Phát triển kinh tế: Hơn nhau ở năng suất lao động

HẢI VÂN thực hiện| 22/12/2016 06:29

Năng suất lao động cao thì người lao động có thu nhập cao, nền kinh tế có sức cạnh tranh cao và thúc đẩy đầu tư.

Phát triển kinh tế: Hơn nhau ở năng suất lao động

PGS. Vũ Minh Khương - Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore cho rằng để phát triển kinh tế Việt Nam, “Vấn đề quan trọng hiện tại là nâng cấp nguồn lực. Phải khuyến khích các nguồn lực chảy đến những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao hơn”.

Đọc E-paper

* Việt Nam đang hướng đến mô hình nhà nước kiến tạo phát triển. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

- Để xây dựng mô hình nhà nước kiến tạo phát triển, phải có những nhà lãnh đạo và đội ngũ hoạch định chiến lược tài giỏi, tận tuỵ và tâm huyết với sự phát triển kinh tế của đất nước, luôn đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích cá nhân.

Đối với những nước công nghiệp hóa muộn như Việt Nam, mô hình nhà nước kiến tạo phát triển được xem là sự lựa chọn phù hợp nhất. Phát triển tùy thuộc vào 3 mức độ: huy động nguồn lực, phân bổ nguồn lực, nâng cấp nguồn lực và thúc đẩy nó chuyển dịch lên giá trị gia tăng cao hơn.

Việt Nam cải thiện rất tốt môi trường đầu tư, tạo điều kiện ưu đãi để phân bổ nguồn lực. Bây giờ, vấn đề là phải bố trí nguồn lực như thế nào để một đồng bỏ ra tạo cộng hưởng cho năng suất lao động. Quan trọng hơn nữa là nâng cấp nguồn lực. Phải khuyến khích các nguồn lực chảy đến những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao hơn.

* Với cách phân bổ nguồn lực như hiện nay, theo ông đâu là điểm yếu?

- Việt Nam đang vướng ở 3 khâu: năng lực thiết kế hạn chế, tư lợi nặng và tầm nhìn chưa đủ xa, nên việc bố trí nguồn lực bị thất thoát, chưa tạo ra hiệu ứng lớn cho công cuộc phát triển. Cho nên, dù đã ưu đãi nhiều để thu hút đầu tư nhưng kinh tế phát triển chưa được như kỳ vọng.

* Theo ông là cần nâng cấp nguồn lực, nhưng bằng cách nào?

- Có những lĩnh vực Việt Nam có thể đuổi kịp về năng suất lao động. Nhưng trước hết phải nhìn vào từng ngành để định dạng năng suất, đầu tư vào đâu có hiệu quả cao nhất.

Xét cho cùng, phát triển phải dựa vào năng suất lao động. Năng suất lao động cao thì người lao động có thu nhập cao, nền kinh tế có sức cạnh tranh cao và thúc đẩy đầu tư. Nếu năng suất lao động thấp thì mức đầu tư không cao, người nông dân cũng không thiết ra thành phố để làm việc, vì thu nhập không hơn làm nông nghiệp.

Cho nên đầu tiên là phải xác định đất nước đang ở đâu về mặt năng suất lao động. Phương cách nào để phát triển từng ngành, hóa chất khác, điện tử khác, dệt may khác.

Thúc đẩy hội nhập với nền kinh tế thế giới, Việt Nam đã làm khá tốt, bây giờ phải coi trọng hội nhập nội địa, tức tạo liên kết chặt chẽ giữa các tỉnh, các ngành, giữa khu vực kinh tế nước ngoài và khu vực kinh tế trong nước, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp.

Việt Nam có thể học cách làm của Singapore khi đầu tư vào một ngành, Nhà nước chỉ cần có vốn mồi. Phải định ra được ngành chuẩn. Vấn đề này hiện nay vẫn chưa xác định rõ. Khi một ngành xác định được năng suất đang ở đâu, kế hoạch nâng cấp thế nào, thì đầu tư một đồng có thể tạo ra trăm đồng. Nhưng cạnh đó, Nhà nước phải có tiêu chí về năng suất lao động, nắm bắt công nghệ và sức cạnh tranh quốc tế cho từng lĩnh vực ưu tiên.

Nhà nước cũng có thể bỏ ra vài ngàn tỷ đồng để tạo lập quỹ thúc đẩy năng suất lao động. Theo đó, các ngành sẽ đấu thầu, đưa ra mức hỗ trợ nhất định và quy định mức năng suất tương ứng.

Việt Nam cũng có thể học cách của Trung Quốc, chuyển Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành Ủy ban Cải cách Nhà nước, với ý thức cải cách rất cao, ý thức nâng cấp nguồn lực và đẩy mạnh nguồn lực, bởi xét cho cùng, hơn nhau là năng suất lao động.

* Vậy lĩnh vực nào nên ưu tiên nâng cấp?

- Trước hết, ngành nông nghiệp và hóa chất đang có tiềm năng lớn, phải tập trung phát triển bền vững. Điện tử, công nghiệp hỗ trợ là những ngành nên đặc biệt lưu ý.

* Cám ơn ông!

>Kinh tế thế giới: U, V hay W?

>10 nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2013

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phát triển kinh tế: Hơn nhau ở năng suất lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO