Kết nối và say mê

TS. VÕ TRÍ THÀNH - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương| 11/10/2011 00:09

Mười năm tới, lãnh đạo Việt Nam sẽ là một thế hệ hoàn toàn mới. Một thế hệ sinh ra trong chiến tranh nhưng không trực tiếp tham gia chiến tranh và hưởng thụ hoàn toàn nền kinh tế mở.

Kết nối và say mê

Mười năm tới, lãnh đạo Việt Nam sẽ là một thế hệ hoàn toàn mới. Một thế hệ sinh ra trong chiến tranh nhưng không trực tiếp tham gia chiến tranh và hưởng thụ hoàn toàn nền kinh tế mở.

Từ 1970 đến nay, tư duy phát triển, quản lý kinh tế của Việt Nam đã thay đổi, bắt nguồn từ những thời điểm khủng hoảng và khó khăn nhất: thử thách từ biên giới phía Bắc (1979), cấm vận bao vây toàn diện (1979-1989), khối Liên Xô - Đông Âu tan rã (1989-1992) và khủng hoảng kinh tế châu Á (1997).

 Đây cũng là giai đoạn đặt hai mốc quan trọng là Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) ký năm 2000 và Luật Doanh nghiệp ra đời năm 2005.

Thế hệ doanh nhân đầu tiên của thời kỳ đổi mới ra đời vào những năm 1980. Đó là một thế hệ được đào tạo bài bản, dù môn học không phải kinh tế, kinh doanh. Một thế hệ doanh nhân lãng mạn, cái lãng mạn có được từ gian khổ song đã biết kết hợp lãng mạn và thực dụng.

Ngay khi đất nước chuyển sang kinh tế thị trường và mở cửa, họ đã chọn được một khoảng trống để lấp.

Nhiều người trở thành đại gia, nhưng cũng không ít người ban đầu phát đạt, có thể đặt lên bàn hàng triệu USD tiền mặt nhưng sau lại “về không”, thậm chí, nhiều người còn vào tù vì kinh doanh. Không phải những doanh nhân này không tài, không giỏi, mà do họ không vượt qua được thể chế của quá trình cải cách đất nước đau đớn và khó khăn.

Bây giờ, chúng ta dùng chữ kinh tế thị trường rất đơn giản nhưng thời điểm trước 1989, cụm từ ấy được dùng một cách mong manh, chỉ sau những năm 1990 mới được dùng thoải mái. Khi cải cách, đầu tiên ta dùng nền kinh tế sản xuất hàng hóa nhiều thành phần, đến những năm 1990 là kinh tế định hướng thị trường có sự quản lý của Nhà nước và bây giờ thì phải nói là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nhưng có một điều kỳ lạ. Hành vi của người Việt là rất thị trường, nhưng cách nói về giá trị lại hơi coi thường và chưa thấy được hết giá trị của nó. Người Việt nói: “Phi thương bất phú”, chữ phú ở đây có vẻ không tôn trọng lắm, hay khi nhìn kinh doanh chỉ là sản xuất vật chất: “Có thực mới vực được đạo”.

Câu chuyện này kéo dài đến tận bây giờ, khi ta coi bất động sản là phi sản xuất, trong khi lẽ ra phải nói: bất động sản vẫn là một ngành sản xuất, kinh doanh nhưng rủi ro rất cao, nên Nhà nước vẫn phải có giám sát đặc biệt.

Chúng ta đang sống trong thời đại có nhiều cuộc khủng hoảng, thời đại mà thế giới thay đổi về chất và có ba cái mất cân đối lớn. Thứ nhất, giữa thế giới ảo, thế giới tài chính và thế giới thực. Thứ hai, thâm hụt thương mại giữa châu Âu và Đông Á. Thứ ba, tăng trưởng của một số nước quá mức tiềm năng trong khi nhiều nước lại phát triển dưới mức tiềm năng.

Không nói đây là cơ hội nhưng các doanh nhân trẻ không cần phải chờ khủng hoảng mới có những đột phá về cải cách hay khởi sự doanh nghiệp. So với thời kỳ đổi mới, khoảng trống ít đi nhưng Việt Nam vẫn là “một miền đất hoang dã”. Điều đó có nghĩa, vẫn còn rất nhiều cơ hội để các doanh nhân trẻ lựa chọn.

Xã hội nào cũng vậy, tầng lớp trung lưu ảnh hưởng rất lớn đến quá trình chính sách, quá trình cải cách, quá trình đầu tư và tiêu dùng. Một trong những mục tiêu cao nhất của doanh nhân là lợi nhuận. Vì vậy, lo lắng về những tác động tiêu cực của thể chế đến đời sống kinh doanh là công việc hằng ngày của một nhà kinh doanh.

Tuy nhiên, tính ỳ của thể chế rất cao nên ta phải sống với thể chế dù nó tốt hay xấu. Nhưng quan trọng là sống với thể chế ấy mà mình vẫn là mình. Điều này bao hàm hai nghĩa.

Một là, chính doanh nhân cùng với dân tộc tạo công cuộc cải cách cho đất nước. Hai là, bản thân thể chế phải hiểu, sự phát triển đất nước đòi hỏi tính khách quan là phải có doanh nhân để cùng phát triển. Vì vậy, bản thân thể chế cũng phải tự cải cách, cùng doanh nhân thúc đẩy phát triển.

Một thế hệ doanh nhân rất trẻ đang được sản sinh, với tư duy kinh doanh hoàn toàn khác. Điểm mạnh của thế hệ doanh nhân trẻ là tính độc lập và bắt đầu hình thành sự kết nối - học thuyết mới nhất về sự cạnh tranh, thể hiện rõ ở các doanh nhân trẻ được đào tạo về kinh doanh.

Họ học cách kinh doanh không phải ở dạng sản phẩm, mà là ở bên trong sản phẩm. Một cách thức sản xuất hoàn toàn mới mà không đòi hỏi quá nhiều tiền, mô hình kinh doanh mà thế giới vẫn phải ngước nhìn.

Tuy nhiên, doanh nhân Việt thì cũng là người Việt, có những đức tính tốt và điểm yếu. Nhưng nếu nói doanh nhân trẻ thiếu say mê thì không đúng, đừng nhầm lẫn giữa mong muốn đạt mục tiêu với cái say mê thực thụ. Say mê không phụ thuộc vào anh mặc nhung lụa hay cầm cày cuốc, nó ở trong tâm mỗi một con người nhưng nó phải được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, các doanh nhân trẻ hãy biết sống chậm lại và chia sẻ nhiều hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kết nối và say mê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO