Không thể sống chung với sai lầm

THIÊN THANH| 31/10/2012 05:21

Sông Tranh, với vài chục nghìn cư dân sống ở quanh khu vực có đập thủy điện, bỗng dưng được cả nước quan tâm chia sẻ khi mặt đất rung lắc giận dữ và con người thì run sợ!

Không thể sống chung với sai lầm

Sông Tranh, với vài chục nghìn cư dân sống ở quanh khu vực có đập thủy điện, bỗng dưng được cả nước quan tâm chia sẻ khi mặt đất rung lắc giận dữ và con người thì run sợ!

Đọc E-paper

Sông Tranh, với vài chục nghìn cư dân sống ở quanh khu vực có đập thủy điện, bỗng dưng được cả nước quan tâm chia sẻ khi mặt đất rung lắc giận dữ và con người thì run sợ! Tuần nào cũng động đất, đêm nào cũng nơm nớp lo sợ.

Không thể hiểu vì sao dưới những bức tường nứt toác ấy, người dân Sông Tranh vẫn chui ra chui vào mái nhà, vẫn ăn ngủ và xem tivi cùng nỗi hồi hộp sợ động đất.

Phải đến tận nơi, nhìn vào những bức tường nứt toác ấy, nhìn lên cái đập bê tông vĩ đại nhưng rỉ nước vì chất lượng kém đang chắn áp lực 600 triệu mét khối nước kia, để biết thêm, đằng sau nó là những câu chuyện về sự cóp nhặt thiếu trách nhiệm trong nghiên cứu địa chất, về những phát ngôn đòi dân phải hy sinh cho thủy điện của các vị chức sắc ngành điện lực.

Không biết phải hiểu thế nào khi đại biểu Quốc hội đặt lên bàn nghị sự thực tế: Thủ tướng chỉ đạo ngừng tích nước hồ chứa Sông Tranh để nghiên cứu động đất, nhưng hiện nay mực nước đang ở mức 160m, trên mực nước chết 140m, nghĩa là người ta vẫn cố tình tích nước, nghĩa là trên đã "lệnh" rõ ràng mà dưới vẫn âm thầm "không nghe" để tiếp tục sản xuất điện và kinh doanh kiếm lời, mỗi ngày thu vào vài tỷ đồng.

Nhà dân đã nứt vì động đất, nhưng đến nay vẫn chưa có phương án nào khả thi giúp dân ổn định cuộc sống, sửa chữa nhà cửa hoặc di dời đi nơi khác.

Thủy điện Sông Tranh 2 có lý lịch xấu. Đầu năm 2012, vừa đi vào hoạt động mấy tháng, thân đập đã rò rỉ nước. Vấn đề của Sông Tranh hiện nay là nó không có thiết kế cửa xả đáy, nên nguồn nước từ núi đổ về đương nhiên vẫn tích ở mực nước chết 140m, và mối nguy hiểm vẫn luôn rình rập.

Nếu không nguy hiểm thì Thủ tướng đã không cấm tích nước. Sự mâu thuẫn này biểu hiện cơ quan tham mưu cho Thủ tướng "cấm tích nước" cũng quan liêu với thiết kế của công trình này.

Nhiều ngày đến hiện trường, lắng nghe các cuộc thảo luận về sự an nguy của đập Sông Tranh 2, nhìn cuộc sống của những người dân vùng núi, không khỏi nghĩ về hình ảnh "dân hạng hai, khu vực kinh tế hạng hai".

Nếu túi nước Sông Tranh 2 làm mặt đất rung lắc suốt tháng qua có vị trí áp sát các thành phố lớn, thì có lẽ các ngành, các cấp đã không dám chần chừ, mà phải quyết định bức tử nó.

Bởi động đất thì học ứng phó được, chứ quả bom nước 600 triệu mét khối trên cao kia vỡ ra thì ứng phó thế nào? Có phải vì tiếc mấy nghìn tỷ đồng đầu tư mà không dám "bức tử" thủy điện Sông Tranh 2?

Đó là một lý do. Còn vấn đề nếu "bức tử" công trình này, thì tiếp theo sẽ là vấn đề phải đặt ra trách nhiệm của cơ quan phê duyệt đầu tư dự án đã sai lầm dẫn đến thiệt hại lớn.

Chính vì vậy mà các quan chức ngành thủy điện quyết liệt bảo vệ Sông Tranh 2, dù các nhà khoa học đã chỉ đích danh lý do động đất kích thích là vì tích nước trong hồ.

Chuyện thủy điện Sông Tranh 2 cũng nóng như món "nợ xấu" của ngành ngân hàng. Sự giấu giếm "nợ xấu" được các nhà kinh tế phân tích mức độ nguy hiểm như ung thư giai đoạn cuối, tác hại vô cùng to lớn đến sự hoạt động của hệ thống doanh nghiệp.

Thế nhưng, nợ xấu bị gọi tên đích danh gần một năm qua vẫn có thể nép một nửa trong bóng tối để che giấu sai lầm của hệ thống ngân hàng, hoặc của những cá nhân cụ thể.

Và còn nhiều vụ việc nhức nhối xảy ra từ hậu quả các ngành, các cấp không thực hiện nghiêm túc chỉ đạo từ trên xuống, vẫn ngành nào bảo vệ quyền lợi riêng của ngành ấy, không quan tâm đến sự bền vững chung của đại cục.

Lại nói đến chuyện giá xăng dầu, giá điện vốn ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, đến đời sống nhân dân và tác động trực tiếp đến lạm phát, thế nhưng chỉ mỗi việc tính toán để khẳng định với giá điện, giá xăng dầu như hiện nay thì doanh nghiệp kinh doanh hai mặt hàng này đang lỗ hay lãi, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương cũng không thống nhất được quan điểm tính toán để minh bạch giá bán trước dư luận.

Sống chung với sai lầm, thỏa hiệp với sai lầm rõ ràng đang diễn ra ở khắp nơi. Tình trạng này kéo dài trầm trọng bởi không có giải pháp để kiểm soát "quyền lực" của từng ngành, từng cấp, từng cá nhân cán bộ quản lý.

Thời gian này, sau Hội nghị Trung ương 6 và trên diễn đàn Quốc hội, người dân đã được nghe những lời "xin lỗi" của các vị lãnh đạo Đảng và Chính phủ thừa nhận những sai lầm, yếu kém trong điều hành kinh tế vĩ mô, làm giảm sút lòng tin của nhân dân. Tuy nhiên, tình hình kinh tế, xã hội đã ở vào mức phải cấp bách giải quyết.

Tất cả các chính sách bây giờ phải ưu tiên giúp dân, từ giúp người dân "thấp cổ bé họng" sống nơi rừng núi có thủy điện Sông Tranh 2 ra khỏi tình trạng "sống trong sợ hãi" trước nguy cơ động đất kích thích vì tích nước trong hồ thủy điện đến giúp các doanh nghiệp đang lâm nguy mang theo gánh nặng đời sống bấp bênh của hàng triệu công nhân, giúp những gia đình thoát khỏi viễn cảnh ngặt nghèo vì thêm gánh nặng tăng giá xăng, giá điện, viện phí...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Không thể sống chung với sai lầm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO