Ổ dịch và mũi 3

BS. Võ Xuân Sơn| 06/02/2022 00:00

Hôm nay tôi có một cậu lái xe mới. Khi tôi nói đến việc phòng dịch, cậu ấy nói ngay rằng cậu ấy đã chích mũi 3. Ý cậu ấy cho rằng, vì cậu ấy đã chích mũi 3, nên không phải lo về phòng dịch lắm.

Tôi phải nói cho cậu ấy biết, việc chích mũi 3 có nhiều lý do, cả lý do y khoa và lý do không y khoa, cũng không loại trừ những lý do giống như vụ kit test. Tuy nhiên, dù có chích mũi 3, 4 hay 5, 6 đi nữa, thì việc thực hiện các biện pháp phòng, chống lây lan vẫn rất cần thiết. Nếu chích vaccine rồi mà không cần phải áp dụng các biện pháp phòng tránh dịch, thì cậu ấy đã không phải chích mũi 3 làm gì.

Đấy là tôi chưa nói cho cậu ấy biết, cho dù cậu ấy có chích đến mũi 4, mũi 5 đi chăng nữa, cũng chưa chắc khả năng chống dịch của cậu ấy tốt hơn người chỉ chích 2 mũi mà được kiểm tra kháng thể, có mức kháng thể cao hơn mức 132U/ml - là mức mà FDA cho phép dùng huyết tương của người đó làm thuốc chữa cho người nhiễm virus Vũ Hán.

Khi nói đến việc đi Đà Lạt, thì cậu lái xe mới nói, Đà Lạt hiện nay là ổ dịch. Lại phải "chỉnh đốn" lại một chút cho cậu ấy hiểu rõ. Hiện nay, cả nước ta là ổ dịch, hầu như địa phương nào cũng là ổ dịch. Ngay cả những địa phương có rất ít người nhiễm được báo cáo, thì cũng vẫn có thể có nhiều người nhiễm không được phát hiện và vẫn có khả năng bị nhiễm và bị lây lan từ đó.

Trong khi đó, ổ dịch lớn nhất vẫn là TP.HCM. Mấy ngày nay, Hà Nội có xu thế đang "soán ngôi" của TP.HCM. Đó là điều dễ hiểu. Các thành phố lớn, đông dân, mật độ dân số cao, là nơi dịch bệnh dễ lây lan nhất. Thành phố càng lớn, càng đông dân, nguy cơ trở thành ổ dịch càng lớn. Cho nên, nếu bạn là người dân của TP.HCM hay Hà Nội, khi đi đến các địa phương khác, thì người dân ở các địa phương đó có lý do để "sợ" bạn hơn là bạn "sợ" người dân ở đó lây lan dịch bệnh cho bạn.

Có điều may mắn mà ít ai để ý. Những địa phương là ổ dịch lớn, có nhiều người bị lây nhiễm, thì sau một thời gian, nơi đó lại nhận được một tác động tích cực từ việc lây nhiễm mang lại, đó là có nhiều người có được miễn dịch tự nhiên, từ đó địa phương có miễn dịch cộng đồng, mức độ lây nhiễm sẽ giảm. Đó là tình hình TP.HCM mấy ngày gần đây.

Đất nước chúng ta đã áp dụng chiến lược Zero Covid trong phòng, chống dịch bệnh và chúng ta đã thất bại thảm hại khi số người nhiễm lên con số hàng triệu và hơn 2 vạn người tử vong. Sau đó, chúng ta đã chuyển sang chế độ sống chung với virus Vũ Hán.

Từ khi chúng ta chuyển sang chiến lược sống chung với virus Vũ Hán, con số lây nhiễm tại TP.HCM - ổ dịch lớn nhất cả nước đã giảm, còn tỷ lệ tử vong trên cả nước thì giảm mạnh. Đồng thời, kinh tế đã không còn ở mức thê thảm như trước, dù chưa phục hồi. Rõ ràng là chiến lược sống chung với virus Vũ Hán tốt hơn là chiến lược Zero Covid.

Do vậy, dù cho ở địa phương nào đó, con số lây nhiễm có là 1, 2, 3 hay 4 chữ số, thì chúng ta vẫn phải duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội, đồng thời vẫn phải áp dụng các biện pháp phòng tránh dịch khác, để hạn chế thấp nhất các thiệt hại do virus Vũ Hán mang lại.

Trong các biện pháp cần làm thì quan trọng là mang khẩu trang, rửa tay, giữ khoảng cách và không tụ tập đông người trong không gian kín. Riêng về khai báo thì thật tình tôi vẫn không biết khai báo mang lại lợi ích gì, ngoài việc chúng ta có rất nhiều app khai báo (không biết là được làm ra từ nguồn tiền nào), nên không dám cổ xúy cho nó.

Cho dù có Alpha hay Delta xuất hiện, rồi Omicron, thậm chí là nếu có chủng đột biến Epsilon đi chăng nữa, thì chúng ta vẫn phải sống, xã hội vẫn phải tồn tại và phát triển. Chỉ là, làm sao để hạn chế tối đa thiệt hại do bọn nó mang lại mà thôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ổ dịch và mũi 3
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO