Mùa hoa rời phố

PHAN HÒA BÌNH| 10/03/2018 03:43

Cuộc vui xuân đã tàn. Sực nghĩ có gì hay, tốt ta vơ vét hết về thành phố tận hưởng, trả lại cho nông thôn những héo tàn!

Mùa hoa rời phố

Những ngày đầu tiên đi làm lại sau kỳ nghỉ Tết, ra khỏi nhà gặp chiếc xe tải nhỏ chở chậu quất khổng lồ mới hôm nào rộn ràng vào nhà bác ở đầu xóm chưng Tết, những chùm quả vàng phủ kín cây. Vậy mà mới chục ngày, cành lá đã rũ rượi, quả úng nhợt nhạt. Đi một đoạn lại gặp chiếc xe chở cúc và hướng dương cũng héo rũ, lắc lư rời phố.

Cuộc vui xuân đã tàn. Sực nghĩ có gì hay, tốt ta vơ vét hết về thành phố tận hưởng, trả lại cho nông thôn những héo tàn! Mới nói ra, cô bạn phản biện ngay: "Anh có thấy cảnh người nông dân không bán được hoa phải đập bỏ không? Nếu không có người thành phố thì nông thôn sẽ ra sao?".

Quả thực nghe mà giật mình, mà thương xót nông thôn khi bị nhìn nhận dưới góc độ như vậy. Ngày trước tôi không bao giờ ghé chợ quê bên đường, bởi biết chắc không có cái gì ngon, con gà nào béo, mớ rau nào tươi thương lái đã vơ vét đưa hết lên phố. Ở phiên chợ quê ấy, chỉ cần bỏ ra chục ngàn, bạn có thể mua được cả rổ mướp, nhưng đó là thứ mướp vét giàn, bị sâu chích thối ruột, bị thiếu dưỡng chất nên cong queo, già cỗi.

Chúng bán không được giá nên đành ở lại chợ quê, vét thêm chút đồng lẻ, người thôn quê vui lòng với chất lượng thực phẩm như vậy. Nhưng nếu như không có một lần chiều 30 Tết ở làng cổ Đường Lâm nổi tiếng ở Hà Nội, tôi nhìn theo ba mẹ con, người mẹ và hai đứa nhỏ bảy, tám tuổi đu bám chiếc xe đầy phân bò đưa chúng ra ruộng để bón cây trong tiết trời lạnh như cắt và giao thừa cũng sắp về, lòng tôi lúc ấy buồn không thể tả.

Đúng là nông thôn có gì tốt nhất đều đưa ra phục vụ thành phố thật. Đó là sức trẻ căng tràn tôi nhìn thấy trên những chuyến xe đầu năm, khi dòng người trở lại thành phố làm việc. Những khu công nghiệp ở thành phố hút hết sức trai tráng, họ rời bỏ ruộng đồng đi làm công nhân, để rồi những thiếu nữ năm nào chưa tới bốn mươi tuổi đã bị guồng máy công nghiệp thải loại, trả về quê cũ. Nếu không cam lòng, cố bám thành thị thì họ cũng chỉ làm đông thêm đội quân bán hàng rong trên vỉa hè thành phố, bị xua đuổi từ góc đường này qua góc đường khác.

Chính vì thế tôi cứ nghĩ đến chuyện ngày cuối năm, khi những người bán kiểng đập chậu chở mai về quê, quyết không bán với giá rẻ mạt mà người thành phố nhẫn tâm chờ đến tận gần giao thừa để ép giá. Những người giàu đã mua hết từ trước với giá trị thật của kiểng rồi. Những công ty, công sở, những nhà giàu không ai chờ đến giờ "nghiệt ngã” khi những người bán hoa đầu hàng buông giá.

Họ sẵn sàng mua với giá cao để chọn được hàng tốt. Cũng không có ai nghèo chờ 30 Tết đi dìm giá hoa hay cướp hoa. Chỉ có sự ích kỷ, nhẫn tâm đánh vào điểm yếu của nhau để lợi thêm một tí, thỏa mãn cái tôi phải thắng của con người ngày càng ít đi sự bao dung, thân ái, thấu hiểu cộng đồng. Cái cảnh người bán hoa hò nhau kêu xe chở kiểng về quê nó đau buồn và thật không đáng để xã hội bàn về hành vi của họ. Bởi chỉ bình tâm một chút, ta thừa biết người nông thôn kiếm tiền khó khăn đến thế nào.

Nay xuân còn sung mãn, nhưng mùa hoa kiểng rời phố đang rầm rộ diễn ra trên các nẻo đường. Hoa đã tàn, người ở phố vội vã cho nó ra bãi rác, hoặc đưa kiểng về vườn ở nông thôn dưỡng sức, chờ một mùa xuân mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mùa hoa rời phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO