Nôi tre ấp ủ tình quê

PHI TÂN| 02/10/2016 01:08

Những chiếc nôi tre được bày bán trên một con phố chợt đập vào mắt khiến tôi phải dừng xe nhìn. Lâu lắm mới thấy người bán dạo nôi tre. Từ xa xôi, lời ru của mạ chợt như vọng về yêu thương: "Mẹ ngồi cầm bốn tao nôi/ Tao thẳng, tao dùi, tao nhớ, tao thương"...

Nôi tre ấp ủ tình quê

Những chiếc nôi tre được bày bán trên một con phố chợt đập vào mắt khiến tôi phải dừng xe nhìn. Lâu lắm mới thấy người bán dạo nôi tre. Từ xa xôi, lời ru của mạ chợt như vọng về yêu thương: "Mẹ ngồi cầm bốn tao nôi/ Tao thẳng, tao dùi, tao nhớ, tao thương"... 

Đọc E-paper

Đó là chiếc nôi được mệ nội tôi đặt hàng ông Dụ, một người thợ đan tre khuyết tật nhưng rất khéo léo của làng tôi, khi mạ mang bầu tôi mấy tháng. Chiếc nôi tre có hình chiếc lá khổng lồ đã đón tôi từ vòng tay mẹ sau ngày đầy tháng. Mạ sinh sáu đứa con và cả sáu anh em tôi đều lớn lên trong chiếc nôi tre hình chiếc lá khổng lồ đó cùng những lời ru.

Đứa ni thôi nôi thì chiếc nôi tre được gác lên cái giàn chái bếp, và nó lại được ba tôi treo lên chiếc đòn tay trong nhà khi gia đình đón thêm một thành viên mới. Chiếc nôi tre cứ thế bền bỉ ru giấc ngủ những đứa con thơ đến hơn mười năm trong mùi thơm khói bếp. Có lẽ vì thế, để đón đứa con đầu lòng, tôi vẫn muốn mua một nôi tre như một niềm sung sướng khó tả, chỉ cảm nhận được. Và tôi đi tìm nó.

Dọc theo đường Lê Duẩn ở Huế có đến gần chục gia đình theo nghề làm nôi mây tre. Đây là cái nghề cha truyền con nối cũng đã ngót gần non thế kỷ. Bà Thoa - một người thợ làm nôi, kể rằng: "Khi tui về làm dâu thì mạ chồng tui chuyên làm nghề triêng gióng (quang gánh). Sau đó bà chuyển sang làm nôi tre, nôi mây vì bán được hơn. Tui theo nghề làm nôi của nhà chồng cũng đã gần năm mươi năm rồi... Không như những năm xưa nôi mây, tre được đặt hàng bán chạy, bây chừ thi thoảng mới có một người tới hỏi mua nôi. Nhưng đã là nghề của ông cha nên không nỡ bỏ".

Bà Thoa rất vui khi kể chuyện một người đàn ông đã đứng tuổi đánh ô tô tới mua nôi. Vị khách đó nói rằng: "Mấy đứa cháu nội của tui đều nằm nôi mây tre, trước hết là để cho cái lưng tụi nhỏ thẳng, thứ hai là để chúng nghe được những lời ru của mẹ, của bà...". Giờ nhà nào cũng ít con cháu, cái thú đi mua nôi mới cũng mất dần.

Những bà mẹ trẻ giờ thích mua nôi điện tự động lắc lư, khỏi phải bỏ công ngồi ru trẻ. Cũng có lúc cả gia đình thích thú bật tách một cái, cái nôi điện tự động lắc lư, tự động phát những bản nhạc tươi vui, tiện lợi hơn hẳn. Thế mà một hôm đến thăm gia đình anh bạn mới có em bé, tôi bắt gặp mình ngẩn ngơ vì tình thương yêu tỏa ra từ người mẹ trẻ đang ru bé ngủ.

Lời ru từ lòng mẹ ấm quá, nó chứa cả niềm vui lẫn sự mệt mỏi, nên nghe rất thương. Nhìn những chiếc nôi mây tre được bày bán trên hè phố, tôi chợt bật ra một điều thú vị: người Việt mình suốt đời gắn bó với tre, từ khi mới sinh ra đã được tre bảo bọc, lớn lên chạy nhảy, vui đùa sau lũy tre làng, rồi sự hiện diện của những chiếc đũa tre trong bữa ăn hằng ngày... Cũng vì thế nên chỉ có nôi mây tre gần gũi mới "đánh thức" được tiếng ru từ lòng mẹ chăng?

Thế nên tôi thấy không chút lạc lõng khi trong căn phòng đẹp và hiện đại ấy, chiếc nôi mây vàng óng làm cho mẹ con như gần gũi, thêm một cánh tay bao bọc đứa trẻ chào đời.

Nghĩ thế thôi cũng đã thấy ấm áp, cứ mong có thật nhiều người mua nôi mây, nôi tre, cho đứa trẻ vừa chào đời được gần một chút quê hương của nó trong đời sống hiện đại, cứ như được quê hương bao bọc, bắt đầu là chiếc nôi làm từ tre, từ mây.

Rồi đây những đứa trẻ lớn lên sẽ tiếp tục cảm nhận được ý nghĩa của câu hát: "Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời. Mẹ hiền ru những câu xa vời. À ơi, tiếng ru muôn đời...".

Bỗng nhớ Phạm Duy, ông có nhìn chiếc nôi tre khi viết nên những dòng nhạc tha thiết này?

>Ẩn số tình yêu của phụ nữ Việt

>Âm thanh thành phố

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nôi tre ấp ủ tình quê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO