Nhìn rộng hơn về thể chế kinh tế

TS. NGUYỄN ĐÌNH CUNG - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương| 13/04/2016 06:28

Sau 30 năm cải cách, nhìn lại quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, nước ta đã đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, nội dung về thể chế kinh tế còn khá nhiều khiếm khuyết.

Nhìn rộng hơn về thể chế kinh tế

Sau 30 năm cải cách, nhìn lại quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, nước ta đã đạt được một số kết quả. Đầu tiên, nước ta đã ban hành hầu hết thể chế pháp lý của kinh tế thị trường, như sở hữu, gia nhập thị trường, giao dịch thị trường, rút khỏi thị trường, điều tiết thị trường... Tuy nhiên, nội dung về thể chế kinh tế còn khá nhiều khiếm khuyết.

Đọc E-paper

Thứ nhất, nhiều luật có nội dung chưa đầy đủ. Ví dụ, pháp luật về sở hữu mới nhấn mạnh sở hữu vật, như xe, nhà,... những cái gọi là vật quyền. Việc xây dựng luật pháp nằm trong phạm vi hiểu biết của một số người với quan niệm "quản lý trong phạm vi có khả năng quản lý”. Tư duy này rất hạn chế nên tới đây, nếu không mở rộng quan niệm sẽ có nhiều rào cản khi kinh tế thị trường được nâng cấp.

Thứ hai, các thể chế pháp lý có đề cập đến kinh tế thị trường nhưng nội dung chưa phù hợp với kinh tế thị trường hiện đại. Nước ta đã thiết lập cho thị trường vận hành nhưng thị trường hiện đại hội nhập đầy đủ phải thể hiện trên nhiều phương diện khác nữa. Trong đó, thị trường phải có một thể chế thực thi đảm bảo quyền sở hữu được bảo vệ, kinh doanh phải được cạnh tranh bình đẳng đối với mọi thành phần kinh tế...

Đánh giá nội dung về thể chế thì không chỉ có các văn bản quy phạm pháp luật, các quy tắc bất thành văn, mà còn phải nhìn vào thực tế thực thi thể chế. Ở đây, bộ máy, con người có thể không còn phù hợp với cách thức thực thi luật pháp, không đáp ứng được đòi hỏi của một nền kinh tế thị trường hiện đại và đầy đủ. Những khiếm khuyết đó ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển kinh tế, nhất là trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ như hiện nay.

Những nghiên cứu, tổng kết thời gian qua cho thấy, thể chế kinh tế đóng vai trò quyết định trong phát triển kinh tế. Một thể chế tốt sẽ tạo ra động lực phù hợp để thúc đẩy mọi nguồn lực trong xã hội. Nếu thể chế kinh tế không phù hợp sẽ trở thành vật cản, làm méo mó thị trường, phân bố nguồn lực sai lệch, làm cho phân bố lợi ích không đều, làm thui chột sáng kiến cá nhân, động lực của từng cá nhân, tổ chức...

Ba mươi năm đổi mới tạo ra hệ thống thể chế kinh tế, nhưng thực tế, động lực của thể chế này không còn mạnh mẽ để đẩy nền kinh tế phát triển, nên cần có hệ thống động lực mới, hướng tới xây dựng một nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập.

Cải cách thể chế kinh tế luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của quá trình cải cách ở Việt Nam những năm gần đây. Câu hỏi luôn được đặt ra: Việt Nam cải cách đến mức nào thì được cho là nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập? Trả lời câu hỏi đó, phải nghiên cứu lý luận, các mô hình thị trường và thực tiễn các nước trên thế giới. Mỗi nước có điều kiện khác nhau, nhưng chắc chắn có điểm chung, cốt lõi hay còn gọi là thực tiễn tốt.

HẢI VÂN ghi

>TPP và hội tụ thể chế

>Cải cách thể chế, sửa luật nhưng quan trọng là thực thi

>Cải cách thể chế: Cần đột phá về tư duy

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhìn rộng hơn về thể chế kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO