New Zealand yên bình

LÊ DANH HOÀNG| 08/11/2013 02:32

Một thoáng ở xứ kiwi cũng đủ thấy yên bình với những gì nhìn thấy và những gì cảm nhận được...

New Zealand yên bình

Một thoáng ở xứ kiwi cũng đủ thấy yên bình với những gì nhìn thấy và những gì cảm nhận được...

Đọc E-paper

Ngài Chủ tịch bắt xe buýt

New Zealand là một quốc gia hải đảo nằm ở cuối Nam bán cầu, có diện tích khoảng 269.000km2, tương đương nước Anh, nhỏ hơn Việt Nam khá nhiều, nhưng chỉ với 4,4 triệu dân thì diện tích tính trên đầu người vẫn rất lớn. Vì thế, ở những xa lộ vùng nông thôn, có khi tôi lái xe 10 phút mới gặp một mái nhà.

Là thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Khối Thịnh vượng chung Anh (The Commonwealth), New Zealand là nước giàu duy nhất trên thế giới mà nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, có sức cạnh tranh cao trên thị trường thế giới với sản phẩm chủ lực là sữa, thịt, rượu, lông thú và trái cây.

Chúng tôi đến New Zealand trong khuôn khổ Chương trình hợp tác doanh nhân trẻ của Quỹ Đối ngoại Châu Á - New Zealand, trực thuộc Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand. Cùng đồng hành với tôi còn có các anh chị doanh nhân đến từ Lào, Campuchia và Myanmar.

Đại diện cho một công ty về nông nghiệp và bán lẻ, chương trình của tôi là làm việc với Bộ Ngoại giao và Thương mại, Bộ Các ngành công nghiệp chính, Cơ quan Quản lý tiêu chuẩn thuốc và thực phẩm, một số nhà kinh tế, doanh nhân trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bộ này nằm gọn trong vài tầng của một tòa nhà tư nhân. Với dân số và thị trường khá nhỏ, ngay từ khi khởi nghiệp, đại đa số doanh nghiệp New Zealand phải hướng tới xuất khẩu nếu muốn tồn tại.

Chính vì vậy, Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand được gộp làm một để vừa phát triển ngoại giao hữu hảo, vừa ký kết các hiệp định thương mại nhằm tạo nền tảng cho hàng hóa New Zealand đi ra thế giới. Và họ dường như làm rất tốt việc này với nhân sự rất ít và ngân quỹ khiêm tốn so với những nước phát triển khác.

Buổi chiều, chúng tôi nói chuyện với ngài Chủ tịch Quỹ Đối ngoại Châu Á - New Zealand, thì buổi tối, trong lúc đi ăn, gặp ông đứng bắt xe buýt tại một góc phố nhỏ. Chúng tôi nhận ra trong số những người đang xếp hàng chờ xe buýt có nhiều nhân vật quan trọng.

Tất cả chi phí của chúng tôi đều được chi trả bởi thẻ tín dụng công được cấp cho những công chức phụ trách chương trình, nhưng suốt hành trình tôi chưa thấy họ lạm tiêu, dù chỉ mua một cái bánh ngọt.

Những cử chỉ dù nhỏ cũng giúp tôi hiểu vì sao trong nhiều năm liền, New Zealand giữ được vị trí cao trong bảng xếp hạng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế. Giành được điểm số cao chót vót 90, người dân nước này có thể hoàn toàn tin tưởng họ đang sống tại một quốc gia ít tham nhũng nhất thế giới.

Quảng cáo không cần thông điệp an toàn và vệ sinh

Doanh nhân New Zealand rất chú trọng xây dựng mối quan hệ trước khi hợp tác làm ăn. Con người xứ kiwi sống chậm và rất thân thiện. Trong làm ăn họ luôn chú trọng gìn giữ môi trường và đảm bảo chất lượng sản phẩm thông qua quản lý quy trình từ lúc nuôi trồng, thu hoạch đến chế biến, bảo quản và đưa ra thị trường.

Một từ cửa miệng tôi luôn nghe được từ các quan chức thương mại, doanh nhân, nông dân ở New Zealand là "tracebility" (khả năng truy xuất nguồn gốc xuất xứ). Họ sẵn sàng chi bộn để đảm bảo khi có sự cố xảy ra là truy xuất được nguồn gốc sản phẩm từ trang trại nào, lô hàng nào và thậm chí con bò, con cừu nào để giải quyết triệt để vấn đề.

Khi làm việc với những chuyên gia marketing, tôi hỏi vì sao tính an toàn và đảm bảo vệ sinh gần như không được nhắc tới trong những thông điệp quảng cáo sản phẩm "Made in New Zealand", họ trả lời: "Với chúng tôi, đó là điều mặc định cho mọi thứ mà con người sẽ đưa và miệng, nên chẳng ai cần phải hỏi cái này có an toàn hay không".

New Zealand có rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, đại đa số dưới 10 nhân viên. Đặc biệt là hãng sữa Fonterra có quy mô toàn cầu và chiếm tới một phần tư kim ngạch xuất khẩu của New Zealand lại là một mô hình hợp tác xã mà chủ nhân là 90% nông dân nuôi bò sữa.

Những nông dân này vừa là cổ đông nhận cổ tức hằng năm, vừa là nhà cung cấp nguyên liệu cho hãng sữa với những quy định ngặt nghèo về chất lượng.

Người Việt Nam biết tới New Zealand qua những thương hiệu như Anchor, Anlene về sữa, bơ; hay Fisher & Paykel về đồ gia dụng, làm bếp. Trong khi đó, danh mục mặt hàng Việt Nam xuất sang New Zealand lại khá nhiều chủng loại, như cà phê, gạo, thủy sản, hàng điện tử, điện thoại, may mặc...

Người New Zealand đặc biệt thích uống cà phê mạnh và món ăn Việt Nam vì nhẹ bụng và có lợi cho sức khỏe. Việc đẩy mạnh về khối lượng mỗi mặt hàng và phát triển các chuỗi cửa hàng ẩm thực đem lại tiềm năng lớn cho việc tăng trưởng thương mại của Việt Nam.

New Zealand có nền giáo dục tiên tiến và chi phí hợp lý, đã thu hút hơn 3.000 sinh viên Việt Nam đến học. Xứ kiwi còn là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thiên nhiên hoang dã và những môn thể thao mạo hiểm, trong khi Việt Nam lại là nơi trú Đông thú vị cho những người New Zealand ưa khám phá văn hóa và ẩm thực.

Khi tiễn tôi ra máy bay, một người bạn hỏi cảm nghĩ của tôi về đất nước, con người New Zealand so với quê hương Việt Nam, tôi dùng hình tượng ly cà phê sữa đá của Việt Nam và ly cà phê Flat White (loại cà phê đặc trưng của New Zealand, được pha bằng máy và phủ một lớp kem sữa trắng ở trên) để trả lời: "Cà phê sữa đá mát lạnh đúng gu là uống ở hè phố sôi động, Flat White ấm trầm uống trong quán nhỏ trầm tư. Nhưng cả hai đều rất mạnh, thơm lừng và khó quên"...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
New Zealand yên bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO