Lại bàn về vai trò của Nhà nước

TS. VÕ TRÍ THÀNH - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương/HẢI VÂN ghi| 19/07/2013 04:30

Quản lý nhà nước với vấn đề sản xuất, kinh doanh, nói một cách ngắn gọn nhất, là hiệu quả phân bổ nguồn lực. Nhà nước đóng vai trò phân phối, nhất là phân phối thu nhập. Một thị trường cạnh tranh minh bạch, không có độc quyền, không có những tác động ngoại ứng lan tỏa... là hiệu quả nhất.

Lại bàn về vai trò của Nhà nước

Quản lý nhà nước với vấn đề sản xuất, kinh doanh, nói một cách ngắn gọn nhất, là hiệu quả phân bổ nguồn lực. Nhà nước đóng vai trò phân phối, nhất là phân phối thu nhập. Một thị trường cạnh tranh minh bạch, không có độc quyền, không có những tác động ngoại ứng lan tỏa... là hiệu quả nhất.

Đọc E-paper

Tuy nhiên, về bản chất, vai trò của Nhà nước có khá nhiều điều phải bàn. Thứ nhất, phải tạo môi trường kinh doanh minh bạch, cạnh tranh tốt, mà chủ yếu là dùng những công cụ chính sách. Thứ hai, kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế chuyển đổi, Nhà nước còn có vai trò quan trọng là góp phần tạo dựng thị trường.

Ví dụ, phát triển khu vực kinh tế tư nhân, Nhà nước phải tạo dựng khung pháp lý liên quan đến đảm bảo quyền sở hữu, quyền kinh doanh, cạnh tranh, phá sản..., không chỉ thị trường hàng hóa, dịch vụ, mà còn thị trường lao động, thị trường vốn, thị trường đất đai...

Thứ ba và rất quan trọng, thị trường hiệu quả là phải hoàn hảo. Nhưng thị trường trên thực tế không bao giờ hoàn hảo, cho nên can thiệp của Nhà nước là phải làm cho nó thị trường hơn. Ví dụ, phải hạn chế được những ngoại ứng tiêu cực, giảm độc quyền, tăng quyền sở hữu để những giao dịch đó thị trường hơn.

Thứ tư, khiếm khuyết của thị trường. Ngay cả khi thị trường hiệu quả vẫn không đảm bảo được rằng phân bổ ấy công bằng về mặt xã hội. Do đó, Nhà nước phải tạo điều kiện, cơ hội để có sự công bằng. Ví dụ thông tin minh bạch, dùng thuế để phân bổ lại thu nhập.

Việt Nam có một vấn đề, nó vừa là vấn đề của một nền kinh tế kế hoạch hóa chuyển sang kinh tế thị trường, vừa là vấn đề của một nền kinh tế đang phát triển. Nền kinh tế kế hoạch hóa đã có một khối đồ sộ gọi là doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Khi chuyển sang kinh tế thị trường thì phải xử lý nó, bởi DNNN chiếm vị trí thống lĩnh quá nhiều lĩnh vực nên hạn chế cạnh tranh và có thể lạm dụng, mà như vậy thì phân bổ nguồn lực không hiệu quả.

Trong một nền kinh tế chuyển đổi, việc xảy ra những khiếm khuyết là không tránh khỏi. Để hạn chế những khiếm khuyết này, cần có sự quản lý của Nhà nước. Nhưng thực tế cho thấy, ở một số vấn đề, một số thời điểm, Nhà nước thực hiện quá lỏng lẻo chức năng quản lý của mình và ở một số lĩnh vực, một số thời điểm khác lại can thiệp quá sâu vào công việc kinh doanh của doanh nghiệp. Sự chồng chéo này làm cho cả hoạt động quản lý về kinh tế của Nhà nước và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trở nên kém hiệu quả, gây ách tắc và lãng phí.
Thực tế này cũng làm nảy sinh hai quan điểm: Thứ nhất, không nên tách bạch công tác quản lý nhà nước ra khỏi sản xuất, kinh doanh, vì tách ra, nhà nước xã hội chủ nghĩa không khác gì nhà nước tư bản và các doanh nghiệp sẽ trở thành các nhà tư bản. Thứ hai, cần tách bạch hai chức năng này. Nhà nước chỉ nên đóng vai trò tạo dựng thị trường, kiểm soát công việc kinh doanh nếu sai pháp luật.

Đặc biệt, liên quan đến đầu tư công hay DNNN có hai vấn đề muôn thủa, không bao giờ giải quyết được triệt để. Một là, xung đột lợi ích giữa những người cầm cân nảy mực, cầm tiền đầu tư với lợi ích chung. Ở đây, dù cơ chế đại diện quyền chủ sở hữu hoàn thiện, nó vẫn chỉ là đại diện.

DNNN không có một ông chủ thực sự, mà vẫn là cơ quan này, cơ quan kia sắp đặt. Hai là, rủi ro đạo đức, hoặc là quá lớn để đổ vỡ, hoặc "tiền chùa" tiêu liều nhưng cuối cùng vẫn được "cứu", mà trách nhiệm có thể không rõ ràng.

Không thể giải quyết được triệt để mà chỉ hạn chế nó bằng sáp nhập, cổ phần hóa, thông tin minh bạch, giải trình, giám sát... Hiện nay, một số công ty cổ phần của tư nhân cũng bắt đầu vướng vào xung đột lợi ích giữa chủ và đại diện, giữa giám đốc điều hành và hội đồng quản trị.

Vì vậy, liên quan đến hoạt động kinh tế, Nhà nước phải làm đúng chức năng của mình, ví dụ: ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường hiệu quả, tạo môi trường kinh doanh để thị trường phát triển hơn nữa. Nhà nước khi tham gia vào đầu tư công, vào sản xuất, kinh doanh, phải hiểu hiệu quả của dự án ấy nhỏ hơn hiệu quả tổng thể đối với nền kinh tế.

Nhà nước phải tính đến chi phí lợi ích, không chỉ là chi phí tài chính, mà còn là chi phí lợi ích xã hội, chi phí lợi ích môi trường. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng phải hiểu hiệu quả theo nghĩa nó có lan tỏa hay không.

Ví dụ, Nhà nước hỗ trợ người nghèo đào giếng, dự án không mang lại tiền bạc, nhưng hiệu quả xã hội lớn hơn hiệu quả dự án, người dân có sức khỏe tốt hơn, dành thời gian đi lấy nước sạch để làm việc khác.

Cái này khác hẳn việc coi đầu tư công của DNNN như một công cụ điều tiết nền kinh tế. Vì vậy, phải có những cơ chế, cách thức làm cho bản thân cái đó hiệu quả hơn, giảm thiểu tối đa, dù không thể triệt để được, những vấn đề nội tại của DNNN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lại bàn về vai trò của Nhà nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO