NHNN hạ lãi suất để hỗ trợ xuất khẩu?

TS. PHAN MINH NGỌC| 15/07/2017 09:56

Cuối tuần trước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bất ngờ giảm 0,25 điểm phần trăm các lãi suất điều hành của mình...

NHNN hạ lãi suất để hỗ trợ xuất khẩu?

Cuối tuần trước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bất ngờ giảm 0,25 điểm phần trăm các lãi suất điều hành của mình, đồng thời giảm 0,5 điểm phần trăm trần lãi suất cho vay ngắn hạn của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực và ngành kinh tế. 

Đọc E-paper

Nhận định về động thái trên của NHNN, có một số ý kiến trái chiều nhau.

Trong khi một số người cho rằng đây là hành động nới lỏng chính sách tiền tệ của NHNN để hỗ trợ tăng trưởng, thì số khác lại cho rằng đây là NHNN bật đèn xanh để các tổ chức tín dụng hưởng ứng, cùng chia sẻ khó khăn với người đi vay, giảm gánh nặng về vốn trong sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.

Công bằng mà nói, hành động trên của NHNN không hẳn là nới lỏng chính sách tiền tệ, tức tăng cung tiền, nên vì thế cũng không có nhiều tác động đến tăng trưởng kinh tế. NHNN vẫn tiếp tục duy trì hạn mức tăng trưởng tín dụng chung cho nền kinh tế ở mức 18%, tức là nguồn vốn tín dụng từ hệ thống ngân hàng thương mại cũng không thể tăng mạnh hơn trong năm 2017 so với mức đặt ra hồi đầu năm bởi NHNN.

Còn nếu nói đó là hành động bật đèn xanh, để các ngân hàng thương mại tích cực hưởng ứng và thông qua đó cắt giảm lãi suất cho vay thì cũng không hoàn toàn đúng. Như đã nói, với hạn mức tăng trưởng tín dụng cho năm nay bị khống chế ở con số 18%, dẫu các ngân hàng thương mại được cung cấp một nguồn vốn với giá rẻ hơn trước đây từ NHNN nhưng họ cũng không thể đẩy mạnh cho vay với lãi suất thấp hơn được.

>>Chính sách tỉ giá nào cho Việt Nam

Thay vào đó, các ngân hàng thương mại vẫn tiếp tục tập trung vào cho vay các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân truyền thống có khả năng chấp nhận lãi suất cho vay cao và có mức an toàn tín dụng chấp nhận được, thay vì mở rộng hơn nữa phạm vi và đối tượng cho vay, gồm cả những đối tượng khách hàng mới có rủi ro cao hơn, hoặc các đối tượng khách hàng ưu tiên theo yêu cầu của NHNN (gồm nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) nhưng ở mức lãi suất cho vay thấp.

Mặc dù NHNN cũng giảm 0,5 điểm phần trăm trần lãi suất cho vay ngắn hạn của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn trong một số lĩnh vực và ngành nghề, nhưng cần lưu ý rằng đây là lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại với các khách hàng trong những lĩnh vực và ngành nghề ưu tiên, chứ không phải là lãi suất cho vay ngắn hạn của NHNN với các tổ chức tín dụng.

Trên danh nghĩa, khi cho vay ngắn hạn các doanh nghiệp trong những lĩnh vực và ngành nghề ưu tiên này các ngân hàng thương mại phải cắt giảm lãi suất cho vay ít nhất là 0,5 điểm phần trăm (nếu lãi suất cho vay đã chạm trần cũ) nhưng trên thực tế điều này không có nghĩa là khách hàng vay vốn trong các ngành nghề và lĩnh vực ưu tiên này sẽ ngay lập tức là người hưởng lợi từ động thái cắt giảm lãi suất trên của NHNN.

Do NHNN không ban hành kèm theo quyết định cắt giảm lãi suất điều hành và trần lãi suất cho vay ngắn hạn nói trên một quyết định khác là bắt buộc các ngân hàng thương mại phải dành bao nhiêu phần trăm vốn cho vay cho các lĩnh vực ưu tiên.

>>Hạ áp lực tỉ giá

NHNN cũng không có động thái bổ sung như hạ hơn nữa lãi suất điều hành áp dụng với các tổ chức tài chính nếu các tổ chức tín dụng này dành tối thiểu bao nhiêu phần trăm vốn cho vay cho các ngành nghề và lĩnh vực ưu tiên, nên các ngân hàng thương mại hoàn toàn có thể sẽ "lách" quy định mới về trần lãi suất cho vay ngắn hạn nói trên bằng việc không cho các khách hàng thuộc diện ưu tiên này vay nữa.

Vậy thông điệp thực sự đằng sau động thái cắt giảm lãi suất trên của NHNN là gì?

Ngoài tính biểu trưng, như là một phần trong động thái hưởng ứng yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ hỗ trợ cho tăng trưởng, rất có thể NHNN mong muốn hành động cắt giảm lãi suất của mình sẽ đem lại thêm một yếu tố tích cực hỗ trợ cho xuất khẩu và giảm nhập khẩu thông qua kênh tỉ giá.

Với việc hạ lãi suất điều hành thấp hơn, NHNN gián tiếp làm gia tăng áp lực lên tỉ giá VND/USD, dẫn đến VND tiếp tục suy yếu thêm so với USD trong bối cảnh tỉ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại rất ổn định như hiện tại, bất chấp nhập siêu gia tăng ở Việt Nam, và FED đã tăng lãi suất ở Mỹ.

Chủ trương làm yếu VND này cũng được thể hiện qua xu hướng tăng liên tục của tỉ giá trung tâm của NHNN trong thời gian gần đây. Rất có thể trong bối cảnh sự điều chỉnh tỉ giá trung tâm này không lôi kéo theo được tỉ giá giao dịch thực tế tại các ngân hàng thương mại theo đúng ý đồ của mình nên NHNN buộc phải có thêm một động thái hỗ trợ khác, đó là hạ lãi suất điều hành, để làm suy yếu VND.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
NHNN hạ lãi suất để hỗ trợ xuất khẩu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO