Kinh tế Việt Nam và gánh nặng mục tiêu tăng trưởng

TS. NGUYỄN XUÂN THÀNH - Đại học Fulbright Việt Nam - HẢI VÂN ghi| 19/07/2017 00:31

Cuối năm 2015, Chính phủ đã đề ra mục tiêu tăng trưởng trong 2016 là 6,7%, nhưng chỉ đạt 6,21%...

Kinh tế Việt Nam và gánh nặng mục tiêu tăng trưởng

Chính phủ đang đứng trước sức ép về kết quả tăng trưởng kinh tế.

Đọc E-paper

Cuối năm 2015, Chính phủ đã đề ra mục tiêu tăng trưởng trong 2016 là 6,7%, nhưng chỉ đạt 6,21%. Cuối 2016, Chính phủ vẫn kiên quyết đưa ra mục tiêu tăng GDP 6,7% trong 2017. Khả năng GDP đạt 6,7% là gần như không thể, khi hai quý đầu năm chỉ đạt 5,73%, dù đã cao hơn so với mức 5,65% cùng kỳ năm trước.

Trong điều hành kinh tế, có một số chỉ số bị ràng buộc bởi GDP, như tỷ lệ thâm hụt ngân sách (bội chi) và nợ công. Trong các chỉ số đó, GDP theo giá danh nghĩa được dùng làm mẫu số, nếu không đạt được mục tiêu trong một năm, trần nợ công 65% hay tỷ lệ bội chi 3,5% sẽ không thể duy trì được.

Nguyên nhân thực đằng sau việc tăng trưởng chậm trong ngắn hạn là do nợ xấu ở ngành ngân hàng, đầu tư công, nợ công và doanh nghiệp nhà nước.

Nợ xấu lớn trong hệ thống ngân hàng vẫn nằm đó, có nghĩa là nền kinh tế vẫn phải dùng nguồn lực hạn hẹp để nuôi. Đây là gánh nặng lớn nhất đang kéo tăng trưởng đi xuống.

Việt Nam đang là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhất trong khu vực, nhưng tín dụng tăng không thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế. Đó là vì các ngân hàng muốn tìm kiếm lợi nhuận cao thì phải đẩy mạnh mảng tín dụng tiêu dùng, còn muốn an toàn thì đầu tư trái phiếu chính phủ hoặc cho vay một số lượng nhỏ các doanh nghiệp lớn có uy tín và tài sản đảm bảo.

Nợ xấu và lãi dự thu cao đòi hỏi một phần đáng kể của gia tăng tín dụng, thực ra là cho vay để trả lãi và nợ cũ. Chính vì vậy, doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn đói tín dụng mặc dù tín dụng cho cả nền kinh tế tăng 18,25% trong năm 2016 và 5,76% trong 4 tháng đầu năm 2017, cao nhất trong 8 năm qua.

Do đó, lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng thương mại thông qua xử lý nợ xấu và nâng vốn chủ sở hữu phải là chính sách ưu tiên hàng đầu.

Nền kinh tế vẫn cần đầu tư công không phải chỉ để thúc đẩy tăng trưởng ở phía cầu, mà quan trọng hơn là khai thông các điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng. Nhưng đầu tư công mà phải tiếp tục vay nợ trong khi nợ công đã đạt trần 65% GDP, quả là có rất nhiều rủi ro.

Trong giai đoạn trước, đầu tư công ở mức cao so với quy mô nền kinh tế, nhưng vì kém hiệu quả, nên tài sản tạo ra từ đầu tư không được là bao. Vì thế, để có tăng trưởng trong giai đoạn này, vẫn phải đầu tư nhưng nguồn lực đã cạn. Để có đầu tư công trong ngắn hạn mà không phá vỡ trần nợ công thì chỉ có nguồn tiền từ cổ phần hóa và thoái vốn từ các doanh nghiệp nhà nước.

Kế hoạch trung hạn 5 năm cũng đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,5 - 7%, trong khi năm 2016 không đạt, nếu năm 2017 tiếp tục không đạt thì những năm còn lại sẽ phải tăng tốc nhanh. Đó là sức ép lớn để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng trong trung hạn.

Còn về dài hạn, mắc bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu là có thực. Báo cáo Việt Nam 2035 chỉ ra, nếu tăng trưởng bình quân đạt dưới 6%/năm thì 20 năm nữa Việt Nam vẫn thua nhiều nền kinh tế châu Á ngày hôm nay.

Vẫn biết chỉ số GDP dùng làm thước đo phát triển kinh tế có khiếm khuyết, nhưng Việt Nam vẫn phải tăng GDP ở mức cao và trong khi chưa có thước đo tốt hơn, chỉ số GDP vẫn phải được dùng. Vấn đề quan trọng là cách làm để đạt tăng trưởng GDP nhanh và hiệu quả.

Phù hợp tình hình hiện nay, trong trung hạn, Việt Nam có thể đổi phương thức huy động vốn cho đầu tư công thay vì việc đổi đất lấy hạ tầng như trước đây, khiến cho hoạt động không minh bạch, làm tăng nợ công. Việt Nam nên chấp nhận cho các địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng bằng trái phiếu công trình đảm bảo bằng quyền sử dụng đất, Nhà nước không bảo lãnh thì không gánh nợ công.

Tiến hành đấu thầu cạnh tranh, hạ tầng đầu tư xong thì giá trị càng cao và đấu giá đất thu tiền về để trả nợ trái phiếu. Như vậy vừa đầu tư cơ sở hạ tầng, không làm tăng nợ công mà vẫn đảm bảo minh bạch. Trong dài hạn, Việt Nam có thể nghĩ tới cải cách thuế, đặc biệt là thuế bất động sản để đầu tư hạ tầng tại địa phương, tăng cường hợp tác công tư (PPP) và cải cách thể chế để nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Ngày 6/7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2017 xuống 6,3%, từ mức dự báo 6,5% được đưa ra hồi tháng 5. Theo IMF, chương trình cải cách kinh tế của Chính phủ Việt Nam có thể làm gia tăng tiềm năng tăng trưởng và tăng khả năng thích ứng với những cú sốc, những rủi ro như nợ công cao, nợ xấu ngân hàng, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và sự rút lui của Mỹ khỏi Hiệp định TPP.

>FDI từ Trung Quốc: Tránh tình trạng làm đẹp GDP

>Giữ tăng trưởng 6,7%: Phải đẩy nhanh đổi mới thể chế kinh tế

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế Việt Nam và gánh nặng mục tiêu tăng trưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO