Khi truyền thông vào tận vườn ổi

KIỀU ANH| 25/07/2015 01:44

Người nông dân đã tận dụng sự nhảm nhí của truyền thông để bước vào mơ ước cao sang, khoác lên mình sự "long lanh" của một ông chủ. Chỉ thế thôi, không cần tài năng, cũng không cần kiến thức...

Khi truyền thông vào tận vườn ổi

Đầu đội mũ cối bạc màu, vai vác cuốc đi ra vườn ổi xới đất, đó là người làm vườn chăm chỉ. Tai đeo khuyên, tóc vuốt keo dựng ngược lên trời, áo vest na ná chân dung một anh giám đốc chuỗi nhà hàng bán bún chả hoặc công ty giải trí. Cả hai là một, ấy là Lệ Rơi!

Đọc E-paper

Tại sao Lệ Rơi lại nhanh chóng thay đổi để gia nhập vào việc kinh doanh giữa một thành phố sôi động như Sài Gòn? Nếu việc tận dụng sự nổi tiếng của anh nông dân Nguyễn Đức Hậu để làm một giao tiếp hình ảnh đến công chúng với hy vọng tập hợp khách hàng, coi như là thành công. "Lệ Rơi mở nhà hàng..." đã hiện diện trên các tờ báo điện tử.

Triệu người đọc báo thì triệu người biết được hành vi của Lệ Rơi gắn với cái nhà hàng ấy. Nhưng, sự bất ổn trong cách tiếp thị một nhà hàng cũng đã xuất hiện từ đây.

Không nói gì đến việc sở hữu bí quyết làm bún chả (vốn là đặc sản mang tính gia truyền của người Hà Nội) nhưng ở dịp khai trương đã lộ chiêu chơi trội nông cạn bằng chữ, như: "Đạp cửa xông vào...", "Khùng là thiên hạ nó đồn...". Thực khách có thể vì tò mò mà bước vào quán, vì đói mà gọi bún chả. Nhưng, thực khách khó mà ghi nhận một cách tiếp thị không có văn hóa của chủ nhân.

Ở Hà Nội, có một quán ốc trong ngõ nhỏ, ông chủ thường hay ngồi nhẩn nha kéo violin cho khách nghe. Ông không cố làm cho khách biết ông chơi nhạc. Ông chỉ thích được khách công nhận ốc của quán rất sạch ở khâu chế biến, ngon ở bát nước chấm. Khách tìm đến quán của ông thêm một vài lần là thành nghiện luôn.

Hai vợ chồng ông bán ốc bao nhiêu năm, khách rỉ tai nhau tìm đến quán. Và ông nói: "Chơi mấy bài nhạc không phải là kéo khách về ăn ốc. Mà tất cả là ở bàn tay của vợ tôi!". Thế quán ốc ấy mới râm ran có tiếng trong giới văn phòng, sinh viên Hà Nội theo cách hữu xạ tự nhiên hương.

Bún chả không thiếu ở hè phố. Bún chả không mới với những ai từng tích góp ý tưởng kinh doanh. Điều cần thiết vẫn là bí quyết ẩm thực. Gốc của đồng tiền kiếm được phải là ở bí quyết ẩm thực của người bán. Chẳng ai nghiện một món ăn bình dân nếu món ấy không ngon. Cũng chẳng ai nghiện một quán hàng chỉ vì mấy câu chào khách khác người.

Mơ ước đổi đời từ kinh doanh là một mơ ước đẹp. Lệ Rơi đã đi từ vườn ổi quê nhà ra thị thành rộng lớn để mở nhà hàng, công ty giải trí chắc không phải chuyện viển vông.

Người nông dân đã tận dụng sự nhảm nhí của truyền thông để bước vào mơ ước cao sang, khoác lên mình sự "long lanh" của một ông chủ. Chỉ thế thôi, không cần tài năng, không cần kiến thức, chẳng cần kinh nghiệm trong lĩnh vực mà người nông dân tham gia.

Truyền thông đã tiếp sức cho một hiện tượng lạ. "Cộng đồng mạng và mọi người đẩy tôi đến thế này chứ tôi cũng chẳng muốn", Lệ Rơi chia sẻ trên một tờ báo. Truyền thông đã đưa nhân vật chính của hiện tượng đi từ bờ ruộng đến sự hào nhoáng của danh tiếng, tiền bạc.

Và biết đâu, truyền thông cũng không kiểm soát được việc tạo ra bi kịch của sự hào nhoáng ấy, cũng như không kiểm soát được bi kịch của một bi kịch cậu bé Hào Anh năm nào.

>Văn hóa Google

>Con cua trong giỏ

>Đừng bóp méo cuộc sống!

>Đám đông nào cũng… có vấn đề

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khi truyền thông vào tận vườn ổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO