Nơi đầu sóng cả

VIẾT CHUNG| 25/03/2019 05:50

Một chuyến đi mà ngay cả khi đến đích và trở về, vẫn thấy mình chưa dừng lại, ấy là hành trình của chúng tôi đến với Lý Sơn. Nơi đây, những luống hành, luống tỏi bám vào cát, người dân bám vào đảo, không chỉ mưu sinh mà còn canh giữ biển trời cho tổ quốc.

Nơi đầu sóng cả

Lễ hội đua thuyền truyền thống trên đảo Lý Sơn

Dấu tích miệng núi lửa trên đảo Lý Sơn

Dấu tích miệng núi lửa trên đảo Lý Sơn

1. Mỗi ngày, chỉ có một chuyến tàu từ cảng Sa Kỳ ra Lý Sơn, nên 6 giờ sáng chúng tôi đã có mặt để mua vé. Chưa thấy mặt trời mà mặt biển đã hắt một màu đỏ nhàn nhạt lên dãy nhà ven sông. Những tàu cá nhỏ nằm san sát mé nước. Chờ sẵn ở kè cảng là con tàu An Hải 09 chuyên chở khách và tàu Hải Long II phía sau chuyên vận tải hàng hóa ra Lý Sơn.

Lao xao giọng miền Trung với cách phát âm đặc Quảng Ngãi, khiến muốn hiểu phải nhìn khẩu hình rồi dựa vào ngữ cảnh mà... luận. Không có cảnh chen chúc như những bến tàu thông thường, nhưng lại thú vị ở chỗ cứ nhìn chủng loại hàng hóa đưa ra là biết Lý Sơn đang cần gì. Hoa quả, rau xanh, chậu cây cảnh, những thùng hàng to nhỏ, những sắt thép, xi măng... lần lượt được đưa xuống tàu, chằng buộc cẩn thận.

Lý Sơn trên là trời mênh mông xanh với vài gợn mây trắng vắt ngang, dưới là màu trắng nhức mắt những thửa cát phơi mình chờ vụ tỏi mới. Trên đảo có khá nhiều công trình mới hoặc vẫn đang trong giai đoạn thi công: những đoạn kè đá ven biển, con đường xuyên khu trung tâm hành chính huyện đảo, trụ sở cơ quan và trường học.

Chiếc xe du lịch đón chúng tôi lắc lư chạy qua con đường gập ghềnh chen giữa hai bên là ruộng tỏi. Nhìn những vuông, những khoảnh cát trắng nơi này, bất giác nhớ tới Quảng Bình - nơi những đụn cát lấp lánh lấp lánh dưới cái nắng chang chang. Người dân địa phương cho biết, tháng 9, tháng 10 là thời điểm dỡ hành để trồng tỏi.

Như khi chúng tôi tới, vẫn còn nhiều ruộng hành chưa đến kỳ thu hoạch, nhưng hầu hết các vuông đã được đổ đất, rải cát chuẩn bị cho mùa tỏi chính trong năm. Thông thường, cứ mỗi vụ người dân nơi đây lại phải cải tạo đất một lần. Rải lớp cát cũ, rồi phủ một lượt chất hữu cơ từ lá cây, phân gia súc lên trên, lại đến lớp cát mới lấy từ biển lên thì mới trồng được tỏi. Nghe nói, khâu làm đất như vậy khá tốn kém, chưa kể đến việc chăm tưới.

Chúng tôi nhờ chị chủ khách sạn thuê giúp chiếc xe máy để chạy vòng quanh đảo. Có nhiều điểm khá thú vị cả về văn hóa, lịch sử lẫn kiến trúc mà dù đảo có nhiều đổi thay nhưng gốc tích vẫn được lưu giữ, đó là những đình làng có gắn "Lưỡng long triều nhật" tưởng như quen mà rất khác với kiến trúc tương tự ở đình làng Bắc bộ, rồi đến những đôi nghê đá gắn sứ màu lam và lục tỉ mẩn, công phu, sống động.

Những mối ghép đầu hồi có hình cá chép há miệng (có thể là thay cho phần thông hơi, thông gió) cũng rất bắt mắt. Mô típ chung là đình, đền, miếu đều quay mặt ra biển và có bình phong che chính diện đắp nổi hình một vị chúa sơn lâm hoặc hình kỳ lân..

Tôi lang thang dọc bờ biển, lăn lê chụp ảnh, lại được gặp những người dân biển hồn hậu, vừa vá lưới vừa kể chuyện ông cha tham gia hải đội Hoàng Sa. Xúc động nhất là khi được nghe chính họ kể về mộ gió của đời cụ, đời ông -  những trai tráng năm xưa, mà xương thịt trần ai đã hòa vào sóng nước quê hương, nhưng linh hồn và niềm kiêu hãnh về chủ quyền biển đảo vẫn còn hiển hiện nơi đây, trong những ánh mắt ngời lên tự hào của lớp hậu thế, trong tấm bài vị đơn sơ, trong lễ khao lề thế lính cúng thế cho người sống - một nghi lễ trải qua mấy trăm năm bao người dân Lý Sơn nối tiếp truyền thống lần lượt tiến ra quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để đo đạc thủy trình, dựng bia chủ quyền và khai thác sản vật. Công trạng của họ đối với tổ quốc thật to lớn nhưng cũng thật bi hùng, bởi nhiều người con của Lý Sơn phải hy sinh vì nhiệm vụ mà thân xác mãi chôn vùi giữa biển cả và đất đảo Hoàng Sa, Trường Sa...

2. Đảo Bé có tên hành chính là xã đảo An Bình (thuộc huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi), nhưng tôi thích gọi nó là Đảo Bé như vốn có. Âm hưởng của cái tên đúng như hòn đảo: xinh đẹp, nhỏ nhắn và bình an. Hơn thế, nó còn gợi nhắc đến vế còn lại - Đảo Lớn (Lý Sơn).

Từ Đảo Lớn ra Đảo Bé nếu theo bản đồ thì khoảng hơn 1 hải lý, nhưng nếu theo hải đồ thì khoảng 2,5 kilômét, do phải đi vòng. Tuy không xa, nhưng thường chỉ có một vài chuyến tàu đi về trong ngày từ Lý Sơn ra đây.

Dân Đảo Bé cũng sống bằng nghề trồng tỏi và số ít thì đi biển (do đảo chỉ có bãi ngang, bị sóng đánh nhiều nên khó khai thác và neo đậu tàu). Theo số liệu hành chính, Đảo Bé có 112 hộ dân với hơn 500 nhân khẩu, nhưng hiện chỉ còn khoảng hơn 100 dân sinh sống thường xuyên do đi làm thuê nơi khác hoặc con em đi học, chuyển vào đất liền.

Ghềnh đá ven biển Lý Sơn

Ghềnh đá ven biển Lý Sơn

Nếu chỉ gọi là đẹp, e rằng là sự mô tả sơ sài. Biển và trời Đảo Bé lúc nào cũng ngăn ngắt, với đá núi vươn lên trong cái thế vững chãi mà ngang tàng. Đảo Bé đẹp mặn mòi như cô gái đẹp nhưng cuộc sống vất vả làm cho cứng cỏi một chút, hoang dã một chút.

Theo con đường trải bê tông xuyên suốt từ cầu tàu cho đến mé kia của Đảo Bé, chúng tôi lại ngang qua những ruộng tỏi giống như ở Đảo Lớn. Điểm khác một chút là những thửa ruộng này theo kiểu bậc thang và có đá xếp ngăn thành từng ô để chắn gió. Đi hết đường chính là bãi biển lởm chởm đá. Nước trong nhìn thấu đáy, đá dựng sừng sững, đẹp thì có đẹp nhưng phải thật cẩn thận vì mảnh san hô vụn, vỏ sò vỏ ốc sàn sạt cứa chân.

Đảo Bé không có nước ngọt, không có điện. Nhà nào cũng có mấy chiếc lu khổng lồ hoặc xây bể to để chứa nước mưa. Nếu thiếu, dân phải mua nước ngọt từ Đảo Lớn với giá 200.000 đồng mỗi mét khối. Trước đây Đảo Bé chỉ có một hệ thống pin năng lượng mặt trời trang bị cho bộ đội biên phòng, năm 2016 mới có lưới điện quốc gia.

Bọn trẻ ở đây mắt đen láy, rất nghịch, đồ chơi của chúng hình như chỉ có bi và vỏ ốc các loại. Có một trường mầm non và trường tiểu học trên đảo, lên lớp cao hơn thì trẻ em phải đi thuyền sang Đảo Lớn học và trọ tại đó. Lâu lâu, chúng lại về lấy gạo rồi đi tiếp, đến tháng 10, tháng 11 thường có bão hoặc sóng lớn, không về nhà được.

Người dân biển đâu cũng có nét hồn hậu như nhau, nhưng ở Đảo Bé, thật thú vị khi tìm ra những điểm khác biệt nho nhỏ. Chẳng hạn như dân rất thích trồng cây cảnh, dù nhà to nhỏ, giàu nghèo khác nhau, nhưng đều trồng vài cây sứ đỏ, vài cụm hồng, vài gốc hoa giấy... Đang là dịp chuẩn bị gieo tỏi nên đi đến đâu, đường làng, hiên nhà đều thấy từng nhóm ngồi bên các thúng tỏi để bóc tách chia tép, chuyện trò rôm rả rất vui.

Chúng tôi ấn tượng mãi với người chủ tàu tên Tròn. Khách du lịch thuê tàu từ Đảo Lớn sang Đảo Bé, ông tính rạch ròi, không ép giá, không nì nèo, có sao nói vậy. Bà con theo tàu qua lại giữa hai đảo, thường thì 15 nghìn đồng mỗi người, nhưng lỡ không có, nói khó một câu với ông, cũng gật. Bọn trẻ con đi học, ông chẳng bao giờ lấy tiền tàu. Nằm võng đong đưa chờ khách đi thăm đảo, ông giơ tay nhẩm xóm này có những đứa trẻ nào, con nhà ai, bố mẹ chúng gửi ra sao để gọi, chờ cho đủ rồi mới xuất phát.

3. Rồi hồi còi xuất bến cũng vang lên, chúng tôi lại về với chuỗi ngày phố thị cùng nhịp sống bươn chải. Rời Lý Sơn, nghe văng vẳng câu thơ của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến:

Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả
Những chàng trai ra đảo đã quên mình
Một sắc chỉ về Hoàng Sa thuở trước
Còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh...

Giờ tôi đã hiểu, hơn cả nỗi lòng háo hức trước mỗi chuyến đi hay bâng khuâng khi rời bước, vì sao mình lại xúc động đến thế khi đến với Đảo Lớn, Đảo Bé Lý Sơn. Lý Sơn không chỉ đẹp mà còn thân thương, bởi có dáng hình tổ quốc "neo đầu nơi sóng cả”, neo vào con người nơi đây! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nơi đầu sóng cả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO