Làm báo thời công nghệ số

PHAN THẾ HẢI| 03/02/2019 07:00

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội khiến báo chí phải chịu sức ép rất lớn và buộc phải tham gia vào cuộc cạnh tranh khốc liệt về thông tin.

7-tranh-thu-tac-nghiep-7609-1547699560.j

Smartphone xuất hiện với nhiều tính năng đã thay đổi căn bản thói quen của người đọc khiến báo giấy ngày càng trở nên "khó sống". Thay vào đó là sự lên ngôi của báo điện tử được thiết kế hợp với giao diện của thiết bị thông minh để người đọc truy cập mọi lúc mọi nơi.

Trước bối cảnh đó đòi hỏi sự thay đổi về cách thức làm báo. Cùng với đó là việc sử dụng thiết bị khoa học kỹ thuật vào việc xử lý thông tin, không chỉ với phóng viên mà còn cả với người làm quản lý báo chí. Sự ra đời của công nghệ mới buộc các cơ quan báo chí - với tư cách là nhà sản xuất thông tin phải thay đổi chiến lược sản phẩm tương thích với nhu cầu và phương thức tiếp cận thị hiếu của công chúng.

Sự thay đổi về công nghệ đã thay đổi thói quen của người đọc. Điều này đặt ra thách thức là phải đổi mới căn bản và toàn diện, từ cơ sở kỹ thuật công nghệ, mô hình tổ chức tòa soạn, quy trình tổ chức sản xuất, kinh doanh, kiến thức, kỹ năng chuyên môn của người làm báo và quản lý báo chí, đến việc nghiên cứu xu hướng bạn đọc trong xã hội thông tin và môi trường số hiện nay.

Công nghệ thông tin phát triển đã đẻ ra hàng loạt mạng xã hội như Facebook, Instargram, Twitter, Wechat, Zalo. Mạng xã hội không chỉ là không gian ảo mà hơn thế là nơi mà những cá nhân có thể bộc lộ suy nghĩ, truyền tải những điều mắt thấy tai nghe, nơi đó là những kho thông tin khổng lồ.

Dường như các nhà báo đều có Facebook, tôi cũng không là ngoại lệ. Đó không chỉ là chỗ để giải trí, giãi bày tình cảm, đưa những hình ảnh về cuộc sống riêng tư mà đó còn là một kênh thông tin rất đa dạng. Mạng xã hội giúp người làm báo có thể bao quát nhiều thông tin, thông qua việc đọc status cá nhân và một số bài báo hay được chia sẻ lên các trang.

Cũng thông qua mạng xã hội, việc nắm bắt các vấn đề nóng, được xã hội quan tâm cũng nhanh hơn, đồng thời có thể kiểm chứng, xử lý thông tin chính xác, phản ánh kịp thời, không bỏ qua các sự kiện cần quan tâm. Cũng thông qua mạng xã hội, người ta có thể tương tác với những đồng nghiệp hoặc các chuyên gia mà không phải tốn phí điện thoại. Nếu cần nắm bắt một vấn đề chuyên sâu, có thể đặt câu hỏi rồi gửi bằng tin nhắn cho các chuyên gia.

Cùng với sự phát triển của điện thoại thông minh và internet phủ khắp hang cùng ngõ hẻm, mỗi người dân đều có thể là một "nhà báo" trong việc truyền tải thông tin đến cộng đồng. Và đó chính là đội ngũ cộng tác viên rộng rãi của người làm báo. Nếu nhà báo thức thời thì việc tiếp cận những thông tin mới sẽ thuận lợi hơn nhiều, điều quan trọng là phải biết sàng lọc và kiểm chứng những thông tin đó để có những thông tin có ích cho bạn đọc.

Người viết bài này đã nhiều lần sử dụng các nguồn thông tin từ mạng xã hội để triển khai thành đề tài báo chí sau khi đã kiểm chứng nhiều nguồn. Với sự hỗ trợ của công nghệ, việc xử lý tin, bài, ảnh để đưa đến công chúng thông tin nhanh hơn, cho phép nhà báo vừa dự sự kiện vừa phản ánh gần như song song, để thông tin đến với bạn đọc nhanh nhất có thể.

Link bài viết

Từ mạng xã hội, những người làm báo có thể tiếp cận nguồn tin dễ dàng hơn. Đặc biệt, việc phát hiện những vấn đề tiêu cực cũng trở nên thuận lợi hơn. Nhiều vụ tai nạn giao thông, vụ cháy hay những vụ bạo hành đã được những người chứng kiến chụp ảnh, quay video rồi up lên trang cá nhân, nhờ đó các nhà báo biết địa chỉ để có mặt tác nghiệp.

Đối với các tờ báo điện tử, mạng xã hội chính là phương tiện giúp họ tăng lượng truy cập, tạo ra những tương tác và hiệu ứng xã hội. Những bài báo sau khi được xuất bản có thể share lên trang cá nhân, nhờ đó thu hút thêm lượng bạn đọc. Với một số tờ báo nhỏ, lượng truy cập chưa nhiều, nhưng lượng bạn đọc biết đến báo thông qua Facebook có thể lên tới 50%, phần còn lại là từ công cụ tìm kiếm qua Google và truy cập trực tiếp.

Trong nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, các cơ quan báo chí phải tìm cách tự trang trải chi phí thông qua dịch vụ truyền thông. Nói chính xác hơn, để tồn tại, mỗi tờ báo phải trở thành một công ty truyền thông.

Ngày nay người đọc có nhiều sự lựa chọn thông tin thông qua các kênh truyền thông, trong đó mạng xã hội ngày càng chiếm vị trí quan trọng. Đây chính là lúc mà người ta đặt ra vấn đề chuyển đổi sang xu hướng truyền thông hội tụ (Media Convergence) trong báo chí - một khái niệm không mới, nhưng đang được hoàn thiện dựa trên sự phát triển của công nghệ và nhu cầu sinh tồn của truyền thông truyền thống.

Truyền thông hội tụ là chuyển tải nội dung trên các nền tảng truyền thông trong một hệ sinh thái thống nhất. Định nghĩa này đề cao tính cạnh tranh cộng sinh và quảng bá chéo giữa các nền tảng truyền thông trong hệ thống hội tụ của các cơ quan báo chí. Như thế, hội tụ không phải đơn thuần là sự thay đổi vật lý trong một tòa soạn, mà là sự đổi mới trong quan hệ giữa các hình thái truyền thông, càng không phải là sự chuyển tiếp từ truyền thông truyền thống sang truyền thông mới.

Những tờ báo thức thời đã nhanh chóng nắm bắt xu thế này. Theo đó cơ quan báo chí xây dựng nên hệ sinh thái đa nền tảng truyền thông, ở đó các kênh truyền thông truyền thống như báo in, truyền hình, radio sẽ tương tác với báo điện tử, di động, mạng xã hội. Từ đó doanh nghiệp sẽ hưởng lợi từ sự phong phú, đa dạng và khả năng tương tác với khách hàng từ dòng chảy nội dung qua  hệ thống đa nền tảng mà báo chí xây dựng.

Một số cơ quan báo chí đã đi tiên phong trong xu thế này có thể kể đến là VTV, VOV, Tuổi trẻ... Các cơ quan này không chỉ duy trì loại hình truyền thông truyền thống mà còn tạo ra hệ sinh thái đầy đủ các loại hình, tùy theo chuyên mục phát sóng tạo Fanpage trên Facebook giúp mọi người có thể đọc, xem và nghe thông qua smartphone cùng nhiều thiết bị khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Làm báo thời công nghệ số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO