Phận đèn dầu

MAI PHƯƠNG| 24/09/2011 09:17

Đêm quê mất điện tối om. Nấu và ăn cơm mò mẫm. Mẹ thắp ngọn đèn dầu ngồi tuốt những sợi rơm khô bện chổi. Cha nơm nớp lo nếu không có điện, chỗ lúa gặt bị mưa chiều nay không kịp tuốt sẽ lên mầm.

Phận đèn dầu

Mùa Hè nóng hầm hập với lịch cắt điện dày đặc ở thành phố đã làm cho mọi người càng cảm thấy nóng hơn. Tôi mang lũ trẻ con gửi về quê cho chúng tránh nắng. Và mình cũng rời xa những cuộc họp hành, những trang bản thảo, những vấn đề và số phận nhân vật để về với đồng quê. Những tưởng sẽ có mấy ngày yên ả không suy nghĩ cùng trăng thanh gió mát. Nhưng không, mỗi bước chân lại gặp những mảnh đời như chiếc gai cào vào ngực.

Đêm quê mất điện tối om. Nấu và ăn cơm mò mẫm. Mẹ thắp ngọn đèn dầu ngồi tuốt những sợi rơm khô bện chổi. Cha nơm nớp lo nếu không có điện, chỗ lúa gặt bị mưa chiều nay không kịp tuốt sẽ lên mầm. Cả làng, cả xã ngồi đợi có điện không dám ngủ. Chỉ chờ hễ có điện dù chỉ một lúc là sẽ lao vào làm mọi việc cho xong.

Đứa cháu ôn thi đại học ngồi mướt mồ hôi bên trang giấy. Chưa đêm nào nó ngủ được hai tiếng cả, vì lòng háo hức chờ có điện để xem lại bài. Đám trẻ con mọi ngày nghịch là thế, nhiều ngày nay ngồi im bặt đòi người lớn quạt. Quầng sáng đỏ quạch bằng cái mâm từ chiếc đèn con hắt xuống gợi nhiều suy nghĩ.

Chúng tôi từng lớn lên, học bài dưới ngọn đèn dầu hôi sì như thế. Tóc cháy khét lẹt bên ánh lửa buồn hiu như chính tuổi thơ của trẻ làng. Bao nhiêu người chốn quê mùa từng sống phận đèn dầu đời này qua đời khác. Như một nhà văn từng nói “tôi cũng là một phận đèn dầu buồn ủ dột chốn quê...”.

Chẳng ai còn nghĩ khi đất nước đã gia nhập WTO lâu lâu rồi mà mẹ ta vẫn ngồi trong bóng đèn dầu hàng đêm, lần sờ làm những việc nhà nông mà ngàn xưa tổ tiên đã làm.

“Họ cắt điện nhiều thế để tiết kiệm hay sao ấy con ạ, chỉ khổ nhà nông, tối mới nhiều việc vặt, mà dạo này không sát được cả gạo để ăn nữa”, mẹ tôi cằn nhằn thế. Tôi lại nghĩ đến những đoạn đường lung linh ánh sáng ở những đô thị lớn hàng đêm, những nhà hàng lộng lẫy đèn trang trí.

Nhà hàng xóm. Trong căn nhà xập xệ lợp prô xi măng có hai đứa bé chừng 5 - 6 tuổi chụm đầu vào nhau chơi gì đó. Lại gần xem mới hay, chúng “chọi cua”. Mỗi đứa cầm một con cua để thi xem con nào bò nhanh hơn.

Hai đứa bé lem luốc có vẻ quý mấy con cua lắm. Đứa em giằng con cua của chị, chị lại không cho, thế là đánh nhau khóc ré lên. Hỏi mãi hai đứa bé mới nói, bố đã bỏ nhà đi tìm mẹ, nhà còn lại hai chị em, ngày tha thẩn tự chơi, tối bà ngoại đến ngủ cùng. Mẹ em bị người ta lừa bán đi Trung Quốc.

Hai đôi mắt trẻ thơ trong veo. Cái nhìn ngơ ngác trước khái niệm “ Tết thiếu nhi” của chúng gieo vào lòng người ta vô vàn day dứt…

Và đấy, thím Tư cứ một nỗi lo các con hư hỏng vì ruộng nhà đã thành Khu công nghiệp, tiền đã quy ra thành nhà tầng, xe máy, ti vi cả rồi. Các con thím ít học đi làm thuê ngoài thành phố, thím lo chúng chẳng biết có giữ được mình. Sau này không có ruộng thì sống bằng gì...

Thím đã ngồi dựa lưng vào gốc cau bảo: “Cả cánh đồng Bông xưa kia là mấy sào lúa nếp của thím, giờ là nhà máy may Hàn Quốc. Mỗi lần đi chợ qua thấy xót xa lắm, nhớ lắm. Nhà nông mà không có ruộng khổ lắm con ơi, con viết báo, thì hãy viết cho thím như thế...”

Những tưởng chân ta trĩu xuống bởi quả thật chẳng phải tìm đâu xa, những mảnh vụn cuộc sống xếp đầy trước mắt. Cây bút nào tả xiết những phận người run rẩy đang gắng gỏi vượt lên trong cuộc sống đầy khó khăn này.

Nghe tiếng quạt phành phạch của mẹ trong đêm vắng, lại nghĩ đến cái quạt mo của thằng Bờm. Cái quạt mo mà “ phú ông” đã định đổi bao nhiêu thứ từ “Ba bò chín trâu”, “một bè gỗ lim” đến “con chim đồi mồi”..., mãi đến “ nắm xôi’’ thì Bờm mới chịu.

Nhiều người đã phân tích bài ca dao và cho rằng phú ông tham lam, ích kỷ, hay mù quáng. Nhưng có nhà nghiên cứu cho rằng, phú ôngquyết tước đoạt cái quạt mo ấy vì nó là biểu tượng của Bờm, là bản ngã văn hóa của Bờm.

Có thể đó là kỷ vật cha ông để lại hay là vật dụng bình thường cũng là đặc trưng cho nhân cách của Bờm. Cướp được nó là cướp được nhân cách của Bờm. Phú ông muốn dùng của cải khuất phục điều đó. Nỗ lực của phú ông thực chất là nỗ lực tước đoạt bản ngã của Bờm.

Bờm có quyền không chấp nhận. Bờm chỉ đổi để lấy quạt mo. Và cũng theo nhà nghiên cứu, Phú ông vừa trao đổi, vừa tiếp thị văn hóa, vừa nâng cấp Bờm.

Lúc đầu, Bờm chỉ được coi là kẻ vai u thịt bắp cày ruộng chăn bò hay lái trâu, sau đấy thì coi Bờm như con người, rồi con người biết ăn chơi đài các “con chim đồi mồi”, rồi cao nhất là một người ăn thức ăn là đồ cúng lễ “nắm xôi”.

Những phú ông tân thời ngày nay cũng đang đưa ra những miếng mồi ngon vật chất, làm ra vẻ nâng cấp thân phận nông dân. Nhưng những người như thím tôi đã nhận ra một điều giá mà các phú ông đưa ra những dự án mang lại miếng cơm manh áo thì họ sẽ chẳng xót xa. Trong sâu thẳm, hoá ra mọi người lại ước mình là thằng Bờm, có cái quạt mo để tự định đoạt số phận.

Ít nhất cũng là để mặc cả để đổi lấy điện sáng bất cứ lúc nào...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phận đèn dầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO