Những góc nhìn đa chiều về đánh bắt xa bờ

HẢI LÝ/DNSGCT| 04/08/2014 07:08

Một trong những mối quan tâm của Ngân hàng Nhà nước trong đợt đi khảo sát thực tế ngư dân ở các tỉnh miền Trung, là dòng tiền trả nợ của những người vay đóng tàu sắt.

Những góc nhìn đa chiều về đánh bắt xa bờ

Một trong những mối quan tâm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong đợt đi khảo sát thực tế ngư dân ở các tỉnh miền Trung để thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 về một số chính sách thúc đẩy phát triển thủy sản, là dòng tiền trả nợ của những người vay đóng tàu sắt.

Đọc E-paper

Tại Ủy ban Nhân dân huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, Vụ trưởng Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Tiến Đông hỏi đi hỏi lại lãnh đạo huyện việc ngư dân tiêu thụ cá thế nào, bán cho ai, thu tiền ra sao.

Những đợt đi trước, ông đã nắm rõ ngư dân đang ngần ngại đóng tàu vỏ sắt do giá thành cao, bình quân tới 7 tỉ đồng/chiếc loại 400CV, trong khi đóng tàu vỏ gỗ cùng loại giá thành chỉ bằng phân nửa.

Với tàu gỗ, ngư dân thường đi biển ngắn ngày, tầm 15-25 ngày là quay về. Những tàu đi dài hơi cũng chỉ khoảng một tháng.

Họ bảo quản cá bằng đá đông lạnh và bán cá ngay trên ngư trường hoặc bán ở cảng cá. Nếu địa phương không quản lý được ngư dân, việc thu hồi nợ có thể khó khăn.

Nỗi lòng ngân hàng

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Bình Châu, thuộc huyện Bình Sơn, kiêm Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Bình Châu kể nghiệp đoàn của ông có 195 tàu cá.

Mùa biển yên, nhiều tàu công suất lớn đi khơi tới ba tháng. Họ ghé cả ra Quảng Ninh, Hải Phòng, họ bán được cá cho các tàu dịch vụ – loại tàu có thể tiếp cận tàu cá ngoài biển và mua hàng ngay tại chỗ.

Các tàu này có thể cung cấp luôn xăng dầu, lưới, thực phẩm, những thứ cần thiết cho tàu cá. Ông Đông nhận ngay ra rằng đây là một mấu chốt hỗ trợ ngân hàng thu nợ đúng hạn.

Nếu các doanh nghiệp thu mua, chế biến thủy sản có thể đầu tư tàu dịch vụ, các tàu này giống như ra-đa, luôn biết ngư dân ở đâu và giúp ngân hàng thu hồi vốn cho vay.

Chương trình đánh bắt xa bờ phát triển thủy sản với những khoản tiền cam kết cho vay từ phía các ngân hàng lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Agribank dành cho chương trình 5.000 tỉ đồng, BIDV và Vietinbank mỗi ngân hàng 3.000 tỉ đồng, Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL 2.000 tỉ đồng và Vietcombank 1.000 tỉ đồng.

Các ngân hàng cổ phần không tham gia, có lẽ bởi độ tin cậy từ phía Nhà nước đối với họ chưa phải tuyệt đối. Lãi suất cho vay 7%/năm, chủ tàu chỉ phải trả 1 – 3%/năm tùy loại tàu và công suất, phần còn lại 4 – 6%/năm được ngân sách cấp bù.

Ngư dân đóng tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới, công suất máy càng cao, thì mức được ngân sách cấp bù càng lớn. Nhà nước chủ trương khuyến khích ngư dân đóng tàu lớn, hiện đại, không chỉ khai thác xa bờ, mà cả máy móc, thiết bị phục vụ việc khai thác như ngư lưới cụ, thiết bị bảo quản… Chính vì được ngân sách cấp bù, mà chỉ có năm ngân hàng nơi Nhà nước còn nắm cổ phần chi phối được tham gia.

Sở dĩ ngân hàng phải “nhìn xa trông rộng” cho việc thu hồi vốn vì họ đã rút kinh nghiệm từ chương trình đánh bắt xa bờ năm 1997. Mười bảy năm trước các ngân hàng quốc doanh cho vay theo chỉ định, chỉ giải ngân, đối tượng vay đã có các địa phương lo.

Do làm theo phong trào, nhiều tỉnh ép ngư dân vay. Vay xong, địa phương xem như xong việc. Ngân hàng không tiếp cận được người vay, không thu hồi được vốn, kết quả là nợ đọng, nợ xấu, nợ tổn thất do thời tiết chiếm tỷ lệ cao.

BIDV giai đoạn đó cho vay 470 tỉ đồng đối với các tỉnh thành từ Đà Nẵng trở vào chỉ thu được 55% vốn đã giải ngân và sau này được Nhà nước hỗ trợ nguồn xử lý 31% tổng dư nợ. Còn lại, nợ cứ hạch toán, theo dõi đến giờ. Một lãnh đạo ngân hàng nói thật đắng lòng: “Tôi vào làm ngân hàng khi còn trẻ, nay chuẩn bị nghỉ hưu, khoản nợ đánh bắt xa bờ năm 1997 vẫn còn treo ở đó, chưa biết bao giờ tháo gỡ được?”.

Ngoài ra ngân hàng có lý do để băn khoăn mặc dù đang muốn đẩy mạnh tín dụng do tăng trưởng tín dụng đang rất thấp. Dịch vụ hậu cần nghề cá của Việt Nam dàn trải, manh mún, mạnh ai nấy làm.

Các cơ sở đóng tàu của Vinashin cũ toàn đóng tàu trọng tải lớn, nay chuyển sang thiết kế, đóng tàu sắt cho ngư dân, không phải ngày một ngày hai làm được ngay. Đóng hàng ngàn chiếc tàu đâu phải dễ. Rồi các cơ sở chế biến, thu mua cá của dân, phối hợp với các siêu thị ở các thành phố lớn tiêu thụ… không phải cứ có tiền là làm được.

Phải có nhạc trưởng chung cho hậu cần nghề cá và mỗi mảng lại cần có thêm một nhạc trưởng riêng. Ngân hàng làm sao bao sân tất cả các khâu đó được?

Địa phương “bối rối”

Nghị định 67 xác định rõ cơ chế Nhà nước cấp tín dụng ưu đãi; ngân hàng thương mại chủ động lựa chọn người vay và cho vay theo quy định của NHNN trên cơ sở xác nhận, phê duyệt danh sách vay vốn của chính quyền địa phương.

Từ xã lên huyện, từ huyện lên tỉnh, chính quyền địa phương có trách nhiệm lập được danh sách ngư dân vay. Tuy nhiên, để ra được danh sách ấy xem chừng khó khăn không ít.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương phản ánh họ cần văn bản hướng dẫn thực hiện, ngày 25/8/2014 Nghị định có hiệu lực đang cận kề, nhưng đến nay chưa có thông tư hướng dẫn nào.

Những khái niệm như thế nào là đánh bắt xa bờ (đi xa bao nhiêu, ngư trường nào, dài ngày-ngắn ngày, tàu to tàu nhỏ…), “có khả năng tài chính”, có phương án sản xuất kinh doanh để trả nợ… đại diện các sở địa phương đều lấn cấn.

Có địa phương đề nghị thông tư hướng dẫn nên có mẫu phương án sản xuất kinh doanh đi kèm cho thống nhất, vì mỗi ngân hàng đưa ra một mẫu khác nhau, ngư dân không theo kịp.

Những yêu cầu như ngư dân phải mua bảo hiểm cho tàu trước khi được giải ngân là trái ngoe vì phía bảo hiểm phải nhìn thấy tàu, kiểm tra tàu xong, họ mới bán bảo hiểm. Chưa hình dung chiếc tàu ra sao, công ty bảo hiểm nào dám nhận bảo hiểm?

Trong khi đó cấp xã và huyện là những nơi chịu trách nhiệm nặng nề về tuyên truyền, vận động ngư dân chuyển sang đóng tàu và sử dụng tàu vỏ thép. Ông Lương Kim Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bình Sơn, cho biết ngư dân miền Trung có truyền thống ra khơi với tàu gỗ, nay muốn thay đổi tập quán, thói quen đánh bắt bằng tàu lớn, xa bờ, phải tiếp xúc, làm công tác tư tưởng họ nhiều lần.

Hơn nữa, cũng phải đầu tư cho cơ sở hạ tầng như xưởng sửa chữa, bảo dưỡng tàu sắt, quy hoạch các điểm neo đậu tàu thuyền; các điểm thu mua, chế biến cá cho bà con… Hiện các xã đều có nghiệp đoàn nghề cá cấp xã và địa phương tiến hành vận động, tuyên truyền thông qua các nghiệp đoàn.

Đại diện một ngân hàng ở Bình Định nói vài tuần trước họ đã phối hợp với xã Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, Bình Định tổ chức gặp gỡ ngư dân. Mục tiêu ban đầu là mời cho được khoảng 200 ngư dân, nhưng bà con đã tới rất đông, số lượng gấp đôi và hỏi liên tục từ sáng đến trưa.

Chú ý trước tiên của ngư dân là lãi suất hỗ trợ, song đóng tàu to, 400 – 800CV họ e dè. Không phải ngư dân nào cũng quen điều khiển tàu lớn. Phải đào tạo nhân lực ngư dân, lại thêm một việc nữa!

Một số huyện của tỉnh Quảng Ngãi đã kết hợp với Đại học Thủy sản Nha Trang đào tạo thuyền trưởng và thuyền viên cho ngư dân, có cấp chứng chỉ hẳn hoi. Chương trình này cần được các địa phương khác nhân rộng.

“Rụt rè” ngư dân

Những ngư dân bám biển lâu năm ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn mà chúng tôi tiếp xúc, đều nói họ muốn vay vốn ngân hàng. Nhưng không phải ai cũng vay để đóng tàu sắt. Họ đang sử dụng tàu gỗ loại vừa và nhỏ và họ không có đủ năng lực tài chính để đóng tàu vỏ thép lớn.

Trước đây khi đóng tàu gỗ họ phải vay tiền đầu nậu và phải bán cá cho đầu nậu với giá thấp hơn giá thị trường. Nay họ muốn vay ngân hàng để trả nợ đầu nậu, sau đó tự do bán cá theo giá thị trường, mà không bị ép giá. Nhiều ngư dân mong muốn Nhà nước đầu tư các điểm thu mua cá, giúp họ có nơi tiêu thụ ổn định.

Ngư dân là mục tiêu của chương trình đánh bắt xa bờ lần này, đồng thời cũng là đối tượng được quan tâm nhất. Là tâm điểm của chương trình, cần hiểu thực trạng của họ.

Phần lớn ngư dân không phải tầng lớp trung lưu, khả năng tài chính có hạn. Khi đóng tàu họ vay đầu nậu, họ hàng, anh em, tiền chuẩn bị cho một chuyến ra khơi nhiều ngư dân cũng phải vay.

Khi tàu nhổ neo đi biển, trên lưng họ là áp lực của những khoản nợ phải trả, áp lực cơm áo gạo tiền. Nay dòng vốn tín dụng ngân hàng vào cuộc, tạo điều kiện để họ có một con tàu mới, có điều kiện cải thiện cuộc sống, trả nợ, nhưng tất cả đều mới mẻ và không phải không có rủi ro, họ chưa từng kinh qua, họ chắc chắn phải e dè, xem chừng, tìm hiểu.

Nên chăng các bộ, ngành và chính quyền địa phương bắt đầu bằng một đợt thí điểm với những ngư dân tương đối “giàu có” trước. Sự thành công của những ngư dân này sẽ là chất kích thích những ngư dân còn lại đi theo.

>Ngư dân bám biển: Vẻ đẹp của sự "không sợ hãi"
>Trang bị túi y tế và tặng quà cho ngư dân Quảng Ngãi
>
Doanh nhân đồng hành cùng ngư dân Hoàng Sa
>Đẩy mạnh tín dụng cho ngư dân
>
“Đang dùng tất cả các biện pháp để bảo vệ ngư dân”
>Giúp ngư dân bám biển

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những góc nhìn đa chiều về đánh bắt xa bờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO