Miên man với dải rừng Xuyên Mộc

PHƯƠNG HÀ| 27/05/2018 03:42

Khỏa bàn tay thon hồng xuống dòng suối Hồ Cốc chảy một vệt dài ra mép biển, em quay qua nhìn dải rừng già lay động gió chiều, hỏi tôi:

Miên man với dải rừng Xuyên Mộc

- Đâu đâu cũng cát trắng mà sao cây mọc thành rừng được, lại mọc dài theo bờ biển?

- Hãy vào rừng. Khi đã biết rừng, hẳn hiểu được cây.

Đúng là đất rừng toàn cát, dẫu bị trộn lẫn lá mục và đây đó phớt hồng chút đất bazan nhưng rất sạch sẽ. Không cần phải trải khăn, hãy ngồi xuống bên gốc cây sến này. Cây sến chín trái vào giữa năm đúng dịp chúng mình đến đây, nhưng kết nụ từ tháng 9, tháng 10 năm trước. Những cánh hoa dầu mang hạt xoay xoay như con vụ giữa không trung, đáp xuống đâu đó để nhú mầm, rồi vài chục năm sau, những cây dầu sẽ đứng sừng sững giữa khu rừng già này.

Bầy khỉ chuyển từ cành giáng hương sang cành trai, tò mò nhìn hai con người lạ lẫm. Bỗng em nép vào tôi. Một con lợn rừng mốc thếch, răng nanh cong vểnh từ sau những cây muồng hoa tím chui ra, khịt khịt mũi. Đừng sợ, trước đây rừng Xuyên Mộc còn có gấu, có voi. Dẫu sao rừng bằng ven biển cũng không có cái dữ dội, thâm u của rừng già trên dãy Trường Sơn khi chưa bị tàn phá.

Em hãy hình dung, hàng ngàn năm trước, những hạt giống được thủy triều đẩy lên bờ, những hạt giống do chim muông tha từ Trường Sơn xuống mọc mầm rồi lan tỏa thành một thảm thực vật nơi đây. Hãy hình dung, xa xưa rừng Đông Nam bộ nối với rừng Nam Tây Nguyên, lấn dần xuống đồng bằng, lấn đến khi bị biển chặn lại.

Hãy hình dung, ven biển từ Bà Rịa đến Nghệ - Tĩnh đã biến mất những cánh rừng già quanh năm xanh tươi, chỉ còn duy nhất dải rừng Xuyên Mộc còn nguyên vẹn, bây giờ nó có tên khác nữa là Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu (Khu Bảo tồn) thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tôi biết em mê rừng nên đòi theo tôi trong những chuyến đi viết về rừng. Em biết không, dải rừng Xuyên Mộc rộng gần 11.000 hécta, được khoanh nuôi từ năm 1978, lúc mà rừng từ quốc lộ 1A xuôi theo quốc lộ 53, quốc lộ 55 thuộc tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay bị dân đốt hết để làm rẫy. Thực vật cam chịu cho con người phạt ngang gốc nhưng động vật thì lùi về Xuyên Mộc, trong đó có đàn voi 13 con.

Một con voi mỗi ngày ăn gần hai tạ lá cây và cỏ thì làm sao sống được trong một không gian khoảng 20 kilômét chiều dài và 10 kilômét chiều ngang của dải rừng Xuyên Mộc sót lại. Voi trả thù những ai phá môi trường sống của chúng bằng cách ra rẫy quật nát ngô, sắn, giẫm đạp những con người không kịp trốn chạy. Nhà nước phải thuê chuyên gia nước ngoài di dời đàn voi ấy lên Tây Nguyên.

Tôi hỏi Giám đốc Khu Bảo tồn:

- Anh có biết hiện giờ đàn voi  Xuyên Mộc ra sao không?

- Rừng Tây Nguyên bị đốn gần hết, 13 con voi Xuyên Mộc chắc đã dạt qua Lào hay Campuchia, và cũng có thể bị bọn săn trộm giết sạch.

Tôi hiểu Giám đốc Khu bảo tồn yêu thiên nhiên đến mức nào mới có giọng ngậm ngùi đến thế khi nói về đàn voi từng là "của mình".

Bỗng em nói:

- Nhưng rừng Xuyên Mộc vẫn còn thú và cây quý hiếm...

Giám đốc Khu Bảo tồn vui vẻ chia sẻ:

- Thảm thực vật rừng Xuyên Mộc là kiểu rừng kín, là rừng ẩm nhiệt đới khá bằng phẳng nhưng có đồi, núi, suối, hồ, lại chạy dọc bờ biển, tạo thành nơi cư trú của rất nhiều loài động, thực vật. Khu Bảo tồn thành lập năm 1978 với tên gọi Khu rừng cấm Bình Châu để bảo tồn đa dạng sinh học, là nơi cư trú cho các loài sinh vật, đặc biệt là các loài quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng.

xm2-7426-1526968344.jpg

Với diện tích còn lại 11.293 hécta, thực vật rừng Bình Châu - Phước Bửu có 113 họ, 408 chi, 661 loài, trong đó có nhiều loài rất quý hiếm như cẩm lai Bà Rịa (chỉ ở Bà Rịa mới có), gõ đỏ, gõ mật, giáng hương, bình linh nghệ, xoan đào, kơ nia... Động vật có đến 70 họ, 29 bộ, 178 loài, trong đó 106 loài chim, 43 loài bò sát, 12 loài lưỡng cư, 51 loài thú.

Có nhiều loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Thế giới (International Union for Conservation of Nature and Natural Resources - IUCN), như gà lôi vằn, bồ câu nâu, cú lợn rừng, yến núi. Đặc biệt đã phát hiện được một loài bò sát duy nhất trên thế giới chỉ có ở đây, tên khoa học là Leiolepis ngovantri - theo tên của nhà khoa học người Việt Nam tìm ra chúng.

Quần thể loài bò sát này có đặc điểm sinh học cực kỳ độc đáo: toàn con cái. Chúng tôi và một chuyên gia lâm nghiệp nước ngoài cũng vừa phát hiện một loại cây dầu mà Việt Nam chưa có tên gọi, thế giới cũng rất hiếm. Gỗ nhóm 1, nhóm 2 ở đây có nhiều. Nó là nguồn gene vô cùng quý giá. Cây họ dầu ở Xuyên Mộc đem đi trồng các nơi đều phát triển tốt nhưng các nơi đem về đây thì không chịu nổi đất cát và gió biển.

Đột nhiên Giám đốc quay sang em:

- Em có thích hoa bằng lăng không?

- Sáng nay thức dậy với tiếng chim rừng, em đã bàng hoàng với cái màu tím ấy.

- Bằng lăng Xuyên Mộc còn có loại hoa đỏ, cũng rất hiếm, nở muộn một chút. Em mà thấy thì sẽ mê hơn hoa mai vào dịp Tết vàng rừng nơi đây.

Tôi không ngờ em lại hỏi một câu mà đó chính là câu tôi muốn hỏi Giám đốc Khu Bảo tồn ngay khi mới gặp:

- Có phải các anh quanh năm sống với rừng nhưng không được lấy một thứ gì của rừng?

- Khu Bảo tồn được biên chế 61 người thì có 42 người chuyên bảo vệ rừng.

Tôi xen ngang:

- Bốn mươi hai người giữ 11.000 hécta rừng, mỗi người canh gần 286 hécta...

- Khu Bảo tồn nằm trong 4 xã và một thị trấn, khoảng 10 vạn dân, tức chiếm gần nửa dân số huyện Xuyên Mộc, dân vùng này lại quen đốn gỗ, hầm than, săn bắt thú rừng, phá rừng làm rẫy. Chỉ sơ sẩy một chút là trong một đêm, cả chục hécta rừng mất trắng.

Chiều qua, tôi đã giật mình trước vẻ đẹp hoang sơ của rừng Xuyên Mộc, giờ nghe thế đâm lo, nhất là khi Giám đốc Khu Bảo tồn cho biết từ năm 1978 đến năm 2014 dân đã lấn chiếm 1.700 hécta rừng, hiện còn 760 hộ sống giữa vùng lõi và vùng đệm Khu Bảo tồn. Hộ nào cũng tự nhận là đất khai phá từ trước năm 1975 hoặc đất từ đời cha, đời ông để lại.

Tôi được biết, trước những khó khăn, bất cập trong việc quản lý rừng, đặc biệt là tình trạng lấn chiếm đất rừng ngày càng khó kiểm soát, tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có Đề án Ngăn chặn, khắc phục tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu giai đoạn 2018 - 2022 với kinh phí dự kiến 894 tỷ đồng, trong đó kiên quyết di dời, tái định cư toàn bộ dân sống trong vùng lõi, đồng thời thu hồi toàn bộ diện tích đất rừng bị lấn chiếm để trồng lại rừng, nếu được HĐND tỉnh thông qua, sẽ thực hiện ngay.

Rừng Xuyên Mộc không những là khu bảo tồn thiên nhiên quý giá, nơi hội tụ những động vật, thực vật của miền Đông Nam bộ mà còn chắn bão, dự trữ nước ngọt, là khu du lịch - nghỉ dưỡng vào loại đặc sắc nhất, bởi nơi đây ngoài rừng và biển còn có hồ Cốc, hồ Tràm, hồ Linh, bàu Bàng, bàu Nhám, đặc biệt có suối nước nóng Bình Châu, suối nước lạnh Bang.

Tôi lại ngạc nhiên khi em "thống kê”: Xuyên Mộc có 70 khu du lịch - nghỉ dưỡng với tổng vốn đăng ký gần 7.000 tỷ đồng và 4,75 tỷ USD, nhiều sản phẩm du lịch nổi tiếng đã hoạt động hàng chục năm, hằng năm đón khoảng 850 ngàn lượt du khách nước ngoài và trong nước.

Và trong số du khách ấy có em và tôi lâu lâu dạo chơi giữa lòng rừng Xuyên Mộc để sống lại những ngày Trường Sơn đánh giặc giữ nước tôi đưa võng cho em nằm hong tóc bên những dòng suối...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Miên man với dải rừng Xuyên Mộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO