Nhãn năng lượng ô tô: Phiền phức và tốn kém

MINH HÀO| 22/12/2017 06:19

Từ ngày 1/1/2018, ô tô 7 - 9 chỗ nhập khẩu lẫn lắp ráp trong nước đều phải dán nhãn năng lượng. Các doanh nghiệp cho rằng đây là quy định không những không cần thiết mà còn gây phiền phức và tốn kém.

Nhãn năng lượng ô tô: Phiền phức và tốn kém

Từ ngày 1/1/2018, ô tô từ 7 - 9 chỗ phải dáng nhãn năng lượng trước khi lưu thông.

Bộ Giao thông - Vận tải vừa ban hành Thông tư 40/2017 hướng dẫn việc dán nhãn năng lượng. Theo đó, ô tô từ 7 - 9 chỗ nhập khẩu lẫn lắp ráp trong nước phải dán nhãn năng lượng trước khi đưa ra thị trường. Việc dán nhãn được áp dụng với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh xe, kiểm tra, thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu và chứng nhận dán nhãn năng lượng xe.

Lý giải của các cơ quan chức năng là việc dán nhãn năng lượng sẽ giúp doanh nghiệp cung cấp cho người tiêu dùng thông tin về sản phẩm như xe sử dụng nhiên liệu nào, tiêu hao năng lượng ra sao, ít hay nhiều. Thông qua nhãn năng lượng, người tiêu dùng sẽ biết được sản phẩm mình định mua như thế nào.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất và kinh doanh xe cho rằng việc này là không cần thiết. Bởi thông tin liên quan đến loại nhiên liệu sử dụng, mức tiêu thụ nhiên liệu của xe đã được nhà sản xuất thể hiện trong catalogue hoặc trên thân xe. Vì vậy, không cần thiết phải dán nhãn năng lượng.

Để được cấp nhãn năng lượng, các cơ sở sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu phải lập hồ sơ, gồm bản đăng ký mức tiêu thụ nhiên liệu của kiểu xe, tài liệu chứng minh mức tiêu thụ nhiên liệu đăng ký tự công bố gửi cơ quan quản lý chất lượng. Sau khi gửi, doanh nghiệp phải chờ cơ quan quản lý năng lượng xem xét (thời gian từ 20 ngày trở lên), công bố về hồ sơ đủ điều kiện hoặc không đủ điều kiện dán nhãn năng lượng.

Để chứng minh mức tiêu thụ nhiên liệu của từng mẫu xe, doanh nghiệp phải đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực kiểm định trước khi dán nhãn. Và như vậy, những người mua xe phải trả thêm phí này. Hiện nay, để sở hữu được ô tô, người dân phải trả nhiều loại phí, lệ phí, nếu thêm phí dán nhãn năng lượng nữa thì giá xe tiếp tục đội lên, chưa kể việc này còn làm mất thời gian.

Theo quy định, mỗi lô xe nhập khẩu phải đưa mẫu đi kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Sau đó, doanh nghiệp sẽ tự dán nhãn năng lượng dựa trên kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng. Theo nhiều doanh nghiệp nhập khẩu và kinh doanh xe, sản phẩm của các hãng trên thế giới đều đã được kiểm tra bởi các đơn vị được thế giới công nhận trước khi đưa ra thị trường. Do vậy, quy định bắt buộc các sản phẩm này phải kiểm tra là không cần thiết và không phù hợp. Và có lẽ Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới yêu cầu kiểm tra đối với từng lô xe nhập khẩu.

Chia sẻ tại một diễn đàn mới đây, nhóm công tác công nghiệp ô tô và xe máy Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu và Hiệp hội Doanh nghiệp Bắc Âu cho rằng, quy định về thử nghiệm đối với từng lô xe nhập khẩu có thể đặt Việt Nam vào tình huống không tuân thủ với các thông lệ và cam kết quốc tế. Chẳng hạn như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) tới đây, Việt Nam sẽ phải tự động chấp nhận mà không yêu cầu phải thử nghiệm đối với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn tương đương hoặc cao hơn đã được chứng nhận bởi Liên minh Châu Âu (EU).

Thời gian qua đã có rất nhiều quy định kiểm soát rất gắt gao hoạt động của các doanh nghiệp ô tô. Thậm chí, nhiều quy định còn gây không ít khó khăn cho giới này. Chẳng hạn như Thông tư 20 về các thủ tục nhập khẩu ô tô quy định doanh nghiệp phải có giấy chỉ định hoặc ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh xe nhập khẩu phải có giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông - Vận tải cấp.

Sau thời gian dài phản ánh khó khăn và kiến nghị, ngày 8/12, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 28/2017/TT-BCT sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số thông tư, trong đó có Thông tư 20. Cụ thể, bắt đầu từ ngày 1/1/2018, các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống không phải nộp bổ sung giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất loại ô tô đó.

Hiện tại, các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp... đang kiến nghị sửa đổi một số quy định tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP do Thủ tướng Chính phủ ban hành hồi tháng 10 năm nay. Vậy nhưng lại xuất hiện thêm một "thủ tục con" là phải dán nhãn năng lượng trên xe!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhãn năng lượng ô tô: Phiền phức và tốn kém
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO