Kinh nghiệm tránh “bẫy thu nhập trung bình"

HẢI VÂN| 22/04/2014 06:37

Việt Nam chưa rơi vào “bẫy thu nhập trung bình", nhưng cảnh báo nguy cơ này là cần thiết, trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm trong những năm gần đây.

Kinh nghiệm tránh “bẫy thu nhập trung bình

Việt Nam chưa rơi vào “bẫy thu nhập trung bình", nhưng cảnh báo nguy cơ này là cần thiết, trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm trong những năm gần đây.

Việt Nam đứng trước nguy cơ sập "bẫy"

Trong số 124 nền kinh tế trên toàn cầu được Ngân hàng Thế giới đánh giá từ năm 1950 đến năm 2010 thì có 52 nền kinh tế ở mức thu nhập trung bình (phân loại GDP theo ngang giá sức mua –PPP). Trong nhóm này có đến 35 nền kinh tế rơi vào bẫy thu nhập trung bình (tức là có trên 42 năm nằm trong mức thu nhập trung bình).

Trong 35 nền kinh tế đã rơi vào bẫy, có 30 nước rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp (2.000-7.250 USD-PPP - giá năm 1990), tức là có đến 28 năm ở trong mức trung bình thấp.

Theo cách đánh giá trên, Việt Nam có vẻ như chưa rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp do mới bước vào mức này từ năm 2008. Tuy nhiên, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển và cảnh báo: “Việt Nam còn nhiều năm để tránh bẫy, nhưng nếu không kịp thời triển khai đồng bộ các giải pháp, việc vượt qua sẽ rất khó khăn”.

Nhiều quốc gia đã không vượt qua được bẫy thu nhập trung bình cả ở mức thấp và mức cao. Trong 52 nền kinh tế nêu trên, chỉ có 13 nước vượt qua được mức thu nhập trung bình để trở thành nền kinh tế có thu nhập cao trên 11.750 USD-PPP (tức là có dưới 14 năm ở trong mức trung bình cao từ 7250-11.750 USD-PPP).

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hiện nay, việc cảnh báo nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là cần thiết, đặc biệt là khi nhìn vào mức tăng trưởng chậm của nền kinh tế những năm gần đây.

TS Lưu Bích Hồ cho rằng, Việt Nam trước hết phải tránh bẫy thu nhập trung bình thấp, tạo tiền đề và điều kiện cơ bản cho bước tiếp theo vượt qua mức thu nhập trung bình cao.

Học cách vượt “bẫy”

Trong nhóm nước vượt qua được mức thu nhập trung bình trở thành nước/nền kinh tế có thu nhập cao, đáng quan tâm có Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan. Chỉ trong khoảng ba bốn thập kỷ, từ trình độ rất thấp như Việt Nam sau chiến tranh, các nước này đã có bước tiến ngoạn mục.

TS. Lưu Bích Hồ nhận xét: “Thể chế kinh tế tiến bộ, hiện đại, đi theo kinh tế thị trường hướng dần sang tự do hóa, mở cửa, là những kinh nghiệm chung và quan trọng nhất của các quốc gia, vùng lãnh thổ này”.

Các nền kinh tế này dựa chủ yếu vào khu vực tư nhân hoặc chuyển mạnh từ khu vực nhà nước sang khu vực tư nhân (Hàn Quốc, Singapore) hoặc khi khu vực nhà nước còn mạnh thì tình trạng độc quyền cũng được kiểm soát tốt. Hàn Quốc có thời kỳ dùng các tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước như những “quả đấm thép”, nhưng rồi cũng chuyển các tập đoàn đó cho khu vực tư nhân.

Các nền kinh tế này áp dụng mô hình “hướng về xuất khẩu” khá thành công trong điều kiện thị trường thế giới chưa tự do hóa mạnh, phát huy được lợi thế ban đầu là nguồn lao động giá rẻ và nhập khẩu công nghệ mới..

Các quốc gia, vùng lãnh thổ này đều “vận dụng, phát huy rất tốt yếu tố khoa học công nghệ”, TS. Hồ nhận xét, từ nhập khẩu công nghệ của Mỹ, Nhật Bản, Tây Âu, tới việc tự nghiên cứu và sáng tạo thành công do có chính sách đặc biệt đối với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển khoa học công nghệ.

Các quốc gia, vùng lãnh thổ này đã vươn lên đứng hàng đầu thế giới về phát triển kinh tế tri thức với 4 trụ cột là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; giáo dục nguồn nhân lực chất lượng cao; công nghệ thông tin – truyền thông; môi trường kinh doanh và thể chế.

Vốn đầu tư ban đầu có một phần quan trọng dựa vào bên ngoài, chủ yếu là Hoa Kỳ, Nhật Bản, cả ODA và FDI, cùng với huy động rất mạnh nguồn trong nước, kể cả của nhà nước và khu vực tư nhân với tỷ lệ tích lũy cao (40 - 50%), đồng thời sử dụng có hiệu quả cao nguồn vốn (ICOR không cao và giảm dần từ 3-4 xuống 2-3).

Trong quá trình triển khai công nghiệp hóa, các nước đều chú trọng chọn lựa một số “trọng điểm” trong từng thời kỳ để tập trung phát triển, như Hàn Quốc, Đài Loan mỗi thời kỳ 5-7-10 năm đều chọn một số ngành/chương trình trọng điểm, mũi nhọn (từ 5-10 ngành/sản phẩm) để đột phá tạo sức bật mới và chuyển đổi, nâng cấp cơ cấu kinh tế.

Đặc biệt, Đài Loan do khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm ưu thế nên việc phân bố tài sản có phần hài hòa hơn, hạn chế được chênh lệch giàu nghèo. Vấn đề môi trường cũng đã được chú ý trong quá trình công nghiệp hóa mà Singapore là một điển hình sáng.

Một điểm quan trọng là tuy quản lý kinh tế có sử dụng kế hoạch nhưng chủ yếu vẫn là sử dụng “công cụ chính sách” để định hướng, khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy đi đôi với giám sát chặt và giải quyết kịp thời các vấn đề vướng mắc nảy sinh của doanh nghiệp, thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh nghiệm tránh “bẫy thu nhập trung bình"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO