![]() |
Từ năm 2009 đến nay, thị trường ô tô liên tục sụt giảm. Một trong những nguyên nhân làm chậm tiến trình phát triển của ngành công nghiệp ô tô chính là chính sách về thuế, phí!
Bất ổn thuế, phí
Trong 9 tháng đầu năm nay, doanh số của ngành ô tô (cả xe lắp ráp trong nước và nhập khẩu) chỉ đạt hơn 65.000 xe, giảm 38% so với năm 2011. Có những thời điểm, doanh số bán hàng của các hãng chưa bằng một nửa so với cùùng kỳ năm trước.
Kinh doanh khó khăn, hàng tồn kho quá nhiều khiến không ít doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, giảm lao động. Không chỉ hiện tại mà từ năm 2009 đến nay, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam liên tục suy giảm; và theo dự đoán, đến cuối năm nay, chỉ đạt 50% lượng xe tiêu thụ so với năm 2009.
Điều này rất đáng báo động và không thể hiện sự phát triển lành mạnh của nền công nghiệp ô tô trong một thị trường đang nổi.
Trái ngược với Việt Nam, thị trường ô tô thế giới tăng đến gần 30%. Riêng thị trường châu Á đã tăng 40%, đặc biệt thị trường Thái Lan tăng trưởng đến 208%. Câu hỏi đặt ra là tại sao thị trường ô tô thế giới đang tăng đáng kể mà thị trường ô tô Việt Nam lại suy giảm?
Theo ông Andreas Klingler, Tổng giám đốc Công ty Prestige Sport Cars - nhà phân phối xe Porsche tại Việt Nam, có hai nguyên nhân.
Thứ nhất, giá ô tô tại Việt Nam quá đắt. Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước có giá ô tô đắt nhất thế giới, đồng thời cũng là một trong những nước kém nhất về sức mua theo đầu người. Một chiếc ô tô đang gánh đến 14 loại thuế, phí; và trong giá xe bán ra, có đến 50% là các loại thuế phải nộp.
Thứ hai, cơ sở hạ tầng của Việt Nam không tốt, tình hình giao thông vẫn không được cải thiện, đặc biệt là tại TP.HCM và Hà Nội. Trong khi cơ sở hạ tầng cải thiện rất chậm thì giải pháp đảm bảo lưu lượng giao thông vừa phải trên đường phố Hà Nội, TP.HCM và giảm bớt lượng ô tô cá nhân dường như là giải pháp chính của Chính phủ. Chọn giải pháp này nên Chính phủ áp mức phí đồng thời duy trì giá xe ô tô ở mức cao khiến nhiều người không dám mua xe.
Ông Laurent Charpentier, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), đồng thời là Tổng giám đốc Ford Việt Nam, khẳng định: “Sự bất ổn định trong chính sách thuế và phí là nguyên nhân của sự sụt giảm số lượng xe bán ra trong năm 2012, đồng thời chưa khuyến khích để ngành công nghiệp và kinh doanh ô tô có thể phát triển như triển vọng của nó”.
Cùng nhận định này, ông Michael Behrens, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Mercedes-Benz Việt Nam, nói thêm rằng, chính sách và các sắc thuế đánh vào ô tô ở Việt Nam quá phức tạp. Muốn phát triển sản xuất lành mạnh, điều cần thiết là phải có các chính sách đáng tin cậy, lâu dài và minh bạch.
Cần giải pháp đồng bộ
Các chuyên gia cho rằng, hiện nay, chưa có sự sự đồng bộ và ổn định trong chính sách. Theo phân tích của ông Đỗ Hữu Hào, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Hội Kỹ sư Ô tô Việt Nam, ngành công nghiệp ô tô đang vướng giữa việc muốn phát triển nhưng lại bị kìm hãm bởi chủ trương chung hạn chế sở hữu và sử dụng ô tô.
“Chính sách thuế và phí, kết hợp với kinh tế sụt giảm và một số chính sách khác đang làm nản lòng người muốn mua ô tô”, ông Hào nói. Không chỉ áp phí, thuế quá cao mà việc áp dụng này cũng không bình đẵng giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước.
Hiện nay, một số loại phí, thuế được áp dụng cho tất cả các loại xe. Ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng Giám đốc Vinaxuki, kiến nghị: Nên áp dụng chính sách giảm thuế tiêu thụ đặc biệt theo tỉ lệ nội địa hoá đạt được, và áp dụng phí giao thông khác nhau cho các loại xe có dung tích khác nhau.
Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước có giá ô tô đắt nhất thế giới, đồng thời cũng là một trong những nước kém nhất về sức mua theo đầu người. Một chiếc ô tô đang gánh đến 14 loại thuế, phí; và trong giá xe bán ra, có đến 50% là các loại thuế phải nộp. |
Một vấn đề đáng quan tâm là làm sao để cân đối giữa nhu cầu phát triển thị trường ô tô và giảm thiểu ùn tắc giao thông đô thị. Hiện nay, mặc dù Chính phủ rất muốn phát triển ngành công nghiệp ô tô nhưng những biện pháp quản lý cho ngành này chưa phù hợp.
Theo ông Andreas Klingler, Chính phủ cần có những biện pháp kích thích mức tiêu thụ ô tô nội địa, nhờ đó, sẽ khuyến khích đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông, và như thế sẽ tạo ra cơ chế tự điều chỉnh. Hiện nay, Việt Nam đang phát triển giao thông theo xu hướng “xe máy hóa”.
Muốn nâng cao mức sống cho người dân, Việt Nam cần cải thiện hơn nữa cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ thống giao thông công cộng tốt hơn hơn đồng thời với việc giảm thuế ô tô tới mức chấp nhận được”.
Hạ tầng của Việt Nam chưa tốt nhưng không thể chờ đợi phát triển hạ tầng rồi mới phát triển thị trường ô tô. Thay vì chờ đợi sự phát triển của hạ tầng cơ sở, nên chọn giải pháp hạ giá xe hợp lý bằng cách điều chỉnh các sắc thuế phù hợp, nhằm tăng thu ngân sách để đầu tư hạ tầng, song song với việc đánh thuế lưu hành xe nội đô.
Ông Trần Tấn Trung, Tổng giám đốc Công ty Liên Á Quốc tế - nhà phân phối Audi tại Việt Nam, đề xuất các chính sách thuế và phí cần có sự ổn định lâu dài, hướng dẫn thực thi chi tiết và rõ ràng, và nên tham vấn các chuyên gia trong ngành.
Bởi, sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phụ thuộc vào các chính sách vĩ mô dài hạn, đồng bộ và ổn định. Các chính sách phát triển về ngành công nghiệp phụ trợ, chính sách thuế, phí và các chính sách phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông... phải song hành cùng nhau