Mở Doanh nghiệp kinh doanh về ngành nghề nha khoa?

14/07/2010 05:41

Hỏi: Hiện tôi đang có dự định mở Doanh nghiệp kinh doanh về ngành nghề nha khoa. Tôi không muốn hùn hạp với ai vì theo như nhiều người khuyên thì kinh doanh một mình sẽ dễ quản lý hơn...

Mở Doanh nghiệp kinh doanh về ngành nghề nha khoa?

Câu hỏi:

Hiện tôi đang có dự định mở Doanh nghiệp kinh doanh về ngành nghề nha khoa (tôi có chứng chỉ hành nghề). Tôi không muốn hùn hạp với ai vì theo như nhiều người khuyên thì kinh doanh một mình sẽ dễ quản lý hơn. Vậy, tôi chỉ có thể thành lập Doanh nghiệp tư nhân hay có loại hình nào khác vì theo tôi được biết các loại hình Doanh nghiệp khác phải từ có từ 02 người trở lên.

Trả lời:

Đối với câu hỏi của bạn, tôi có ý kiến trả lời như sau:

Trước tiên, về ý kiến “kinh doanh một mình sẽ dễ quản lý hơn” thì dưới góc độ một người kinh doanh, tôi nghĩ rằng đó cũng là một ý kiến hay. Tuy nhiên, việc góp vốn cùng nhau kinh doanh cũng tạo nên lợi thế cho Doanh nghiệp. Tùy vào ý tưởng kinh doanh, ngành nghề kinh doanh và năng lực của mỗi người mà bạn quyết định nên góp vốn hay tự kinh doanh một mình.

Riêng về loại hình Doanh nghiệp, trong trường hợp tự kinh doanh mà không kết hợp với ai khác thì bạn có 02 loại hình doanh nghiệp để lựa chọn. Đó là Doanh nghiệp tư nhân và Công ty TNHH một thành viên.

Trước đây, Luật không quy định hình thức Công ty TNHH một thành viên áp dụng đối với cá nhân nhưng từ khi Luật Doanh nghiệp năm 2005 ra đời thì Luật đã cho phép thành lập Công ty TNHH một thành viên.

Tôi đưa ra cho bạn sự khác nhau cơ bản về hai loại hình DN này để bạn chọn lựa.

- Đối với DNTN thì bạn sẽ chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ tài chính phát sinh trong quá trình kinh doanh bằng toàn bộ tài sản của mình (nghĩa là nếu có khoản nợ phát sinh thì bạn phải trả nợ bằng tất cả tài sản cá nhân mà bạn có được). Tuy nhiên, lợi thế của loại hình DN này là bạn sẽ dùng những tài sản cá nhân bạn để đảm bảo cho những giao dịch trong kinh doanh hoặc giao dịch vay mượn.

- Đối với Công ty TNHH một thành viên thì bạn sẽ chịu trách nhiệm về nghĩa vụ tài chính phát sinh trong quá trình kinh doanh trong phạm vi số vốn góp vào DN (nghĩa là nếu có khoản nợ phát sinh thì bạn phải trả nợ trong phạm vi tài sản của DN mà không dùng tài sản cá nhân để trả nợ). Đây chính là “trách nhiệm hữu hạn” của loại hình này và cũng là lợi thế khi chọn lựa loại hình doanh nghiệp.

Vậy, bạn hãy cân nhắc và quyết định chọn cho mình loại hình Doanh nghiệp phù hợp với khả năng và năng lực của mình vì đây là việc quan trọng khi khởi nghiệp.

Trân trọng

Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như – 090 9999 445
Văn phòng Luật sư An Luật

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mở Doanh nghiệp kinh doanh về ngành nghề nha khoa?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO