Nhạc trưởng cho cuộc cải cách lần hai

HẢI LÝ/DNSGCT| 29/06/2013 09:30

Đầu năm nay Tổng công ty rượu, bia, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đưa đại diện sang Campuchia nhằm chuẩn bị cho việc xâm nhập thị trường này của mặt hàng bia. Cuộc cạnh tranh trên đất Chùa Tháp xem ra khốc liệt hơn dự kiến ban đầu và sáu tháng trôi qua bia Sài Gòn vẫn chưa được người dân địa phương biết đến.

Nhạc trưởng cho cuộc cải cách lần hai

Đầu năm nay Tổng công ty rượu, bia, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đưa đại diện sang Campuchia nhằm chuẩn bị cho việc xâm nhập thị trường này của mặt hàng bia. Cuộc cạnh tranh trên đất Chùa Tháp xem ra khốc liệt hơn dự kiến ban đầu và sáu tháng trôi qua bia Sài Gòn vẫn chưa được người dân địa phương biết đến.

Đọc E-paper

Ở trong nước, kể từ sau lần bán cổ phần ra công chúng vào tháng 1-2008, Sabeco liên tiếp lỡ kế hoạch bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài và niêm yết.

Bốn tập đoàn lớn của nước ngoài bao gồm Sab Miller, Kirin Brewery Company Ltd, Asia Pacific Breweries Ltd và Asahi Breweries Limited đã từng xếp hàng mong muốn trở thành cổ đông của công ty, nhưng cho đến nay cơ quan chủ quản là Bộ Công thương vẫn chưa quyết định chọn ai, giá bán ra sao, điều kiện thế nào.

Dây chuyền sản xuất của Nhà máy bia Sài Gòn

Xem ra Sabeco đã lỡ chuyến đò cổ phần hóa trọn vẹn.

Chuyện mở room

Những tên tuổi như Sabeco, Habeco và một số doanh nghiệp niêm yết như Vinamilk, Dược Hậu Giang, FPT, Tổng công ty Khí GAS, Kinh Đô… lại được giới đầu tư liên tục nhắc đến gần đây kể từ khi Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ông Vũ Bằng trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg tháng trước, đề cập đến việc nới room (tỷ lệ sở hữu) cho nhà đầu tư nước ngoài.

Dự thảo sửa đổi Quyết định 55 về sở hữu nước ngoài đối với doanh nghiệp niêm yết cuối cùng cũng đã được các bộ, ngành, kể cả Bộ Tư pháp, thông qua và đang chờ Chính phủ phê duyệt.

Ngoài các quy định liên quan đến ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, theo nguồn tin của chúng tôi trong giới doanh nhân nước ngoài, một trong những điểm chính của dự thảo là nới room từ 49% lên 60% đối với cổ phiếu có quyền biểu quyết tại doanh nghiệp thuộc lĩnh vực, ngành nghề mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối (đáp ứng các điều kiện cụ thể) cộng thêm 10% cổ phiếu không có quyền biểu quyết.

Điểm dự thảo này, nếu được Chính phủ chấp thuận, sẽ là một bước ngoặt thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Với Sabeco, Nhà nước đã từng có ý định bán tiếp 38% vốn cho nước ngoài thay vì 20% như dự kiến ban đầu.

Trong trường hợp thành công, Nhà nước vẫn sở hữu 51% cổ phần Sabeco, tức vẫn nắm quyền chi phối. Tỷ lệ trên chỉ có thể thay đổi sau khi Sabeco niêm yết và nghị định thay thế Quyết định 55 được ban hành.

Cuộc cải cách lần hai

Việc mở room có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước. Năm 2006 khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), một làn sóng đầu tư gián tiếp nước ngoài đã ồ ạt đổ vào Việt Nam.

Điều kiện khi đó đã giúp Việt Nam cổ phần hóa được những doanh nghiệp tầm cỡ như Đạm Phú Mỹ, Tập đoàn Bảo Việt, Vietcombank, IPO Sabeco… và các ngân hàng có được cổ đông là những tên tuổi tài chính quốc tế.

Tiếc rằng thời điểm ấy chúng ta đã thiếu một người nhạc trưởng, có thể dẫn dắt, hướng dòng vốn ngoại vào những lĩnh vực cần đầu tư và tạo điều kiện cho nó ở lại lâu dài.

Thay vào đó, các doanh nghiệp và cả Nhà nước chỉ chăm chăm bán được cổ phần với giá cao, thu được thặng dư tối đa mà quên rằng tận dụng vốn ngoại để cải cách khối quốc doanh mới là mục tiêu tối thượng.

Bây giờ cổ phần hóa ì ạch. Thực tế nó đã chậm chạp từ 4-5 năm nay.  Những doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ, nếu mang ra bán đấu giá sẽ không có ai mua, kể cả nhà đầu tư trong nước, chưa nói đầu tư nước ngoài. Trong khi đó Nhà nước tiếp tục ôm đồm, sở hữu cổ phần chi phối hoặc cổ đông lớn ở nhiều đơn vị không thuộc các lĩnh vực cần nắm giữ.

Dư luận đã lên tiếng, trên nghị trường Quốc hội các đại biểu cũng phát biểu về việc cần thoái bớt vốn Nhà nước ở những doanh nghiệp như Vinamilk, như GAS, Sabeco để lấy tiền đầu tư vào cơ sở hạ tầng, vào y tế, giáo dục.

Nếu đánh giá sự gia nhập WTO là cuộc cải cách lần một của cổ phần hóa, thì hiện tại là thời điểm thuận lợi cho cuộc cải cách lần hai. Bối cảnh của cuộc cải cách lần này khác lần trước.

Sau những năm tháng khủng hoảng, kinh tế vĩ mô bắt đầu có những bước đi đúng hướng: lạm phát được kiềm chế, lãi suất trở về ngang bằng năm 2007 tức trước khủng hoảng, tỷ giá ổn định, nợ xấu vẫn còn đó nhưng công cụ để xử lý nó đã được thiết lập và Chính phủ đã sẵn sàng bơm tiền ra để tháo gỡ nợ cũng như “giải cứu” nhẹ bất động sản thông qua gói 30.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội.

Trong khi đó giá tài sản ở Việt Nam hiện đang rất rẻ, cơ hội chọn lựa mua bán, chuyển nhượng dự án, doanh nghiệp dễ dàng tìm thấy khắp nơi. Vào năm 2007 Ngân hàng TMCP Á Châu có giá trị vốn hóa tới 4 tỉ đôla Mỹ, nay chỉ còn khoảng 800 triệu đôla Mỹ, tức sụt giảm 80%.

Mới đây Texas Pacific Group TPG, một quỹ đầu tư hàng đầu của Mỹ, đã tiếp xúc với một số ngân hàng, mong muốn được trở thành cổ đông. Đại diện TPG đến từ Singapore nhận xét hiện tại là cơ hội vàng để đầu tư vào ngân hàng Việt Nam. Chỉ có điều room 30% cho các tổ chức tín dụng chưa hấp dẫn.

Trong bối cảnh đó, Nhà nước nhất thiết phải trở thành người nhạc trưởng với những quyết sách thông thoáng và dứt khoát. Đang có những đề xuất có tính mở đường như Nhà nước nên bán bớt vốn ở GAS. Đơn vị này đã niêm yết nhưng Nhà nước vẫn còn nắm giữ tới 97% cổ phần.

Năm ngoái GAS lãi trước thuế 12.000 tỉ đồng và quý I/2013 là 5.100 tỉ đồng. Gần như toàn bộ lợi nhuận của GAS thuộc về cổ đông Nhà nước. Nhà nước có cần phải độc quyền về GAS?

Vinamilk là một điển hình khác. Room của công ty này lúc nào cũng lấp đầy 49%, Nhà nước sở hữu 45%, chỉ còn một tỷ lệ nhỏ cho cán bộ công nhân viên và nhà đầu tư nội bên ngoài.

Từ khi cổ phần hóa vai trò của cổ đông Nhà nước hết sức mờ nhạt ở Vinamilk. Vẫn có chân trong hội đồng quản trị, nhưng Nhà nước hầu như không tham gia điều hành doanh nghiệp. Tuy nhiên Nhà nước mỗi năm lại thu hàng ngàn tỉ đồng cổ tức từ Vinamilk. Trong trường hợp nới room lên 60% cho một số doanh nghiệp như Vinamilk, Nhà nước bán bớt 10% cổ phần thông qua đấu giá công khai là một phương án hợp lý.

Thử tính toán với thị giá hiện nay (căn cứ giao dịch trên sàn), 10% cổ phần Vinamilk có giá hơn 11.000 tỉ đồng. Đó là nguồn thu không nhỏ so với mức chi của ngân sách cho riêng ngành y tế hay giáo dục. Chưa kể với 35% cổ phần còn lại, Nhà nước vẫn là cổ đông lớn nhất ở Vinamilk, vẫn đủ sức phủ quyết mọi vấn đề ở doanh nghiệp nếu cần thiết.

Việc thoái bớt vốn Nhà nước ở Vinamilk, Sabeco, GAS và những doanh nghiệp khác sẽ là minh chứng cho thấy cánh cửa khu vực quốc doanh đang rộng mở cho sự thay đổi quản trị, điều hành công ty theo hướng tốt hơn với một nền tảng cổ đông đại chúng, đa dạng và phong phú hơn.

Nó cũng phát đi thông điệp ở Việt Nam Nhà nước đang dần cởi mở, không còn vừa đá bóng vừa thổi còi, can thiệp quá sâu vào công việc kinh doanh của doanh nghiệp. Hơn nữa, một khi tập trung vào vai trò quản lý, Nhà nước có điều kiện để hoàn thành vai trò đó hoàn hảo hơn.

Động lực từ vốn

Nợ xấu của nền kinh tế phần lớn nằm ở khối quốc doanh. Những khoản nợ khổng lồ của Vinashin, Vinalines chưa có cách nào giải quyết ngay được. Ngân sách đang ở trong tình trạng bội chi, đến tăng lương cho viên chức còn phải giật gấu vá vai, không thể có chuyện ngân sách trả nợ thay cho hai “đại gia” này.

Còn nếu Nhà nước in tiền, cấp cho các ngân hàng để các ngân hàng xóa nợ cho doanh nghiệp, thì sẽ tác động không nhỏ đến mục tiêu ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Thoái bớt vốn Nhà nước ở các doanh nghiệp không cần nắm cổ phần chi phối, dùng tiền đó để xử lý nợ, để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân là động lực của cải cách không thể bỏ qua.

Việc thoái vốn ở Sabeco, Habeco, GAS, Vinamilk, Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Bảo Việt… và cổ phần hóa Vietnam Airlines, Vinaphone, Mobifone… sẽ giúp Nhà nước có được cả trăm ngàn tỉ đồng trong tay, một cách thức huy động nội lực trong dân có hiệu quả.

Đến lượt mình, những cổ đông - nhà đầu tư - người dân của các doanh nghiệp đó sẽ là người giám sát kết quả kinh doanh, lên tiếng bảo vệ quyền lợi của họ cũng là bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp nếu bộ máy điều hành có vấn đề. Doanh nghiệp phát triển là nền kinh tế đi lên, Nhà nước có vốn, lại không phải lo điều hành kinh doanh, vậy thì tại sao còn chần chừ, còn chậm?

Lâu nay chúng ta nói nhiều đến cơ chế giám sát doanh nghiệp quốc doanh, đến giám sát hiệu quả sử dụng đồng vốn Nhà nước. Không ít doanh nghiệp nhà nước đã thua lỗ, âm cả vốn chủ sở hữu và nợ nần chất đống.

Nếu không cổ phần hóa, đa dạng hóa cơ cấu cổ đông, liệu Dược Hậu Giang, Vinamilk, Tổng công ty khoan và dịch vụ khoan dầu khí PVD, Đạm Phú Mỹ… có lớn mạnh như hôm nay?

Nắm giữ cổ phần ít hơn, nhưng Nhà nước đang thu lợi nhiều hơn từ những đơn vị ấy, không chỉ do giá trị vốn hóa của doanh nghiệp tăng lên, mà còn do cổ tức hằng năm Nhà nước được hưởng ngày một nhiều và nhất là Nhà nước thu được nhiều tiền thuế hơn từ họ.

Cải cách khối quốc doanh không thể đi xa nếu nguyện vọng chỉ xuất phát từ doanh nghiệp. Bước chuyển động của cải cách sắp tới phụ thuộc vào chính Nhà nước, không chỉ ở tư duy nhận thức mà ở cả hành động.

Lẽ nào chúng ta lại lỡ chuyến tàu cải cách lần hai?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhạc trưởng cho cuộc cải cách lần hai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO