"Kinh tế sẽ rơi vào giảm phát nếu vẫn còn trì trệ thế này"

26/07/2012 00:44

Nền kinh tế chưa rơi vào giảm phát nếu lạm phát cả năm khoảng 6-7% như tính toán, ngược lại nguy cơ này sẽ xảy ra nếu sản xuất tiếp tục đình đốn và nợ xấu chưa được giải quyết, theo TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TW (CIEM).

Nền kinh tế chưa rơi vào giảm phát nếu lạm phát cả năm khoảng 6-7% như tính toán, ngược lại nguy cơ này sẽ xảy ra nếu sản xuất tiếp tục đình đốn và nợ xấu chưa được giải quyết, theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TW (CIEM).

* Ông nhìn nhận thế nào về nguy cơ giảm phát khi mà chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vừa có 2 tháng giảm liên tiếp?

Tiến sĩ Võ Trí Thành cho rằng cần xử lý quyết liệt hơn với vấn đề nợ xấu để khơi thông nguồn vốn và thúc đẩy sản xuất

- Cần phân biệt khái niệm giảm phát và thiểu phát. Giảm phát có nghĩa là lạm phát âm còn thiểu phát là lạm phát dương nhưng ở mức rất thấp. Nếu nhìn góc độ tháng, như tháng 6, tháng 7 vừa qua là giảm phát.

Tuy nhiên, thông thường, giảm phát là tình trạng mà sự suy giảm của giá cả kéo dài từ 4, 5 tháng hoặc lan sang hai quý liền.

Như vậy, nếu nhìn xa hơn một chút theo tôi, năm nay kinh tế Việt Nam chưa rơi vào giảm phát. Vì các dự báo đều cho rằng lạm phát cả năm nay rơi vào 6%-7%. Mà 6%-7% còn chưa rơi vào thiểu phát chứ chưa nói đến giảm phát. Nhưng phải nói là nguy cơ giảm phát không phải không có.

* Vậy theo ông kịch bản giảm phát sẽ diễn ra khi nào?

- Cũng đang có những dấu hiệu cho thấy nguy cơ giảm phát đối với nền kinh tế. Điều này xảy ra nếu sản xuất kinh doanh vẫn tiếp tục trì trệ như hiện nay và chưa kể lại đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục xấu.

Chính vì vậy chúng ta phải cố gắng hết sức với biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.

* Cá nhân ông đánh giá các giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ đã đủ liều chưa?

- Đủ liều hay chưa thì nó gắn với tư tưởng mà chúng ta muốn làm. Cách làm hiện nay là hỗ trợ doanh nghiệp dần dần thông qua gói cứu trợ 29.000 tỷ, mở rộng giải ngân đầu tư công, can thiệp bằng chính sách tiền tệ kéo tín dụng tăng trở lại…

Để đánh giá liều lượng, cần xem những biện pháp này đã được thực hiện quyết liệt hay chưa. Theo tôi vẫn cần phải làm mạnh hơn mặc dù phải lưu ý làm sao để không rơi vào vòng xoáy cứ hết tăng trưởng lại bất ổn kinh tế vĩ mô liên tiếp.

Nếu nói đủ liều cũng cần phải xét khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Trên thực tế, nếu làm tốt thì nền kinh tế sẽ đi lên dần dần.

* Vậy ông nhìn nhận khả năng hấp thụ của nền kinh tế sẽ thế nào? Riêng các doanh nghiệp, bao lâu nữa thì các giải pháp trên “ngấm” đến họ và giải quyết được vấn đề?

- Tôi cho rằng có thể mọi việc sẽ trở nên rõ ràng hơn trong tháng 8 với điều kiện các biện pháp, trong đó có vấn đề xử lý nợ xấu được làm quyết liệt hơn.

Tuy nhiên, về khả năng hấp thụ của doanh nghiệp, thực tế là hiện nay có nhiều đánh giá và thống kê khá trái chiều và gây hoài nghi lẫn lộn. Ví dụ như về tín dụng, báo cáo cho biết tín dụng tại Hà Nội tháng 7 tăng trưởng trên 2%, TP HCM tăng 0,5%.

Nhưng lại có thống kê cho biết 7 tháng tăng trưởng tín dụng vẫn "zero". Tương tự, các chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm cho biết chỉ số tồn kho giảm nhưng chỉ số PMI của HSBC thì lại cho hay tình trạng tồn kho bắt đầu trở nên xấu hơn từ tháng 3 đến tháng 6...

* Dòng tín dụng hiện nay vẫn bị ùn tắc rất lớn và chưa đến được với doanh nghiệp sản xuất. Theo ông nên làm thế nào để khơi thông dòng vốn, cứu được doanh nghiệp, cứu được nền sản xuất?

- Có 2 biện pháp hết sức quan trọng, một là xử lý nợ xấu, hai là bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mặc dù việc xử lý nợ xấu không phải ngày một ngày hai nhưng nếu có lộ trình rõ ràng và làm quyết liệt thì nó sẽ góp phần khơi thông nguồn vốn.

Về bảo lãnh tín dụng, tôi thấy Ngân hàng Nhà nước gần đây cũng đã có những biện pháp mang tính tạo động lực để các ngân hàng giúp đỡ doanh nghiệp như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, áp dụng lãi suất tái cấp vốn ưu đãi nhất định với một số ngân hàng đứng ra cho vay lãi suất thấp...

Nhưng một vấn đề nữa quan trọng là phải cải thiện niềm tin thị trường. Lượng tiền bây giờ không phải nhỏ, tổng tín dụng toàn nền kinh tế cũng khoảng 2,5 triệu tỷ đồng. Như vậy, nếu lòng tin quay trở lại thì dòng tiền sẽ quay mạnh hơn, tính phòng thủ của các đồng tiền sẽ giảm đi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Kinh tế sẽ rơi vào giảm phát nếu vẫn còn trì trệ thế này"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO