Minh bạch thắng khôn khéo

VŨ DUY KHANH - Trưởng bộ phận Phân tích Công ty Chứng khoán SME| 12/07/2011 00:37

Việc thực thi chính sách tiền tệ, tài khóa thắt chặt đã đạt được một số hiệu quả nhất định như: lạm phát theo tháng đã bắt đầu giảm; tỷ giá đã ổn định trong vài tháng qua...

Minh bạch thắng khôn khéo

Việc thực thi chính sách tiền tệ, tài khóa thắt chặt đã đạt được một số hiệu quả nhất định như: lạm phát theo tháng đã bắt đầu giảm; tỷ giá đã ổn định trong vài tháng qua; sau 6 tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam chỉ cần chi dưới 7 đồng để thu 1 đồng GDP so với mức 7,3 đồng của 6 tháng đầu năm 2010 (Số liệu cung cấp trong buổi họp báo tháng 6 của Tổng Cục Thống kê).

Bên cạnh đó là một số kết quả khả quan khác: bội chi ngân sách nhà nước trong 6 tháng đầu năm khoảng 30 ngàn tỷ đồng; tương đương với 2,8% GDP.

Đây là mức bội chi thấp hơn cùng kỳ năm 2010 cho thấy Chính phủ quyết tâm trong việc kiểm soát bội chi ở mức dưới 5% GDP.

Trong bản báo cáo mới nhất, HSBC cũng nhận định thâm hụt ngân sách của Việt Nam trong năm 2010 sẽ ở mức 4,8% GDP trong năm 2011 và giảm xuống 4,5% GDP trong năm 2012.

Tuy vậy, nền kinh tế vẫn chưa thể nói là thoát khỏi cơn bĩ cực vì vẫn còn tiềm ẩn một số rủi ro lớn như: nợ xấu của hệ thống ngân hàng đang tăng lên: Với chính sách tiền tệ thắt chặt, nợ xấu của khối ngân hàng thương mại (NHTM) đang tăng lên khá nhanh trong thời gian qua.

Điều này thể hiện qua tỷ lệ trích lập dự phòng tín dụng của các NHTM tăng đột biến trong quý I và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong quý II khi mà chính sách thắt chặt tiền tệ bắt đầu phát huy tác dụng do độ trễ của mình. Tỷ lệ nợ xấu trong tháng 1: 2,27%, tháng 2: 2,38%, tháng 3: 2,61%, tháng 4: 2.72%... và dự báo trong trường hợp xấu nhất sẽ tăng tới mức 5% vào cuối năm nay.

Có thể thấy rằng, về tỷ lệ nợ xấu, cách nhìn của nhà đầu tư nước ngoài và Việt Nam hiện tại là rất khác nhau. Fitch Ratings vừa công bố tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam là 13% tổng dư nợ (theo chuẩn mực quốc tế, nếu phần nợ đến hạn không trả được thì toàn bộ khoản nợ phải được xếp vào nợ xấu còn với Việt Nam thì chỉ khoản nợ đến hạn mới xếp vào nợ xấu).

Về số học, có lẽ cả hai con số mà NHNN và tổ chức nước ngoài nói đều đúng, nhưng còn quá sớm để khẳng định cách đánh giá nào là sẽ chính xác hơn. Theo quan điểm riêng, nợ xấu sẽ dẫn tới mất vốn, giảm lợi nhuận qua đó khiến NHTM mất khả năng cân đối dòng tiền cũng là rủi ro của hệ thống.

Nhưng vấn đề quan trọng nhất đối với NHTM lúc này vẫn là yếu tố thanh khoản. Nếu tỷ lệ nợ xấu như mức hiện tại mà NHTM vẫn duy trì tốt thanh khoản thì đó chắc hẳn là mức rủi ro cao.

Việc ra đời các công ty mua bán nợ cũng nhằm mục đích tạo thanh khoản cho các khoản nợ, tạo thị trường mua bán nợ, tăng tiện ích và giảm chi phí trong việc xử lý nợ và các tài sản liên quan. Nhiều khả năng các NHTM sẽ bị Nhà nước kiểm soát khi không đạt việc giảm tỷ lệ dư nợ theo yêu cầu.

Vấn đề đáng chú ý là ngay cả một số NHTM đã đạt tỷ lệ này thì cũng không hẳn là do thực tế đạt được mà thông qua việc lách luật bằng việc sử dụng các “khoản ủy thác đầu tư” hay thông qua việc bán nợ cho các công ty AMC (công ty mua bán nợ).

Như vậy, các khoản cho vay tín dụng vẫn tập trung vào lĩnh vực sản xuất như NHNN mong muốn, và điều này về dài hạn vẫn có thể gây nên những bất ổn kinh tế vĩ mô bởi các khoản vay phi sản xuất đa phần vẫn phục vụ hoạt động đầu cơ.

Nền kinh tế chỉ phát triển bền vững nhờ sự minh bạch trong quản lý chứ không phải từ sự khôn khéo trong việc vận dụng luật. NHNN đã chuẩn bị ban hành dự thảo về các khoản ủy thác đầu tư nhằm ngăn chặn hiện tượng lách luật này.

Nhưng để lành mạnh hóa hệ thống, NHNN cần ban hành các văn bản luật theo hướng đi tắt đón đầu. Việc “rách đâu vá đấy” sẽ không mang lại hiệu quả cao.

Tỷ giá vẫn là một ẩn số vào những tháng cuối năm. Hiện tại, tốc độ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đã là 23,47% sau đợt tăng 38% vào cuối năm ngoái.

Chúng ta thấy với việc hạ trần lãi suất huy động USD trong khi tăng dự trữ bắt buộc USD chưa đủ độ lớn đã khiến tình trạng vay USD vẫn tăng tốc rất mạnh trong khi tiền gửi đang có chiều hướng giảm (tháng 6 giảm 3,62% so với tháng trước).

Điều này đã khiến lãi suất USD liên ngân hàng tăng trong thời gian qua. Nhập siêu dù giảm mạnh trong tháng 6 nhưng lại không mang tính bền vững do sự gia tăng bất thường của việc xuất vàng.

Nếu tiếp tục theo chiều hướng tiêu cực như hiện tại tới cuối năm, vòng luẩn quẩn mới giữa tỷ giá - thanh khoản - lãi suất USD sẽ tiếp lục lặp lại và cơ hội đầu cơ xuất hiện thì những gì chúng ta làm được trong thời gian qua sẽ tiêu tan. Cái mất hơn cả là niềm tin và tâm lý của người dân vào VND và khả năng kiểm soát của NHNN.

Kết quả về cắt giảm chi tiêu công vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố. Theo đó, vốn đầu tư công tính đến hết tháng 5/2011 vào khoảng 80.550 tỷ đồng. Đây là một con số khá lớn nhưng chúng tôi cho rằng cần phải cắt giảm quyết liệt hơn nữa.

Trong những năm qua, Việt Nam là một trong những nước tiêu nhiều nhưng hiệu quả thu về không cao đẩy hệ số ICOR liên tục tăng cao trong vài năm gần đây.

Khi thâm hụt ngân sách xảy ra, thì mức thâm hụt này phải bù đắp bằng việc vay thêm tiền của công chúng hoặc in tiền. Nếu Chính phủ vay thêm tiền sẽ làm tăng cầu tiền và do đó, đẩy lãi suất lên.

Nếu Chính phủ in thêm tiền, các nhà đầu tư tin rằng với “một lượng tiền lớn hơn để mua cùng một lượng hàng hóa”, kết quả lạm phát tăng theo kéo theo cả việc tăng lãi suất.

Do vậy, nếu Chính phủ làm không thực sự quyết liệt, thì hiện tượng “đầu voi, đuôi chuột” sẽ xảy ra bởi lợi ích cục bộ của việc cắt giảm đầu tư công là rất lớn.

Lạm phát của Việt Nam “rất đặc biệt” vì nguyên nhân không chỉ là do vốn lưu hành quá lớn, mà còn do hiệu năng của nền kinh tế, yếu kém, nhất là các công ty nhà nước, đã làm cho lạm phát thêm trầm trọng.

Bài học năm 2008 là một ví dụ nóng hổi về hiện tượng cắt giảm đầu tư công trên hình thức. Như vậy, những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt hiện tại là hết sức khó khăn.

Thậm chí, nếu Chính phủ không có ý chí chính trị để giải quyết vấn đề quyền lợi của các doanh nghiệp nhà nước, các bộ và các tỉnh thì sẽ còn mất rất nhiều thời gian để giải quyết những vấn đề phức tạp hơn. Việt Nam phải tăng tốc độ cải cách nếu không muốn bỏ lại phía sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Minh bạch thắng khôn khéo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO