Mạ và cô

NGUYỄN ĐẶNG MỪNG| 26/02/2010 09:31

Mạ tôi không biết chữ. Cô giáo “ra đề”, mạ lại giúp tôi “giải đề”. Từ nhỏ mạ tôi thường dạy chị em tôi đối nhân xử thế chỉ bằng ca dao, tục ngữ...

Mạ và cô

Từ nhỏ đến lúc vào đệ nhị cấp, tôi chỉ được học với thầy. Cô Võ Thị Hồng là cô giáo đầu tiên, lại dạy môn văn, môn tôi thích và học khá nhất. Vài tuần đầu, dù mặc cảm là học sinh trường tư mới được tuyển vào trường công, tôi muốn chứng tỏ với bạn bè rằng tôi cũng biết học văn.

Trắc nghiệm đầu tiên của cô với năng lực học sinh không phải là bài nghị luận mà là mỗi em tự sưu tầm ca dao, tục ngữ, chép và trình bày thật đẹp trong một cuốn tập. Không cần phải đi đâu xa, mạ tôi là một kho tàng ca dao, tục ngữ để tôi tha hồ ghi chép. Cô hỏi mô mà nhiều rứa, tôi bảo mạ em hò cho em chép đó. Cô cười, nói em có người mạ tuyệt vời.

Mạ tôi không biết chữ. Cô giáo “ra đề”, mạ lại giúp tôi “giải đề”. Từ nhỏ mạ tôi thường dạy chị em tôi đối nhân xử thế chỉ bằng ca dao, tục ngữ. Mạ chỉ đọc lên là chị em tôi hiểu. Có khi hiểu sai, mạ lại giải thích bằng ngôn ngữ dân dã, ri nì, tê nì. Cô Hồng giúp tôi hiểu sâu hơn, minh triết hơn về loại văn học dân gian quý giá này.

Có lần, tôi đọc cho mạ nghe một bài phê bình Truyện Kiều, tác giả là một nhà thơ nổi tiếng. Nhân nói về vần điệu, nhà thơ bèn đem câu: “Con mèo con chó có lông/Bụi tre có mắt nồi đồng có quai” ra ví, rồi bảo tục ngữ ca dao Trị - Thiên có câu nói cho có vần, không ý nghĩa gì cả. Mạ tôi bảo, nói chi mà ngu, đó là “tai vách mạch rừng”. Tôi đem điều này trao đổi với cô Hồng, cô bảo mạ nói đúng, ông nhà thơ kia sai. Cô còn đọc cho tôi nghe một câu lạ “Con mèo con chó cũng không/Bụi tre một chắc, ngoài đồng không ai”.

Có lần, cô Hồng cho mỗi trò tự chọn đề tài thuyết trình. Những bài thuyết trình phải nộp cho cô duyệt trước khi được lên diễn đàn. Tôi mê truyện dịch nên soạn thuyết trình cuốn Đôi bạn chân tình của Hermann Hesse. Cô gọi riêng tôi và nhẹ nhàng bảo, em không nên thuyết trình một cuốn sách vượt khả năng của mình. Tôi buồn vì cô “coi thường" mình, nhưng cũng về soạn lại bài thuyết trình khác, tôi nhớ là đề tài về ca dao, tục ngữ. Tôi mang theo lời dặn của cô, cứ đi hết đường xóm của mình ta sẽ gặp thế giới.

Khi học lớp 10, cô Hồng nói với chúng tôi về cách để viết một bài văn hay. Cô nhắc lại một câu của nhà văn Nhất Linh, đại ý: Văn chương là phương tiện để đưa ý tưởng của mình đến với độc giả. Văn giản dị, dễ hiểu mà lột tả được những ý tưởng xúc tích, sâu xa mới tài, mới hay. Và bao giờ trước trang giấy, bàn phím tôi vẫn tâm niệm điều đó.

Những câu ca dao, tục ngữ theo ruộng vườn chảy tràn trong văn tôi, kiểu như “Đi mô đem thiếp theo cùng/ Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam”. Và đôi lúc quá đà trong trang viết, tôi lại giật mình, nhớ câu “Mẹ già cuốc đất trồng khoai/ Con đi mua ngọn nghe ai chưa về”. Mạ và cô, trong sâu thẳm tâm thức mình luôn hiện về nhắc nhở tôi.

Năm tôi thi đậu tú tài, mạ tôi vui lắm, ai tới nhà cũng khoe. Lúc nghe tôi có giải thưởng truyện ngắn của Tạp chí Sông Hương, ra được tập truyện, cô giáo tôi xúc động lắm.

Tôi viết khá nhiều mà chỉ viết chuyện đâu đâu, chưa có dòng nào cho mạ, cho cô. Cô và mạ đã cho gói kẹo văn chương ngọt ngào tuổi thơ, tôi cứ ôm giữ khư khư không chịu ăn, lại thèm kẹo của người dưng. Nay mạ đã già và cô thì yếu. Qua bài viết này, con xin tri ân mạ. Em xin tri ân cô...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mạ và cô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO