Những điểm nghẽn của kinh tế Việt Nam

TS. PHẠM QUANG NGỌC| 21/12/2016 06:28

Kết quả kiểm định về thất bại thị trường mới nhất cho thấy, trong 6 chỉ số thành phần, chỉ duy nhất sự đa dạng về xuất khẩu không phải là điểm nghẽn trong nền kinh tế Việt Nam.

Những điểm nghẽn của kinh tế Việt Nam

Số liệu thống kê cho thấy xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng 10 - 20%/năm, tăng đều từ năm 2000 đến nay với 2 mốc Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (BTA) năm 2000 và Việt Nam gia nhập WTO năm 2007, theo xu hướng tăng tỷ trọng hàng chế biến và hàng hóa công nghệ cao.

Đọc E-paper

Về tỷ trọng hàng chế biến xuất khẩu, trong 10 nước xuất khẩu chiếm 90% tổng sản lượng hàng hóa xuất khẩu trên thế giới, năm 2015 Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ để đứng thứ hai sau Trung Quốc.

Nhìn sâu hơn, tỷ trọng hàng hóa công nghệ cao trong xuất khẩu của Việt Nam 3 năm gần đây cùng với sự trở lại mạnh mẽ của Tập đoàn Samsung đã đưa Việt Nam vào nhóm hàng hóa có tỷ trọng công nghệ cao.

Về lý thuyết, xuất khẩu nhiều sẽ đổi mới sản phẩm nhiều và đổi mới sản phẩm càng nhiều thì càng nâng cao năng lực cạnh tranh để xuất khẩu nhiều hơn. Việt Nam có đi theo xu hướng này không, cần nhìn vào thực trạng nền kinh tế hiện nay.

Kết quả kiểm định về thất bại thị trường mới nhất cho thấy, trong 6 chỉ số thành phần, chỉ duy nhất sự đa dạng về xuất khẩu không phải là điểm nghẽn trong nền kinh tế Việt Nam.

Chỉ số tính phức tạp trong kinh doanh, sự đổi mới và sáng tạo, năng lực ứng dụng công nghệ là 3 điểm nghẽn ở mức độ rất cao.

>>Sắc màu tương phản ở 2 nền kinh tế lớn nhất châu Á

Tính phức tạp trong kinh doanh được quy định bởi chất lượng và số lượng của các nhà cung cấp trong nước, mức độ phát triển của các khu và cụm công nghiệp, bản chất của lợi thế cạnh tranh, mức độ tham gia của chuỗi giá trị, kiểm soát các kênh phân phối, mức độ tinh tế của thiết bị và quy trình sản xuất, tức là dựa vào vốn, máy móc, thiết bị hay lao động. Chỉ số này của Việt Nam đang ở mức thấp so với các nước trong khu vực và đây là một điểm nghẽn ở mức độ rất cao.

Vì vậy, cần khuyến khích gia tăng số lượng, chất lượng của các nhà cung cấp trong nước. Cạnh đó, phát triển khu công nghiệp để nâng cao vị thế cạnh tranh, tăng cường sự tham gia vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp.

Kiểm định về sự đổi mới và sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam cho thấy, hiện chỉ có 0,2 đơn sáng chế/triệu dân/năm, tức là chỉ có 18 đơn sáng chế/90 triệu dân/năm. Trong khi đó, Trung Quốc tới 13,4 sáng chế/triệu dân/năm. Việt Nam còn rất xa mới đạt được ngưỡng của Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore là trên 100 đơn sáng chế/triệu dân/năm.

Điều này lý giải tại sao chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam nằm ở mức rất thấp, trở thành một điểm nghẽn có mức độ rất cao. Chỉ số sáng tạo bị ảnh hưởng bởi chất lượng của các viện nghiên cứu, bởi mức độ đầu tư của doanh nghiệp vào nghiên cứu phát triển (R&D). Hầu như doanh nghiệp không muốn đầu tư R&D mà chỉ đầu tư vào những ngành có tỷ số sinh lời cao và xu hướng đầu tư ngắn hạn, thường chỉ một vài năm.

Kiểm định về năng lực ứng dụng công nghệ mới, kết quả cho thấy năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam ở mức thấp nhất so với các nước trong khu vực. Nhìn vào chỉ số thành phần, từ sự sẵn có của công nghệ mới, sự hấp thụ công nghệ mới của doanh nghiệp cho đến sự chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp FDI, hầu hết đều ở mức thấp nhất. Điều này giải thích tại sao đây lại là điểm nghẽn và ở mức độ cao.

>>Top 10 nước có năng lực cạnh tranh tốt nhất thế giới

Hiện Nhà nước đang áp dụng chính sách miễn thuế nhập khẩu công nghệ mới cho Tâp đoàn Samsung. Đây là một chính sách tốt. Nếu Nhà nước áp dụng chính sách này cho doanh nghiệp trong nước, chắc chắn sẽ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ mới, qua đó nâng cao năng lực ứng dụng.

Cạnh đó, liên kết theo ngành dọc của nước ta đang rất yếu, sự lan tỏa công nghệ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa rất thấp. Nhà nước cần có chính sách cho vấn đề này.

2 chỉ số về môi trường đầu tư, nghiên cứu phát triển, bao gồm sở hữu trí tuệ và mức độ cạnh tranh, là điểm nghẽn ở mức trung bình.

Hiện nay Việt Nam đã có những cam kết về môi trường pháp luật bảo vệ sở hữu trí tuệ ở mức trung bình trong khu vực, nhưng việc thực thi bảo hộ sở hữu trí tuệ lại rất yếu.

Nhà nước phải khuyến khích thông qua chính sách về thuế, tăng cường chất lượng nghiên cứu và hướng nghiên cứu đúng nhu cầu của doanh nghiệp, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp, viện và trường đại học để tạo thành hệ thống đổi mới. Cạnh đó, Nhà nước phải tập trung và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao mà Việt Nam đang có, ví dụ công nghệ phần mềm.

Về lý thuyết, trong một nền kinh tế, sự cạnh tranh càng cao thì xu hướng doanh nghiệp đầu tư cho đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh càng lớn. Nhưng thực tế, mức độ cạnh tranh trong nước của Việt Nam đứng ở mức trung bình thấp nhưng mức thống trị thị trường cũng như hiệu quả của chính sách chống độc quyền lại kém.

Mức độ cạnh tranh được đo bằng 3 chỉ số thành phần: thống trị thị trường của doanh nghiệp, mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp và hiệu quả chính sách chống độc quyền.

Vì vậy, Nhà nước cần giảm bớt vai trò của doanh nghiệp nhà nước không chỉ về số lượng mà còn phải giảm bớt cả sự nắm giữ các nguồn lực trong những ngành mà khu vực tư nhân có thể tham gia. Cạnh đó, Nhà nước phải giảm bớt sự thống trị thị trường của doanh nghiệp lớn trong xuất khẩu gạo, cung cấp điện, kinh doanh xăng dầu. Cuối cùng, cần phải tăng cường hiệu quả thực thi của chính sách chống độc quyền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những điểm nghẽn của kinh tế Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO