Khởi đầu từ nền tảng giáo dục

HỒNG BÍCH| 23/09/2018 06:00

Chương trình giáo dục phổ thông đã và đang là đề tài tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn, mạng xã hội nhân bộ sách giáo khoa Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục 1 được đưa vào sử dụng đại trà.

Khởi đầu từ nền tảng giáo dục

Những ý kiến chỉ trích lẫn ủng hộ đua nhau "lên sóng", nhưng tất cả chỉ làm hiện rõ thực tế là chúng ta đang khao khát hướng đến một nền giáo dục mà ở đó con người được tiếp thu những phương pháp giáo dục tiến bộ, khoa học và quan trọng là đào tạo ra các thế hệ có đủ tự tin và năng lực để đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội lẫn hòa nhập với thế giới bên ngoài.

Song, những cuộc tranh luận nảy lửa cũng làm lộ rõ thực tại dường như đa phần người Việt có xu hướng thích chỉ trích, a dua theo tâm lý đám đông mà thiếu sự phân tích, nghiên cứu, đóng góp trên tinh thần xây dựng. Tôi bỗng nghĩ về phẩm chất con người, tính dân tộc ở từng quốc gia.

Truyền thông mới đây phanh phui một chuyện không hề mới: các thương nhân mua khoai tây và nhiều nông sản từ Trung Quốc đưa về Đà Lạt, "tẩm" đất cao nguyên, đóng gói, dán nhãn nông sản sạch để đem bán kiếm lời. Việc trái cây ngoại nhập "đội lốt" hàng

Việt diễn ra nhan nhản ở nhiều địa phương. Tại sao vậy? Chúng ta thiếu đội ngũ theo đuổi những dự án nông nghiệp sạch đủ lớn, đủ tiêu chuẩn để người tiêu dùng có thể tiếp cận nông sản được bán với giá rẻ. Sản phẩm sạch thường đi đôi với khái niệm đắt, "tiền nào của nấy".

Tuy nhiên, để theo đuổi những dự án như thế, những người đi tiên phong ấy không chỉ được đào tạo một cách bài bản mà còn phải có phẩm chất kiên nhẫn, óc sáng tạo, niềm đam mê vô bờ bến, thậm chí khi đối diện với thất bại, họ vẫn đủ dũng cảm để dấn thân.

Những phẩm chất này, theo tôi, ngày càng hiếm trong giới trẻ, nhiều người, thậm chí cả chủ doanh nghiệp lớn lại chuộng cách qua nước láng giềng "đánh hàng" về, tráo nhãn mác, xuất xứ để kiếm lời nhanh nhất, dễ nhất. Ngay trong các nhà sách hiện nay, điều dễ nhận thấy là sách dạy làm giàu gần như chiếm toàn bộ "mặt tiền" các quầy, kệ, lấn lướt sách dạy làm người.

Nhưng đó là xu hướng vì gần đây các khóa dạy làm giàu, đầu tư siêu lợi nhuận nở rộ trên cả nước dù đã có không ít lời cảnh báo về những hành vi lừa đảo nhưng biết bao người vẫn "nhắm mắt đưa chân", lao vào với mong muốn kiếm lợi nhanh.

Một bộ phận người dân đang theo đuổi giấc mơ làm giàu, không dựa trên bất kỳ chuẩn mực, phẩm chất nào. Đó là điều rất đáng lo cho sự phát triển của dân tộc. Đã có nhiều quốc gia trên thế giới dù trải qua chiến tranh, chịu hậu quả liên tiếp của thiên tai nhưng tinh thần dân tộc là động lực để người dân học hành, làm việc một cách chăm chỉ, tái thiết đất nước. Nhật Bản sau thất bại trong thế chiến thứ hai, nay vươn lên thành cường quốc kinh tế của thế giới.

Người Nhật dạy con cháu, thế hệ trẻ rằng nước Nhật không được thiên nhiên ưu đãi, không có tài nguyên nên muốn giàu mạnh, tự bản thân mỗi công dân phải nỗ lực học hỏi, làm việc chăm chỉ. Tôi vẫn nhớ câu chuyện họ phát triển dòng sản phẩm tơ lụa "made in Japan", đã cho thấy cá tính của người Nhật.

Trong cơn khốn khó của ngành sản xuất tơ lụa truyền thống, các doanh nghiệp Nhật đã thể hiện tinh thần đoàn kết, bàn bạc và thống nhất cùng đầu tư cho các loại tơ tằm thiên nhiên sản xuất tại Nhật, từ nguyên liệu, giống dâu tằm đến phương pháp nuôi trồng và sản xuất đại trà.

Các viện nghiên cứu nông nghiệp nhận đơn đặt hàng cải tạo giống tằm để đạt chất lượng cao, giống dâu mới với biện pháp canh tác đảm bảo không làm ảnh hưởng tới môi trường, loại bỏ hoàn toàn chất hóa học trong quy trình sản xuất. Hơn một trăm chủ doanh nghiệp có thể đoàn kết làm một dòng sản phẩm mang thương hiệu "nội địa" thật hiếm. Đối chiếu câu chuyện làm tơ lụa của người Nhật với việc làm giả khoai tây Đà Lạt của các thương lái nói trên, chúng ta còn có thể nói gì về hai từ "phẩm chất"?

Người Đức có nhiều phẩm chất khiến thế giới ngưỡng mộ, họ nghiêm túc, cẩn thận, tỉ mỉ và khắt khe trong công việc. Dù là lao động chân tay hay lao động trí óc, người Đức đều tôn trọng kỷ luật, đúng giờ, làm việc có trách nhiệm, có tinh thần cầu tiến, khát khao đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất công việc. Hàng hóa được sản xuất ở Đức luôn tạo được sự tin tưởng nơi người tiêu dùng.

Chúng ta cũng nên thôi "nói cho nhau nghe" người Việt chăm chỉ, sáng tạo. Như người Đức chỉ làm việc có 35 giờ/tuần nhưng chất lượng công việc cao nhờ tính kỷ luật và óc sáng tạo. Hãy đề ra những tiêu chuẩn thật của con người chăm chỉ, kỷ luật, sáng tạo ngay trong mục tiêu giáo dục, đó mới là điều cần thiết! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khởi đầu từ nền tảng giáo dục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO