Kinh tế tư nhân – động lực tăng trưởng kinh tế

VŨ QUỐC TUẤN/DNSGCT| 08/05/2015 04:11

Phát triển kinh tế tư nhân chính là phát huy sức mạnh nội sinh của toàn dân tộc, để bảo đảm kinh tế đất nước phát triển bền vững và hội nhập quốc tế thành công.

Kinh tế tư nhân – động lực tăng trưởng kinh tế

Năm nay, chúng ta kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước, cũng là dịp rút ra bài học quan trọng về phát huy sức mạnh nội sinh của toàn dân tộc. Bàn về phát triển kinh tế tư nhân chính là quán triệt trong thực tế bài học này, để bảo đảm kinh tế đất nước phát triển bền vững và hội nhập quốc tế thành công.

Đọc E-paper

Xứng đáng là động lực tăng trưởng

Kinh tế tư nhân nước ta (bao gồm kinh tế cá thể và kinh tế tư bản tư nhân) hiện đang phủ khắp các miền đất nước với hàng triệu hộ nông dân, hàng triệu hộ cá thể kinh doanh các ngành nghề phi nông nghiệp và hàng chục vạn doanh nghiệp với tiềm năng vô cùng phong phú đã và đang có những đóng góp to lớn, rất quan trọng vào sự phát triển của đất nước trong thời gian qua.

Kinh tế tư nhân, nhất là kinh tế cá thể là nơi tạo việc làm rất đa dạng cho phần rất lớn người lao động (kể cả nông thôn và thành thị), nhất là nông thôn. Theo thống kê năm 2013, kinh tế ngoài nhà nước (chủ yếu là kinh tế tư nhân) sử dụng 86,4% tổng số lao động đang làm việc.

Những năm gần đây, khi kinh tế gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp ngưng sản xuất, công nhân không có việc làm, thì nông thôn là nơi thu nhận những lao động ấy, giải quyết việc làm cho họ.

Trong kinh tế tư nhân nước ta, lại có những làng nghề thủ công mỹ nghệ, không chỉ giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động ở nông thôn, mà quan trọng hơn nữa là đã lưu giữ những sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống đậm đà tinh hoa văn hóa dân tộc.

Trong kinh tế tư nhân, đang còn tiềm tàng nguồn lực rất to lớn và phong phú về tài năng, trí tuệ, vốn liếng và kiến thức kinh doanh, hiện đã đóng góp 43,2% GDP. Có thể nêu lên khá nhiều điển hình doanh nhân về tài năng kinh doanh thành đạt bằng óc sáng tạo, ý chí làm giàu với những sáng kiến có giá trị.

Đáng quý là lớp doanh nhân trẻ ở độ tuổi 30-40 giàu tâm huyết, có kiến thức bài bản đang nổi lên với nhiều triển vọng, là thế mạnh của chúng ta khi hội nhập quốc tế.

Xin được nhấn mạnh một điều rất có ý nghĩa là từ trong kinh tế tư nhân, sẽ xuất hiện tầng lớp trung lưu – một lớp người rất quan trọng trên con đường xây dựng đất nước giàu mạnh. Họ bỏ vốn đầu tư thành lập doanh nghiệp, tạo điều kiện cho nhiều người khác đi vào sản xuất, kinh doanh.

Nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ và vừa sẽ lớn lên; sản xuất càng sôi động, phong phú. Một xã hội khá giả sẽ bắt đầu từ tầng lớp trung lưu; và cũng từ đây, sẽ xuất hiện những doanh nghiệp tư nhân lớn với sức cạnh tranh cao, có tầm cỡ của nền kinh tế.

Từ những phân tích trên đây có thể khẳng định: kinh tế tư nhân xứng đáng là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Nếu so với các thành phần kinh tế khác, có thể thấy:

– Kinh tế nhà nước: năm 2013 chiếm trên 40,4% vốn đầu tư, khoảng 70% vốn tín dụng nhưng chỉ đóng góp khoảng 32,2% GDP (nếu tính riêng doanh nghiệp nhà nước thì chỉ khoảng 24%), hiệu quả kinh doanh thấp.

Doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa, với các chuyển đổi cơ bản (thoái vốn Nhà nước bán cho tư nhân; cấu trúc lại quản trị doanh nghiệp; kinh doanh theo cơ chế thị trường), sẽ không còn thực hiện được chức năng là “lực lượng vật chất quan trọng, là công cụ hỗ trợ để Nhà nước can thiệp thị trường, điều tiết nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện các mục tiêu xã hội…” để giữ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, như vẫn khẳng định lâu nay.

– Kinh tế tập thể: đang rất yếu kém, cả nước hiện có 19.800 hợp tác xã (trong đó có 10.339 hợp tác xã nông nghiệp) đang làm dịch vụ đầu vào và đầu ra cho các hộ kinh doanh cá thể nông nghiệp và phi nông nghiệp. Năm 2013, kinh tế tập thể chỉ đóng góp 5,05% GDP. Như vậy, kinh tế tập thể không thể là động lực của nền kinh tế.

– Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài: năm 2013 chiếm đến 47,2% giá trị sản xuất công nghiệp, 68% kim ngạch xuất khẩu (không kể dầu thô) và 22,0% vốn đầu tư toàn xã hội, song đương nhiên, không thể coi kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là động lực của nền kinh tế nước ta.

Như vậy, kinh tế tư nhân xứng đáng là động lực của nền kinh tế nước ta; sự khẳng định này đã có căn cứ thực tế và cũng là đòi hỏi cần thiết khi hội nhập quốc tế. Khi đất nước bước vào thời kỳ mới, cần đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là từ cuối năm nay, khi cộng đồng ASEAN hình thành và nhiều hiệp định thương mại có hiệu lực, rõ ràng là không thể không dựa vào kinh tế tư nhân.

Để phát triển mạnh kinh tế tư nhân

Để kinh tế tư nhân phát triển mạnh, xứng với vị trí động lực của nền kinh tế, xin kiến nghị một số giải pháp chủ yếu sau đây.

Trước hết, phải có đột phá tư duy về kinh tế tư nhân. Lâu nay, tuy trên văn bản, thường nói phát triển nền kinh tế nhiều thành phần và các doanh nghiệp bình đẳng trong kinh doanh, song trong thực tế, vẫn còn sự phân biệt đối xử; và khi kinh tế nhà nước được giữ vai trò chủ đạo với nhiều ưu ái về các nguồn lực, thì kinh tế tư nhân bị chèn ép là không tránh khỏi.

Đến nay, khẳng định vai trò động lực của kinh tế tư nhân là tư duy tin dân, dựa vào dân, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc vào công cuộc phát triển bền vững đất nước. Đồng thời, đây cũng là một nội dung cốt lõi để hội nhập quốc tế, vì một nền kinh tế thị trường hiện đại không thể dựa vào thành phần kinh tế nào khác, ngoài kinh tế tư nhân.

Tiếp theo, cần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Quan trọng nhất là tôn trọng các quy luật phổ quát của kinh tế thị trường, tiếp thu các giá trị của kinh tế thế giới, không nên cường điệu sự khác biệt của nước ta, dẫn đến chậm chạp trong phát triển và thua thiệt trong hội nhập.

Thể chế cần bảo đảm các quyền của kinh tế tư nhân: (i) quyền sở hữu tư nhân; (ii) quyền tự do kinh doanh trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm; (iii) quyền tự do cạnh tranh.

Trước mắt, cần thể chế hóa các quy định liên quan đến kinh tế tư nhân của Hiến pháp 2013. Tổ chức chặt chẽ việc soạn thảo, thẩm định và thông qua các văn bản quy phạm pháp luật, để các văn bản này sát với thực tế cuộc sống, được cộng đồng chấp nhận và thi hành nghiêm túc.

Thực hiện đúng chức năng của Nhà nước trong kinh tế thị trường, đó là chức năng kiến tạo phát triển, quan trọng nhất là tạo hành lang pháp lý, môi trường kinh doanh thuận lợi cho kinh tế tư nhân. Cần giảm mạnh đầu tư bằng vốn ngân sách; đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp tư nhân – mà thực chất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận vốn, đất đai, các dự án phù hợp, trong việc phát triển công nghiệp phụ trợ; trong ứng dụng khoa học, công nghệ. Nhà nước chuyển giao dần một số dịch vụ công cho doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức xã hội thực hiện.

Triển khai một cách thực chất cuộc cải cách hành chính. Thực hiện đúng những quy định về danh mục ngành nghề cấm kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện trong Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi).

Xóa bỏ sớm những quy định (nhất là những thông tư, văn bản chỉ đạo cá biệt) cùng với những nhũng nhiễu, vòi vĩnh phổ biến đang làm tốn thêm thời gian, tăng thêm chi phí của doanh nghiệp tư nhân.

Thực hiện quy định mới đây của Chính phủ: năm 2015, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của nước ta (thời gian nộp thuế, thời gian thông quan hàng xuất, nhập khẩu, v.v…) phải đạt và vượt mức trung bình của các nước ASEAN-6; và năm 2016, đạt mức trung bình của các nước ASEAN 4.

Phát huy tính chủ động của các doanh nghiệp tư nhân. Cùng với sự trợ giúp của Nhà nước về thể chế, chính sách, các doanh nghiệp tư nhân cần chủ động hơn nữa trong thực hiện các giải pháp, tập trung vào nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, như: cơ cấu lại sản phẩm, hàng hóa; mở rộng thị trường; tăng sức cạnh tranh của sản phẩm bằng những giải pháp về khoa học, công nghệ, bằng việc tổ chức lại sản xuất, thực hiện liên doanh, liên kết. Đặc biệt coi trọng nâng cao tay nghề của người lao động trong doanh nghiệp cũng như kỹ năng quản trị của chủ doanh nghiệp.

Tôn trọng và phát huy vai trò của các tổ chức xã hội. Nhà nước cần sớm ban hành Luật về Hội và các quy định cụ thể tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội đóng góp nhiều hơn nữa trong việc cải cách hệ thống thể chế cũng như trong việc nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.

Nhà nước nên chuyển giao cho các tổ chức xã hội thực hiện những dịch vụ công, như dạy nghề, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, phổ biến kiến thức về luật pháp, bảo vệ sức khỏe, v.v…

Nhà nước tôn trọng và lắng nghe những ý kiến xây dựng của các tổ chức xã hội góp vào việc soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật, làm cho văn bản sát với đời sống, cũng như trong cải cách hành chính, góp phần xây dựng bộ máy hành chính trong sạch, có hiệu quả.

Tóm lại, khẳng định vai trò động lực của kinh tế tư nhân, phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân chính là phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, động viên mọi tiềm năng tinh thần và vật chất của dân, để bảo đảm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, có năng lực cạnh tranh cao, đồng thời cũng là một yêu cầu trong hội nhập quốc tế. Đây chính là kỷ niệm Đại thắng Mùa Xuân 1975 một cách thiết thực: vận dụng bài học về phát huy sức mạnh nội sinh của dân tộc vào công cuộc xây dựng đất nước ngày nay.

>Gửi niềm tin vào kinh tế tư nhân
>Ảm đạm kinh tế tư nhân
>
Xác lập lại vai trò kinh tế tư nhân
>Kinh tế tư nhân chưa rõ nét trong khung chính sách
>
Kinh tế tư nhân chờ đợi gì?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế tư nhân – động lực tăng trưởng kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO