiệu của công ty chế tác như SJC, PNJ, SBJ… bán rộng rãi cho dân chúng.

Nước ta vốn là một nước nông nghiệp nên tâm lý trữ kim trong nhân dân rất phổ biến. Người dân thích trữ vàng vì tin rằng vàng là một thứ tài sản ít bị mất giá.

Khi lượng vàng miếng trong lưu thông ngày càng nhiều, việc dùng vàng như là một phương tiện thanh toán đáng tin cậy cho các giao dịch giá trị cao như mua bán nhà đất ngày càng trở nên phổ biến và được ưa chuộng hơn tiền mặt.

Vàng, trên thực tế, đã trở thành một đồng tiền thứ ba bên cạnh tiền đồng và đồng đô la trong nền kinh tế nước ta. Gần đây, nhiều chuyên gia kinh tế trong nước đã cảnh báo về nguy cơ “vàng hóa” nền kinh tế, một hiện tượng tương tự như “đô la hóa”, và kêu gọi nên tăng cường quản lý vàng, nhất là vàng miếng.

Vậy nên xem vàng là hàng hóa hay tiền tệ? Đối với câu hỏi này, mỗi quốc gia, tùy trình độ phát triển kinh tế và phương thức quản lý tiền tệ, sẽ có câu trả lời riêng.

Các nước hậu công nghiệp ở Tây Âu và Bắc Mỹ, sau khi từ bỏ chế độ kim bản vị tiền tệ (Thụy Sĩ là nước cuối cùng từ bỏ chế độ kim bản vị vào năm 2000) đã chấm dứt về mặt pháp lý vai trò tiền tệ của vàng.

Tại những nước này, vàng là hàng hóa, dù là vàng nữ trang hay vàng thỏi vàng miếng. Việc mua bán, đầu cơ, tích trữ vàng được xem là hợp pháp như bất cứ các loại hàng hóa thông dụng khác trên thị trường.

Thậm chí tại một số nước, kinh doanh vàng miếng còn được miễn thuế giá trị gia tăng. Trong khi đó, tại phần lớn các nước đang phát triển, nhất là tại các nước còn duy trì chế độ kiểm soát ngoại hối, vàng vừa được xem là hàng hóa, vừa được xem là tiền tệ.

Việc quản lý vàng của nhà nước có thể đi từ mức độ rất chặt chẽ như cấm hẳn tư nhân kinh doanh vàng dù là nữ trang hay vàng thỏi, cho đến mức độ lỏng lẻo hơn như cho phép tư nhân kinh doanh tự do vàng nữ trang và hạn chế việc mua bán vàng miếng, xem vàng miếng như là một hình thức ngoại hối chịu sự quản lý của Nhà nước.

Sự khác biệt trong việc thừa nhận vàng là hàng hóa hay tiền tệ thật ra chỉ thuần túy là hình thức. Vàng nữ trang, hoặc vàng dùng trong công nghiệp và nha khoa được xem là hàng hóa, dù tuổi vàng vẫn là nguyên chất 4 số 9, trong khi vàng thỏi, vàng miếng… lại được xem là vàng tiền tệ.

Sự khác biệt về hình thức này dẫn đến một hệ quả pháp lý quan trọng là trong các quy định về quản lý vàng như một hình thức ngoại hối tại các nước này, việc đúc vàng thành thỏi, nén, miếng… của tư nhân thường bị nghiêm cấm.

Lịch sử tiền tệ của nhiều quốc gia cũng cho thấy rằng, trong thời kỳ áp dụng chế độ kim bản vị, việc đúc tiền vàng là độc quyền của nhà nước.

Tuy nhiên, dù hiện nay không còn quốc gia nào trên thế giới áp dụng chế độ kim bản vị, bản chất tiền tệ của vàng vẫn còn tồn tại như một tập quán của người dân.

Các nhà phân tích kinh tế đều nhận định rằng trong những thời kỳ khủng hoảng kinh tế, biến động về tiền tệ, vàng luôn trở thành nơi trú ẩn giá trị tốt nhất và thường hành động như tiền tệ nhiều hơn là hàng hóa.

Quy định về quản lý ngoại hối ở nước ta định nghĩa vàng thỏi, vàng miếng là vàng tiền tệ thuộc quyền quản lý của Nhà nước.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc kinh doanh vàng miếng trong nước ngày càng trở nên phổ biến, người dân muốn mua vàng miếng, thông thường dưới hình thức 1 lạng (37,5 gam) hay 1 chỉ (có trọng lượng bằng 1/10 lạng) đều có thể đến mua tại các tiệm vàng tư nhân, đại lý cho các công ty chế tác vàng quốc doanh hay cổ phần như SJC, PNJ, Sacombank, ACB...

Thậm chí có thời gian các ngân hàng còn tổ chức sàn giao dịch vàng tương tự như sàn giao dịch vàng tại các nước công nghiệp phát triển, nơi mà giá trị giao dịch mua bán vàng hằng ngày lên đến hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng.

Việc kinh doanh mua bán vàng miếng tự do có thể là bình thường trong điều kiện nền kinh tế phát triển bình thường, tuy nhiên, nó vẫn gây ra một số hậu quả không mong muốn đối với nền kinh tế nước ta:

1. Việt Nam không phải là nước có trữ lượng lớn vàng khoáng sản, việc khai thác vàng trong nước không đủ cung ứng cho nhu cầu nội địa.

Do đó nước ta phải nhập khẩu vàng, trung bình hằng năm vài tấn, năm cao điểm có khi đến gần chục tấn, nhưng trong số này có thể chỉ khoảng phân nửa là cho nhu cầu chính đáng về trang sức, công nghiệp hay nha khoa, số còn lại đáp ứng cho nhu cầu dự trữ và kinh doanh vàng miếng.

Nguồn ngoại tệ quốc gia nói chung, dù tại các ngân hàng thương mại hay tại Ngân hàng Nhà nước chắc chắn sẽ bị vơi đi một phần không nhỏ.

Như vậy, trong khi đất nước rất cần nguồn ngoại tệ để phát triển, nhất là trong khi cán cân thương mại thường xuyên khiếm hụt, chúng ta lại hào phóng sử dụng một số lớn ngoại tệ để nhập khẩu vàng phục vụ cho yêu cầu đầu cơ và trú ẩn giá trị tài sản của một nhóm người có thu nhập cao.

2. Như trên đã nói, chịu ảnh hưởng của một xã hội nông nghiệp, người dân Việt Nam vốn có tâm lý trữ vàng (gold hoarding).

Thời gian vừa qua, tâm lý này lại được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh bằng một khối lượng lớn vàng thỏi vàng miếng cung ứng cho thị trường nội địa qua con đường nhập khẩu.

Theo một ước tính không chính thức, khối lượng vàng miếng trong nền kinh tế Việt Nam có thể đến hàng trăm tấn.

Hiện nay, mỗi tấn vàng trị giá đến 45 triệu USD, như vậy tính ra có đến hàng chục tỉ USD đang nằm bất động. Đây quả là một nguồn vốn không hề nhỏ.

Hệ quả thấy được là người dân càng trữ vàng, nền kinh tế càng thiếu vốn để phát triển, đó là lẽ đương nhiên.

3. Mặt khác, khi nhu cầu trữ vàng để trú ẩn giá trị tăng cao, nhất là trong thời kỳ biến động kinh tế như lạm phát hay khủng hoảng, nhu cầu về vàng trong nước thường xuyên bị đẩy lên một cách giả tạo.

Điều này giải thích vì sao giá vàng trên thị trường trong nước luôn ở mức cao, cao hơn cả giá vàng quốc tế, gây thêm bất ổn cho giá trị của đồng nội tệ vốn đang chịu nhiều sức ép giảm giá trong tình hình lạm phát.

Trong nỗ lực chung nhằm kiểm soát lạm phát để ổn định sản xuất và tiêu dùng trong nước, việc hạn chế kinh doanh vàng miếng, một hình thức vàng tiền tệ, là một biện pháp cần thiết, tuy có muộn màng.

Cần phải thấy rằng quyết định ngưng hoạt động kinh doanh vàng miếng không phải là một biện pháp quản lý mới mà đơn giản chỉ là việc tái áp dụng một quy định về quản lý ngoại hối đã ban hành và đang có hiệu lực chấp hành.

Tuy nhiên, cũng cần phải công nhận về mặt pháp lý là vàng thỏi, vàng miếng cũng như ngoại tệ mặt hiện có của người dân đều là tài sản hợp pháp của họ.

Điều này cũng phù hợp với quy định về quản lý ngoại hối hiện hành. Điều hiển nhiên là những biện pháp quản lý vàng, ngoại tệ mặt… chỉ có thể thành công và được sự hưởng ứng của người dân khi dựa trên cơ sở là công nhận quyền sở hữu hợp pháp và chính đáng của người dân về vàng miếng và ngoại tệ mặt.

Mục tiêu của các biện pháp quản lý ngoại hối, suy cho cùng, chính là nhằm bảo vệ giá trị đồng nội tệ và tăng cường các dòng vốn cần thiết cho phát triển kinh tế. Quản lý phải đạt được kết quả là đưa các dòng vốn này trở lại những con kênh vốn chính thức, không phải làm cho chúng biến mất.

Do thực tế lịch sử để lại, việc giải quyết bài toán đô la hóa và vàng hóa của nền kinh tế nước ta phải rất thận trọng, theo một lộ trình thích hợp.

Việc này phải được phối hợp chặt chẽ với các biện pháp kinh tế vĩ mô phù hợp khác, cùng với việc phát triển một mạng lưới thanh toán không dùng tiền mặt rộng rãi và tiện lợi trong dân chúng. Nhưng kết quả chắc chắn là sẽ rất xứng đáng với nỗ lực bỏ ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quản lý vàng tiền tệ - cần thiết và thận trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO