Lan man về chuyện tử tế

MAI SƠN| 02/02/2014 06:29

Tử tế là một khái niệm quá rộng, một vấn đề thuộc phạm trù đạo đức học.

Lan man về chuyện tử tế

Tử tế là một khái niệm quá rộng, một vấn đề thuộc phạm trù đạo đức học. Một hiểu biết vốn đã hạn hẹp, lại bị quy định bởi những giới hạn của một bài báo, chắc chắn không thể nào tát cạn được hết mênh mông câu chuyện. Để có thể nói được đôi điều về nó, xin được thu hẹp cái chủ đề này lại thành câu hỏi: Những người trẻ đang khát khao học hỏi có thể sống tử tế được không? Và sống như thế nào?

Đọc E-paper

Giống như nhiều khái niệm khác trong đạo đức học, sự tử tế chưa thực sự được định nghĩa một cách đầy đủ, nhưng những nội dung cơ bản nhất của nó thì có lẽ nhiều người trong chúng ta đã nghe nói đến. Ở đây chỉ là cố gắng làm rõ một lần nữa những nội dung đó.

Trước hết, sống tử tế là cư xử với người khác với lòng tôn trọng. Thiếu sự tôn trọng chính đáng, ta dễ trở thành kẻ dửng dưng, nhưng nếu tôn trọng không đúng đối tượng, có nguy cơ ta sẽ trở thành người dễ dãi, thậm chí ta biến tâm thức lành mạnh của ta thành tâm thức lệ thuộc, yếu đuối.

Đối tượng để cho ta bày tỏ sự tôn trọng rất rộng, chứ không phải chỉ là những nhân vật nổi tiếng, nhiều hào quang, với những thành tựu nổi bật thu hút sự chú ý của số đông. Có khi đó chỉ là một người bình thường với những cố gắng lương thiện hằng ngày để vươn lên trong cuộc sống và trong học tập.

Nếu người ấy là bạn ta, ta hãy hãnh diện vì có họ. Ta thường có khuynh hướng dành hết lòng tôn trọng cho những “ngôi sao” và rồi trong trái tim không còn chút phập phồng trước những người lặng lẽ tỏa sáng, với chút ít ánh sáng chỉ đủ cho ta thấy gương mặt “người, quá người” (nói theo Nietzsche) của họ.

Ta thường ngày đêm chiêm ngắm “những công trình hoành tráng” đến không còn chút thời gian cúi xuống một mảng cỏ xanh vẫn được tỉa tót sạch đẹp quanh chỗ ta ngồi hằng ngày trong công viên. Những đền đài hút hồn ta, và tâm hồn ta trống rỗng trước những viên gạch nhỏ, những nét hoa văn - tức là những nét cử chỉ dễ thương, dễ mến nhưng dễ bị khuất lấp.

Bạn đã bao giờ đứng ngây ngất nhìn một đứa bé ân cần dắt tay một cụ già băng qua một ngã tư đông đúc xe cộ chưa? Bạn thử tưởng tượng đi, nếu bạn nhìn thấy cảnh đó, lòng bạn có dâng lên cảm xúc gì không?

Tóm lại, nếu bạn không bị thuyết phục bởi những tấm gương nhân cách trọn vẹn vĩ đại, và cũng không rung động trước những biểu hiện đơn sơ thiện hảo, tích cực từ trong cuộc sống hằng ngày quanh bạn thì chắc chắn bạn đang có vấn đề nghiêm trọng: bạn đang rất cô độc theo nghĩa không có ai thực sự “ngồi tận đáy lòng bạn” (Emile Durkheim).

Nhưng sống tử tế với người khác không có nghĩa chỉ là sẵn sàng ngợi ca, là phân phát tràn lan những lời có cánh làm mát ruột người khác. Không, người sống tử tế chắc chắn không phải là một bậc thánh nhân từ trước mặt mọi người.

(Vả chăng, ngay cả thánh thần cũng không hoàn toàn lặng thinh trước cái xấu, cái ác. Truyền thuyết kể rằng Chúa Jesus đã từng nổi trận lôi đình khi thấy đền thờ Jerusalem bị đám người buôn bán làm cho nhếch nhác).

Sống tử tế là biết và dám tỏ rõ sự bất bình, thậm chí giận dữ khi chứng kiến người khác làm những điều đi ngược lại lương tâm thông thường. Lời tử tế nhiều khi là lời khó nghe.

Cuộc sống thường ngày chắc chắn cho ta nhiều dẫn chứng về điều này. Chẳng phải bất cứ ai trong chúng ta cũng có ít nhất trong đời một người thầy vừa tận tâm khuyến khích điều tốt, vừa nghiêm khắc hết mực phán xét điều chưa tốt đó sao?

Nhưng có một điều chắc chắn, sống tử tế là khiêm tốn một cách trung thực. Bạn không thể khiêm tốn với người “cao” hơn mình, nhưng sẵn sàng kiêu căng, chà đạp người “thấp” hơn mình.

Chúng ta khiêm tốn với nhau đơn giản chỉ vì tất cả chúng ta đều là những nhân vị, có giá trị ngang nhau khi sinh ra làm người. (Kiêu căng trong mọi trường hợp đều là vô lối, đều không chấp nhận được, và không liên quan gì đến sự tử tế. Kiêu căng là một trong những phản đề của tử tế).

Đến đây có thể nói, tử tế là một nét đạo đức của con người. Nét đạo đức đó giúp phân biệt con người với loài cầm thú và phân biệt một con người sống trong xã hội với một người sống cô độc, tách biệt hẳn khỏi xã hội, “quay lưng lại nỗi đau khổ của con người, và chăm lo riêng cho bộ da của mình” (Karl Marx).

Bắt chước Edmund Husserl, ta hãy nói: Tử tế là tử tế với một ai đó. Nói khác đi, sự tử tế có nội dung xã hội học.

Nhưng giả sử, như có người nói, môi trường xã hội đang nhiễm trùng, thì sao? Tử tế trong trường hợp này phải chăng là “độc thiện kỳ thân” (chỉ cầu cái tốt đẹp cho riêng bản thân mình) hay lập dị? Không phải vậy.

Sự giả định có thể hơi cực đoan, nhưng ngay cả nếu thực trạng đúng như thế, tình hình vẫn chưa hoàn toàn tuyệt vọng. Không ai ngăn cản ta trong đêm tối mịt mùng thắp lên một ngọn đèn để soi đường cho một người khách lạc lối.

Khi tất cả những người đi đường vội vã băng qua một người bị nạn, cái dòng thác vô cảm đó chực cuốn ta theo, nuốt chửng ta, nhưng hãy nhắm mắt một giây xem, bạn và tôi, chúng ta vẫn còn chút “phản lực” trong người mà. Nó sẽ giúp chúng ta cưỡng lại sức lôi cuốn khủng khiếp kia.

Ta sẽ chạy chậm lại, dừng hẳn, nghiêng mình xuống với người đồng loại bất hạnh của mình. Rất chắc chắn là không có ai khen bạn, kiểu như: “Anh ta/cô ta mới tử tế làm sao!”, nhưng tự nhiên bạn vẫn thấy tâm hồn mình nhẹ lâng lâng và thơm tho như vừa bước ra khỏi một khu vườn đầy hoa.

Như vậy, vấn đề là đừng quên lắng nghe theo tiếng gọi tự nhiên trong lòng ta, dù hiện nay nó như một nốt nhạc đẹp bị chìm mờ trong vô vàn tạp âm tiêu cực. Hãy tin rằng tử tế là một tính cách bẩm sinh của con người, không bao giờ bị dập tắt hoàn toàn.

(Sẽ có người phản đối, nói rằng, tử tế không phải là một tính cách bẩm sinh mà là một cái gì có thể truyền trao, có thể thủ đắc qua thời gian. Nhưng ở đây, lập trường của người viết bài này là lập trường của Mạnh Tử, không phải của John Locke).

Đáng tiếc là không nhiều người tin như vậy, và với họ, điều quan trọng là “sống sót” từng ngày, là chộp bắt các cơ hội bằng mọi phương tiện, kể cả phải đạp lên những lẽ phải thông thường. Họ cho rằng thành công thực tế sẽ biện minh cho tính chính đáng của mọi hành vi.

Tử tế với họ là một điều gì đó xa vời, trừu tượng. Họ không cần nhớ rằng, chính nhờ sự tử tế của người khác mà họ có được những cơ hội và chỗ đứng hôm nay.

Mới hôm qua thôi, cha mẹ và cả gia đình đã dốc đồng bạc cuối cùng cho chuyến đi dài tìm kiếm tri thức đích thực của họ. Và mới hôm qua thôi, người thầy của họ đã cố gắng đến mức kiệt sức để mang đến cho họ những tri thức mới nhất và khó hiểu nhất, góp thêm vào hành trang của họ.

Sống tử tế nhiều khi chỉ đơn giản là sống sao cho xứng đáng với sự tử tế của người khác dành cho mình, nhưng thật lạ, như bạn thấy đó, rất nhiều người đã không làm được.

Người muốn sống tử tế phải đối mặt với thử thách gần như hằng ngày. Chỉ vì họ còn có một lương tâm lành mạnh, một tâm hồn đẹp. Chỉ vì họ đang còn sống trong một xã hội mà khuynh hướng căn bản của nó là tiến lên phía trước, dù trong nhất thời nó đang giẫm chân tại chỗ hoặc đang thụt lùi.

Hướng thượng, đó là động lực của mỗi người tử tế. Khi không còn động lực đó trong người, bạn sẽ thấy mình không còn dấy động biểu cảm trước cái tốt hoặc cái xấu, tức là bạn thờ ơ, bạn chết máy. Không có gì là trừu tượng ở đây cả.

Ngược lại, điều đó rất thực tế, có thể tự kiểm chứng hằng ngày. Chẳng hạn, một quyển sách hay bạn vừa đọc xong sẽ đưa bạn đi xa để bỏ lại sau lưng ít nhất là một chặng quá khứ ngây thơ, ngờ nghệch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lan man về chuyện tử tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO