Lộc Ninh hôm nay

Quốc Toàn| 30/04/2022 07:00

Lộc Ninh là điểm cuối của con đường Hồ Chí Minh huyền thoại - nơi tiếp nhận sự chi viện to lớn của cải, vũ khí, nguồn lực của hậu phương miền Bắc, là huyện biên giới Tây Nam tiếp giáp Campuchia, huyện đầu tiên ở miền Nam  được giải phóng đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì và công nhận xã, thị trấn và vùng "an toàn khu" Lộc Ninh thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Lộc Ninh hôm nay

PGS TS Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền (thứ 5 và thứ 6 từ trái qua) tại Tượng đài Tưởng niệm Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tà Thiết tại tỉnh Bình Phước ngày 26/4/2022

Ngày 6/4/2022, nhà báo Cao Kim (Nguyễn Kim Toàn) - nguyên Tổng biên tập Báo Hải Phòng, gần 10 năm làm phóng viên Báo Giải Phóng trước năm 1975, điện thoại cho tôi:

- Đáng lẽ hôm nay tôi bay vào Sài Gòn để về huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước dự lễ kỷ niệm nửa thế kỷ giải phóng hoàn toàn Lộc Ninh, nhưng tuổi cao sức yếu, lực bất tòng tâm. Muốn đi Lộc Ninh, muốn vào nơi chiến trường xưa vào dịp này, do sức khỏe không cho phép nên đành chịu.

Ngừng lại giây lát, nhà báo Cao Kim nói tiếp:

- Cụ Thái Duy nhiều năm làm báo, viết văn ở chiến trường (nhà văn Trần Đình Vân - tác giả cuốn sách nổi tiếng Sống như anh viết về anh hùng Nguyễn Văn Trỗi), nay sống trong một con hẻm phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội, mỗi dịp kỷ niệm ngày toàn thắng 30/4 lại điện thoại cho Cao Kim, hai anh em xúc động đến nghẹn ngào. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước, huyện Lộc Ninh rất chu đáo gửi thư mời, mua sẵn vé máy bay, có xe đưa các  lão thành về với khu căn cứ kháng chiến xưa, thư mời trang trọng kèm theo quà quý, sản phẩm văn hóa và đặc sản địa phương "nông nghiệp sạch". 

Lúc này đây càng thêm nhớ Lộc Ninh, Bình Long, Phước Long, nhớ Sài Gòn, nhớ Vàm Cỏ Đông, nhớ miền Nam yêu dấu. Cách đây gần 6 thập niên, ngày 20/12/1964, tại chiến khu C ở tỉnh Tây Ninh, giáp biên giới Campuchia, Báo Giải Phóng - cơ quan trung ương của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam xuất bản số đầu. Năm 1966, Cao Kim cùng 32 đồng nghiệp báo chí từ miền Bắc hành quân vào chiến trường; ông được bổ sung làm phóng viên Báo Giải Phóng. Bình Long, Phước Long, Lộc Ninh địa bàn tỉnh Bình Phước ngày nay là chiến trường quen thuộc của Cao Kim.

Năm 1966-1967 và sau này năm 1972-1973, sau khi huyện Lộc Ninh hoàn toàn giải phóng, Cao Kim, đồng nghiệp Nguyễn Hồ... đã gắn bó, lăn lộn với đất và người của vùng này. Năm 1973, sau khi có Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Cao Kim là tổ trưởng tổ phóng viên, chứng kiến và phản ánh các cuộc trao trả tù binh giữa Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam và phía chính quyền Sài Gòn. Suốt mấy tháng tác nghiệp tại sân bay Lộc Ninh, Cao Kim đã dày công tìm kiếm một nữ đồng nghiệp bị địch bắt trước đó, nhưng chẳng hề có thông tin nào. Mãi sau này mới được biết người nữ đồng nghiệp kiên trung đó (chị Trương Thị Mai) bị địch bắt, do giữ vững khí tiết cách mạng, một mực không khai báo, chúng tra tấn dã man rồi thủ tiêu chị.

Cao Kim kể thêm kỷ niệm một lần được cử về chiến trường Hớn Quản, Bình Long, nay là tỉnh Bình Phước. Bà con làng bản và cả anh chị em du kích đã nhầm Cao Kim là lính chiến Mỹ. Chiều 23 tháng Chạp năm Bính Ngọ 1966, Cao Kim và 3 đội viên du kích "ém" quân dưới công sự, gần con đường đất đỏ bên cánh rừng cao su hướng vào làng Trà Thanh.

Cả tổ bàn nhau cứ "ém" đây chờ trời tối sẽ vào làng gặp bà con, xin chi viện đồ ăn thức uống. Lúc có ám hiệu bí mật để vào làng, cả tổ rời công sự. Khi vào tới làng, một số bà con nhìn Cao Kim vóc dáng cao lêu nghêu lại tưởng nhầm là lính Mỹ. Mặc cho nhầm, nhóm du kích cười khì: "Cứ để cho họ nhầm xem sự thể ra sao?". Có người còn đòi "đòm" một viên đạn vào bụng thằng "Mẽo"... Cao Kim cho đã đời. Rốt cuộc trò chơi úm bà la bị bại lộ sau một trận mưa to. Mưa lớn ướt sũng bìa rừng, Cao Kim không thể không lên tiếng bằng tiếng Việt quá chuẩn, ra tay sửa lại mảng tôn nhà để nước mưa không chảy ngập nền nhà một bà má cùng cô con gái trẻ.

Cuối năm 2021, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cùng đoàn cán bộ của ngành đã về thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước, trao tặng học bổng và thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, học tập cho một số học sinh và trường học trên địa bàn. Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và lãnh đạo tỉnh nhất trí cao vấn đề chiến lược xem trọng công tác giáo dục, đào tạo nhân tài để phát triển bền vững; chuyển đổi số trong phát triển kinh tế xã hội nói chung, trong công tác giáo dục, đào tạo nói riêng  theo chiều sâu, phải được xem là ưu tiên hàng đầu.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu 5 vấn đề ưu tiên cho ngành giáo dục, đào tạo tại Bình Phước, khẳng định tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và căn bản nền giáo dục nước nhà, đặc biệt ưu tiên cho phát triển và đổi mới giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng núi, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; giáo dục góp phần đào tạo các doanh nhân trẻ vững tin làm giàu, đổi mới - sáng tạo, sản xuất của cải cho xã hội thời kinh tế tri thức, kinh tế số.

unnamed-7-4086-1651227458.jpg

Nhà báo Cao Kim (trái) và cố nhà báo Vũ Tuấn Việt - nguyên Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng tại căn cứ Báo Giải Phóng Tây Ninh năm 1970  

Sau buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị tỉnh tạo điều kiện cho đoàn đến thăm Lộc Ninh, Bình Long, Phước Long và một số địa danh lịch sử - cụm  căn cứ Lộc Thành - Tà Thiết trên địa bàn tỉnh. Các thành viên của đoàn đã đội mũ tai bèo hành hương về cội nguồn,  thăm lại chiến trường xưa để lại những ấn tượng đặc biệt sâu sắc. Và chỉ đến lúc này, trong câu chuyện tình cờ, lãnh đạo tỉnh Bình Phước và nhiều cô giáo, thầy giáo, cán bộ quản lý ngành giáo dục, đào tạo tỉnh nhà mới biết Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chính là con trai của nhà báo Nguyễn Kim Toàn (Cao Kim) - nguyên phóng viên Báo Giải Phóng, người có nhiều kỷ niệm sâu sắc, gắn bó sâu nặng, rất nghĩa tình với mảnh đất kiên trung, anh hùng Bình Phước và vùng Đông Nam Bộ, vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Nhà báo Cao Kim trực tiếp hỗ trợ về nghiệp vụ, bồi dưỡng nhân lực để Bình Long, Lộc Ninh có tờ tin địa phương, nội dung phong phú, hình thức đẹp. Kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn huyện Lộc Ninh - huyện đầu tiên của miền Nam sạch bóng quân thù, huyện "an toàn khu" của miền Nam, lãnh đạo địa phương đã lên chương trình đón các lão thành cách mạng, các tướng lĩnh thời kỳ đánh Mỹ, đánh bọn diệt chủng Pôn Pốt (trong đó có nhà báo Cao Kim) về thăm tỉnh Bình Phước, thăm lại căn cứ địa "an toàn khu" Lộc Ninh.

Lộc Ninh, cụm căn cứ Lộc Thành - Tà Thiết từ năm 1973 được chọn làm căn cứ địa cách mạng của bộ chỉ huy miền, nơi mà các tướng lĩnh, lãnh đạo cấp cao như Tư lệnh Trần Văn Trà, Phó tư lệnh Nguyễn Thị Định, Chính ủy Phạm Hùng, Phó tư lệnh kiêm Tham trưởng Lê Đức Anh hội họp, ra lệnh tổng công kích các chiến dịch lịch sử. Căn cứ Lộc Thành còn là nơi đóng quân của Quân đoàn 4 và 2; Sư đoàn bộ binh 7 và 9; nhiều trung đoàn và tiểu đoàn tinh nhuệ... Lộc Ninh được giải phóng đã phá vỡ thế phòng thủ của địch, làm thất bại chiến thuật phòng ngự cấp chiến đoàn của địch trên khu vực rộng lớn áp sát trung tâm đầu não của chính quyền Sài Gòn. Giải phóng Lộc Ninh năm 1972 không chỉ là thắng lợi lớn nhất, trọn vẹn nhất trong cuộc chiến Xuân - Hè năm 1972, mà còn mở ra thời kỳ đưa chiến tranh vào giai đoạn cuối, tích cực xây dựng và phát triển thực lực, chủ động làm chuyển biến tình hình về quân sự, chính trị trên toàn chiến trường.

Huyện biên giới Lộc Ninh hôm nay, sau 50 năm giải phóng đổi mới và có bước phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, thể hiện rõ nhất về diện mạo ở 12/15 xã nông thôn mới, xây dựng được các vùng sản xuất chuyên canh cây trồng vật nuôi chủ lực gắn với chế biến, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, mở rộng các hình thức liên kết hợp tác, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, từng bước hình thành chuỗi giá trị sản phẩm uy tín, có thương hiệu. Cộng đồng doanh nghiệp ở Bình Phước, Lộc Ninh đã có nhiều đóng góp tích cực, chủ động đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, làm ra nhiều của cải cho xã hội.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lộc Ninh hôm nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO