Quản lý nhà nước cách khá xa so với yêu cầu kiến tạo phát triển

GS-TS. NGUYỄN KẾ TUẤN - Đại học Kinh tế Quốc dân/THANH HUYỀN ghi| 28/09/2017 04:08

Những hạn chế, bất cập đang tồn tại trong hệ thống quản lý nhà nước cho thấy chưa có sự chuyển biến đồng bộ và mạnh mẽ theo hướng kiến tạo phát triển.

Quản lý nhà nước cách khá xa so với yêu cầu kiến tạo phát triển

Với mục tiêu năm 2017 tăng trưởng GDP 6,7%, Chính phủ đang đẩy mạnh cải cách hàng loạt lĩnh vực kinh tế, hành chính. Thế nhưng, những hạn chế, bất cập đang tồn tại trong hệ thống quản lý nhà nước cho thấy chưa có sự chuyển biến đồng bộ và mạnh mẽ theo hướng kiến tạo phát triển.

Đọc E-paper

Trong 30 năm qua, đổi mới quản lý nhà nước là một trong những yếu tố cơ bản tạo nên những thành tựu của công cuộc đổi mới ở nước ta. Tuy nhiên, hoạt động của hệ thống quản lý nhà nước bộc lộ ngày càng rõ những yếu kém, bất cập, cản trở xây dựng mô hình nhà nước kiến tạo phát triển và liêm chính.

Có thể thấy, chất lượng thể chế còn thấp, trong đó có một số chính sách không bắt nguồn từ thực tiễn nên không đi vào thực tế được, thậm chí có tình trạng "cục bộ”, chồng chéo trong ban hành và thực thi một số chính sách kinh tế - xã hội.

Cạnh đó, bất bình đẳng trong đầu tư và kinh doanh tồn tại nhiều năm nay nhưng chưa được xử lý một cách cơ bản. Đặc biệt, sự chậm trễ và kém hiệu quả trong đổi mới hệ thống doanh nghiệp nhà nước do ràng buộc "doanh nghiệp nhà nước là nòng cốt của kinh tế nhà nước và là công cụ vật chất để Nhà nước điều tiết vĩ mô nền kinh tế”.

Nhìn lại năm 2016, thấy có hai hạn chế nổi bật. Thứ nhất, sự chuyển biến của hệ thống cơ quan hành pháp (Chính phủ và Ủy ban nhân dân) có vẻ mạnh hơn so với sự chuyển biến của hệ thống các cơ quan lập pháp và tư pháp. Thứ hai, chưa bảo đảm chuyển biến mạnh mẽ và đồng bộ giữa các bộ, ngành trực thuộc Chính phủ và chính quyền cấp tỉnh.

Thật ra, trong thời gian ngắn ngủi của một nhiệm kỳ mới ở cả trung ương lẫn địa phương, khó có thể đạt được yêu cầu đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ ở tất cả các bộ phận trong hệ thống chính trị. Dẫu sao, đánh giá một cách đúng đắn tình hình này là cần thiết để xác định những biện pháp thiết thực cho những năm tiếp theo của quá trình kiến tạo phát triển.

Hiến pháp năm 2013 quy định: "Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp" (Điều 2). Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xác định "xây dựng chính phủ kiến tạo phát triển và liêm chính" là phù hợp với cương vị người đứng đầu cơ quan hành pháp.

Song để xây dựng mô hình nhà nước kiến tạo phát triển theo đúng nghĩa đầy đủ, bên cạnh nỗ lực của Chính phủ, đòi hỏi phải có sự chuyển biến đồng bộ trong hệ thống các cơ quan thực hiện quyền lập pháp và các cơ quan thực hiện quyền tư pháp ở tất cả các cấp trong hệ thống chính quyền nhà nước.

Kiến tạo phát triển là Nhà nước không làm thay dân mà tập trung xây dựng thể chế phù hợp và tạo điều kiện cần thiết để mọi người phát huy năng lực và sức sáng tạo vì lợi ích của chính mình và đóng góp cho xã hội. Việc phát huy dân chủ trong quản lý nhà nước thể hiện đồng thời trên ba mặt.

Thứ nhất, người dân được quyền tự do kinh doanh trong tất cả các lĩnh vực mà Nhà nước không cấm.

Thứ hai, người dân và các tổ chức có quyền tham gia vào quá trình hình thành hệ thống pháp luật, chính sách, đặc biệt là những quy định liên quan trực tiếp.

Thứ ba, đề cao trách nhiệm giải trình của Nhà nước, bảo đảm người dân và các tổ chức thực hiện quyền giám sát hoạt động của Nhà nước bằng các hình thức thích hợp.

Xét trên cả ba mặt đó, bên cạnh những kết quả tích cực, chủ yếu là trong việc bảo đảm "quyền tự do kinh doanh trong tất cả các lĩnh vực mà Nhà nước không cấm", việc bảo đảm dân chủ trong quản lý nhà nước vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Việc thu hút sự tham gia của người dân và các tổ chức vào việc xây dựng pháp luật, chính sách mang nặng tính hình thức.

Có tình trạng nội dung chính sách thiên về bảo đảm lợi ích và sự thuận lợi của cơ quan thảo ra chính sách ấy hơn là lợi ích và thuận lợi của các cộng đồng thuộc đối tượng điều chỉnh. Thực thi trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý nhà nước còn là vấn đề xa vời.

Nói một cách khái quát, nhiều vấn đề của quản lý nhà nước "dân không biết, không bàn, không kiểm tra". Với thực tế này, quản lý nhà nước hiện đang tồn tại khoảng cách khá xa so với yêu cầu kiến tạo phát triển mà nước ta đang hướng tới.

Những khó khăn, cản trở ấy đòi hỏi phải có những cán bộ lãnh đạo và các nhà hoạch định chiến lược có năng lực, tận tụy và tâm huyết với sự phát triển đất nước, luôn đặt lợi ích đất nước và dân tộc lên trên lợi ích cá nhân.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là phải tạo sự thay đổi trong nhận thức và hành động của cả cộng đồng xã hội và của cán bộ, công chức ở tất cả các cấp trong hệ thống quản lý nhà nước. Rõ ràng là nếu chỉ có sự thay đổi trong tư duy và trong hành động của bộ phận "thượng tầng" mà không có sự thay đổi đồng bộ trong phạm vi xã hội và trong tất cả các cấp của bộ máy quản lý nhà nước sẽ xuất hiện những cản trở với việc xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển.

Sự thay đổi trong nhận thức và hành động ứng xử của mỗi công dân trên cơ sở ý thức đầy đủ quyền và trách nhiệm đã được hiến định sẽ tạo áp lực thúc đẩy sự thay đổi nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, công chức.

>Những “khoảng trống” trong năng lực quản lý nhà nước

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quản lý nhà nước cách khá xa so với yêu cầu kiến tạo phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO