Phát triển cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu: Nút thắt đường bộ

LA QUANG TRÍ| 01/12/2017 07:49

Theo quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu là cảng biển tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế (loại IA), đảm nhận vai trò là cảng trung chuyển quốc tế.

Phát triển cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu: Nút thắt đường bộ

Việc xây dựng tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, hay tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu đang là nhiệm vụ khá bức thiết trong tình hình hiện nay.

Theo quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu là cảng biển tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế (loại IA), đảm nhận vai trò là cảng trung chuyển quốc tế.

Năng lực hàng hóa thông qua cảng dự kiến vào năm 2020 khoảng 109 triệu tấn, năm 2025 khoảng 149 triệu tấn, năm 2030 khoảng 195 triệu tấn. Trong đó, riêng container dự kiến năm 2020 khoảng 4,17 triệu TEU, năm 2025 khoảng 6,8 triệu TEU, năm 2030 khoảng 9,42 triệu TEU.

Link bài viết

Hơn 50 cảng biển, trong đó có 7 cảng container đã được đưa vào sử dụng và một cảng sắp tới sẽ sớm đưa vào hoạt động thì công suất của cụm cảng này sẽ là 8,5 triệu TEU/năm. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông, nhất là đường bộ hiện tại để kết nối hàng hóa của khu vực này với các nhà máy, xí nghiệp rải khắp vùng Đông Nam bộ chỉ có mỗi tuyến đường, đó là quốc lộ 51.

Theo quy hoạch cảng biển khu vực Đông Nam bộ sẽ có các tuyến đường là quốc lộ 51 (đã có), tuyến liên cảng Cái Mép - Thị Vải nối với tuyến liên cảng Nhơn Trạch, tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dự kiến khởi công năm 2018.

Nhưng hiện tại mới chỉ nâng cấp quốc lộ 51 và xây dựng một phần tuyến liên cảng Cái Mép - Thị Vải đến Nhơn Trạch, đường sắt và cao tốc chưa được triển khai.

Hiện tại, tuy lượng hàng hóa mới chỉ đạt 20% công suất thiết kế của hệ thống cảng này, nhưng đã xảy ra tình trạng kẹt xe ở nhiều điểm trên tuyến đường độc đạo là quốc lộ 51. Về lâu dài, lượng hàng tăng lên thì chắc chắn tình trạng ùn ứ xảy ra nhiều hơn nữa.

Quốc lộ 51 không chỉ là tuyến đường dân sinh, tuyến vận chuyển hàng hóa quan trọng mà còn là tuyến đường vận chuyển một lượng khách du lịch rất lớn đến Vũng Tàu, Long Hải... Mỗi dịp lễ, Tết, lưu lượng ô tô lưu thông qua cao tốc Long Thành - Dầu Giây đến điểm giao kết với quốc lộ 51 đã đạt đến 60.000 - 70.000 lượt (ngày thường khoảng 40.000 lượt). Lưu lượng ô tô ngày càng tăng thì kẹt xe là không thể tránh khỏi.

Vì là tuyến đường duy nhất kết hợp đường dân sinh và vận chuyển hàng hóa nên đã có nhiều điểm đen về tai nạn giao thông, có nhiều vụ rất nghiêm trọng. Kẹt xe xảy ra thường xuyên không chỉ gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân ở hai bên đường mà còn gây ra nhiều hệ luỵ khác cho phát triển kinh tế.

Những cơn mưa lớn vừa qua, tình trạng ngập nặng ở tuyến quốc lộ 51 cũng đáng báo động. Cứ trời mưa to thì nhiều điểm trên tuyến đường này ngập sâu, gây rất nhiều khó khăn cho người dân và làm cho đường hư hỏng, xuống cấp nhanh. Và việc này làm chậm thêm quá trình vận chuyển hàng hóa, làm tăng chi phí, làm giảm tính cạnh tranh.

Trong khi vận tải đường sông chưa đáp ứng nhu cầu vì còn nhiều bất cập như chậm thời gian, các tuyến vận tải chưa đến được tận kho của doanh nghiệp mà chỉ đến các điểm trung chuyển làm cho chi phí đội lên thì vận tải đường bộ vẫn rất quan trọng và không thể thay thế.

Thời gian chờ đợi xe, tàu đợi tại cảng chi phí mỗi ngày hàng chục ngàn USD, đường sá thiếu, xuống cấp, chi phí logistics tăng tất nhiên làm hàng hóa tăng giá.

Với đà tăng 20% lượng hàng hóa và hơn 10% lượng khách du lịch mỗi năm thì chuyện kẹt xe trên đường quốc lộ 51 sẽ phát sinh nhiều hơn chi phí vận chuyển hàng hóa, hiệu quả khai thác cảng sẽ không thể đạt năng suất tối ưu. Như vậy, để cảng Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành cảng trung chuyển cho khu vực, sánh vai với Singapore, Hồng Kông như mong đợi là khó khả thi.

Việc xây dựng tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, hay tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu đang là nhiệm vụ khá bức thiết trong tình hình hiện nay.

Bởi có hai con đường này sẽ giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vận chuyển đường bộ, các tàu container đến cụm cảng Cái Mép - Thị Vải giảm thời gian chờ đợi, giảm giá thành cước vận chuyển, kéo chi phí logistics giảm xuống, làm tăng tính cạnh tranh của hàng hóa xuất đi từ Việt Nam. Điều quan trọng hơn là lưu thông đường bộ thông suốt sẽ thúc đẩy quá trình phát triển của cụm cảng khu vực này, làm tăng tối đa công suất vận chuyển hàng hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phát triển cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu: Nút thắt đường bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO