Kỳ bí cổ vật Chăm

ĐÔNG HƯNG| 01/04/2016 06:20

Sau bao thăng trầm, biến cố lịch sử, đến nay ở Ninh Thuận, Bình Thuận, hậu duệ các vua Chăm vẫn lưu giữ nhiều cổ vật vô cùng quý hiếm của ông cha.

Kỳ bí cổ vật Chăm

Sau bao thăng trầm, biến cố lịch sử, đến nay ở Ninh Thuận, Bình Thuận, hậu duệ các vua Chăm vẫn lưu giữ nhiều cổ vật vô cùng quý hiếm của ông cha.

Đọc E-paper

Đầu xuân 2016, trên đường về Phan Rang (Ninh Thuận), ông Đạo Văn Tùng - một người Chăm chính gốc nói với chúng tôi: “Tôi là hậu duệ gần đây nhất của một vị vua Chăm. Người Chăm chúng tôi ai cũng một lòng tôn kính các vị vua của mình, đến nay vẫn vậy thôi. Nó như một tín ngưỡng vậy”.

Không để khách hỏi han, ông Tùng giãi bày: “Ai trong chúng tôi cũng giữ lời thề giữ gìn một số báu vật còn lại của các vị vua, có đánh đổi bao nhiêu tiền cũng không được, dù là một chiếc bình vôi. Hậu duệ trực tiếp của vua Chăm nay còn rất ít, Ninh Thuận chừng năm người, Bình Thuận thì nhiều hơn chút ít”.

Ông Tùng bảo, thời xưa, người Chăm dòng dõi hoàng tộc tuyệt đối không truyền các bí mật ra ngoài, ngay cả chất liệu làm áo bào của vua, áo choàng của hoàng hậu. Tuy nhiên, khi các vị vua lần lượt qua đời, để tưởng nhớ họ, qua các kỳ lễ hội Katê (lễ hội độc đáo nhất của người Chăm vào ngày 1/7 theo lịch Chăm, khoảng từ ngày 25/9 đến ngày 2/10 dương lịch), lớp hậu duệ bắt buộc phải mang báu vật ra làm lễ tưởng nhớ vua và cho mọi người chiêm ngưỡng. Ngay cả những người anh em là dân tộc Rắk Lây được sở hữu một số báu vật của vua Chăm (chủ yếu là long bào, xiêm y) cũng mang đến dự lễ.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Đức Long dẫn chúng tôi đến xã Lương Sơn, huyện Bắc Bình, Bình Thuận tìm gặp một hậu duệ hiếm hoi của triều vua Pô Klong Mơ H’Nai, đó là ông Lư Thái Thuổi. Ông Long đã nghiên cứu rất nhiều năm về nền văn hóa Chămpa, nhưng theo ông, vẫn chưa thấu tỏ bao nhiêu báu vật vua Chăm cũng như quan niệm giữ gìn chúng của những hậu duệ còn lại, vì họ luôn kín kẽ.

Đến nhà ông Thuổi khi trời nhá nhem tối. Đêm đó, ông Thuổi nói về những “sấm truyền” của dòng tộc, rằng, không thể để mất những chiếc mão vàng, nó là thứ thể hiện uy quyền, sự vững chãi của các triều đại Chăm. Dẫu có rơi đầu cũng không được để rách, để mất long bào, bởi đó là sức mạnh và sự thiêng liêng truyền dẫn từ đời này sang đời khác. Các thế hệ dòng dõi nhà vua nhất thiết phải thuộc làu các quy tắc trong tam cung, ngũ viện.

Bởi vậy, đến nay dẫu được ngã giá hàng trăm triệu đồng, ông Thuổi vẫn không bán bất cứ một kỷ vật nào của tổ tiên mình, kể cả chuyện lý giải cặn kẽ về bí mật từ những kỷ vật đó cho người khác nghe.

Ông Lư Thái Thuổi chỉ cho khách được diện kiến gần chục bộ trang phục của vua, hoàng hậu, công chúa, hoàng tử và chiếc mũ vàng của vua. Khi được hỏi dò các báu vật khác, ông Thuổi nói: “Không còn nhiều báu vật lắm. Là hậu duệ của vua, chúng tôi được giao nhiệm vụ canh giữ kho báu này, chỉ khi có chính quyền địa phương dẫn khách đến mới cho xem hết”.

2 trong số những báu vật của vua Chăm ở Bình Thuận

Theo chân ông Đạo Văn Tùng, chúng tôi đến xã Phước Thái, TP. Phan Rang - Tháp Chàm. Ông Tùng cho biết, ở đây có một kho báu của vua Pô Glong Garai, nhưng còn lại rất ít vì bị kẻ gian đánh cắp nhiều lần, nên hiện nay chỉ hậu duệ vua như ông mới biết cất giấu ở đâu. Vì thế mà phải chờ đến khuya đêm đó, ông Tùng mới nhờ một người cháu chở tôi ngoằn ngèo đi qua một quảng đường tối đến diện kiến các báu vật được giấu vô cùng kín đáo.

Đúng như ông Tùng nói, báu vật chỉ còn lại một chiếc ngai vua, mũ vua, áo choàng và vài vật dụng khác. Người dẫn đường bộc bạch: “Trong các lễ hội Katê, những báu vật này được đưa ra cũng bí mật lúc nửa đêm. Khi công chúng được diện kiến thì đã có nhiều người bảo vệ”.

Một nơi nữa còn cất giấu báu vật của vua Chăm là xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, có tên Chăm là Palei Thvon, đó là y phục của vua và hoàng hậu, vương miện bằng vàng, mâm thờ bằng bạc. Giới buôn đồ cổ đã đến đây nhiều lần, trả giá mỗi món hàng tỷ đồng.

Không biết có tín ngưỡng quá mức không nhưng hầu hết người Chăm đều cho rằng những hiện vật của các vị vua tạo nên sức mạnh cho họ khi gặp sóng gió trong cuộc đời. Kiều Pân Ta - giáo viên Trường Tiểu học Nhơn Sơn (huyện Bắc Bình) tâm sự: "Cộng đồng người Chăm ở Ninh Thuận có một niềm tin rất lớn vào vua Pô Klông Garai và Pô Rôme. Lễ hội Katê chính là để suy tôn và tưởng nhớ đến hai vị vua này. Hai vị vua này đã trở thành thần linh đối với mỗi người Chăm". Theo Kiều Pân Ta, tương truyền, 2 vị vua Pô Klông Garai và Pô Rôme đã không quản gian khó, nguy hiểm, chiến đấu đến cùng với giặc giã và thú dữ để bảo vệ thần dân.

Trên đường đi tìm những người sở hữu báu vật các vương triều Chăm, Trần Hoàng - một nhà sưu tầm cổ vật nổi tiếng ở TP.HCM mách nước cho chúng tôi, còn một vùng đất chứa nhiều cổ vật mà có thể cũng là kho báu của vua Chăm, đó là Phú Long, Phú Hài, phía tây TP. Phan Thiết, Bình Thuận. Trần Hoàng khẳng định: “Chắc chắn ở Phú Long còn rất nhiều cổ vật, vì vùng đất này trước đây đều là của người Chăm”.

Nhiều người dân ở đây cho biết, cách đây mấy năm, bà Nguyễn Thị Bảy đào được 11 món đồ cổ, gồm 4 bức tượng hình người và 7 lá trầu bằng vàng lấp lánh kỳ lạ.

Ông Đại ở Phú Long, một người quản trang nói: “Tôi làm quản trang ở đây nhiều năm rồi. Lễ an táng của gười Chăm đơn giản nhưng kỳ bí, như gọi linh hồn về bảo vệ các đồ vật quý giá trong nhà, gọi hồn bảo vệ vùng đất của tổ tiên”. Rồi ông bảo chúng tôi nên đến nhà ông Trần Văn Cang - một người vùng này từng đào được nhiều cổ vật.

Kể về việc đào được cổ vật trong lòng đất, ông Cang bộc bạch: “Vàng thì chưa thấy nhưng đồ cổ thì nhiều. Mới đây, trong lúc làm rẫy tôi cuốc phải một cái bình tròn tròn. Đào sâu xuống thì phát hiện lỏn chỏn bình vôi. Một chiếc bình vẫn còn vôi trắng bên trong. Cán bộ bảo tàng và công an biết chuyện kéo đến, xem xong, một cán bộ bảo tàng khẳng định ngay là những bình vôi cổ, rất quý”.

Theo miêu tả của ông Cang, những bình vôi này được thiết kế kiểu có hoa văn nổi quanh miệng, phía dưới loe, rất giống hình dáng hũ đồng thời xưa. Khi dùng que sắt gõ vào thì tiếng kêu ngân lên giống như tiếng chuông đồng, rất lạ.

Cũng theo ông Cang, nhiều người dân ở đây thỉnh thoảng đi làm rẫy cuốc được đồ cổ là chuyện thường, bởi từng có dòng tộc Chăm xa xưa sống trên đất Phú Long, Phú Hài...

>Văn hóa kỳ bí của người Vân Kiều

>Mùa rưh penl và bí tích cà răng

>Thương hiệu văn hóa từ người sưu tầm ấm trà

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kỳ bí cổ vật Chăm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO