Kê khai tài sản còn thiếu thực chất

NGỌC ANH/DNSGCT| 14/09/2013 08:33

Theo Nghị định về minh bạch tài sản, thu nhập do Chính phủ ban hành hồi tháng 7/2013, từ ngày 5/9 sẽ có chín nhóm đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập.

Kê khai tài sản còn thiếu thực chất

Theo Nghị định về minh bạch tài sản, thu nhập do Chính phủ ban hành hồi tháng 7/2013, từ ngày 5/9 sẽ có chín nhóm đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập.

Đọc E-paper

Nhóm thứ nhất là đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách, người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, người được dự kiến bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

Nhóm thứ hai là cán bộ, công chức từ phó trưởng phòng của UBND cấp huyện trở lên và người được hưởng phụ cấp chức vụ tương đương trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Nhóm thứ ba là sĩ quan chỉ huy từ cấp phó tiểu đoàn trưởng, người hưởng phụ cấp chức vụ tương đương phó tiểu đoàn trưởng trở lên trong Quân đội nhân dân; sĩ quan chỉ huy từ cấp phó tiểu đoàn trưởng, phó trưởng công an phường, thị trấn, phó đội trưởng trở lên trong Công an nhân dân.

Nhóm thứ tư là người giữ chức vụ tương đương phó trưởng phòng trở lên tại bệnh viện, viện nghiên cứu, cơ quan báo, tạp chí, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng có sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

Nhóm thứ năm là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, người giữ chức vụ tương đương Phó trưởng phòng trở lên trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề của Nhà
nước.

Nhóm thứ sáu là thành viên hội đồng quản trị, thành viên hội đồng thành viên, thành viên ban kiểm soát, kiểm soát viên, người giữ chức danh quản lý tương đương từ phó trưởng phòng trở lên trong doanh nghiệp Nhà nước, người là đại diện phần vốn của Nhà nước, phần vốn của doanh nghiệp Nhà nước và giữ chức danh quản lý từ phó trưởng phòng trở lên trong doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước, của doanh nghiệp Nhà nước.

Nhóm thứ bảy là bí thư, phó bí thư Đảng ủy, chủ tịch, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên UBND xã, phường, thị trấn; trưởng công an, chỉ huy trưởng quân sự, cán bộ địa chính, xây dựng, tài chính, tư pháp - hộ tịch xã, phường, thị trấn.

Nhóm thứ tám là điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm tra viên, thẩm phán, thư ký tòa án, kiểm toán viên Nhà nước, thanh tra viên, chấp hành viên, công chứng viên Nhà nước.

Nhóm thứ chín là người không giữ chức vụ quản lý trong các cơ quan Nhà nước, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân làm công tác quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong các lĩnh vực theo quy định như tổ chức cán bộ, tài chính, ngân hàng, công thương, xây dựng, giao thông, y tế...

Theo nghị định, tài sản phải kê khai bao gồm: nhà ở, công trình xây dựng khác đã có giấy chứng nhận sở hữu hoặc chưa có giấy chứng nhận của mình nhưng đang đứng tên người khác; nhà đang thuê của nhà nước, đất đai, tài sản nước ngoài, vàng bạc, đá quý, ôtô, xe máy, các khoản nợ, cho vay, cổ phiếu, tổng thu nhập trong năm…

Như vậy từ năm 2007 đến nay đã có ba nghị định cùng nhiều thông tư điều chỉnh việc này nhưng thực tế hiệu quả đối với công cuộc phòng, chống tham nhũng chưa rõ ràng, thuyết phục.

Qua thực tiễn thực hiện, rõ ràng việc kê khai tài sản thu nhập như hiện nay còn mang tính hình thức, khó mà kiểm soát thu nhập của cán bộ công chức như mục tiêu cuối cùng mà biện pháp này nhắm đến.

Người dân kỳ vọng bản kê khai tài sản sẽ được sử dụng phục vụ cho công tác điều tra phát hiện hành vi tham nhũng. Thế nhưng điều đáng nói là khoảng 1,7 triệu cán bộ công chức thuộc diện phải thực hiện kê khai minh bạch tài sản, vậy mà từ khi áp dụng quy định trên đến nay, chưa có trường hợp tham nhũng nào được phát hiện bằng cách này. Tại sao vậy?

Thật ra biện pháp kê khai tài sản cũng chỉ dừng lại ở ý nghĩa ngăn ngừa hành vi tham nhũng khi nó tác động vào suy nghĩ của người kê khai hoặc hỗ trợ cho việc điều tra phát hiện hành vi tham nhũng với tư cách là cơ sở dữ liệu về tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai mà tổ chức có được.

Kê khai mà không có cơ chế xác minh thì cũng bằng thừa. Điều này giải thích tại sao một chủ trương tưởng chừng như “nói không với tham nhũng” nhưng rồi đâu cũng vào đấy. Thế nhưng còn một điều hết sức quan trọng là kê khai tài sản cần đi cùng với việc công khai trong dư luận, như vậy mới đạt được yêu cầu giám sát của người dân.

Trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam trước đây, ông Jairo Acuna-Alfaro, cố vấn chính sách về phòng chống tham nhũng của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) nói rằng ở các nước, người dân có thể tìm hiểu, tra cứu thu nhập của quan chức. Và trong danh sách các quốc gia đã áp dụng điều này có cả các nước trong khu vực như Philippines, Thái Lan...

Theo ông Jairo Acuna-Alfaro, nếu người dân không truy cập được thông tin hoặc tham gia giám sát việc kê khai tài sản, hoặc nếu pháp luật về vấn đề này không được thực thi một cách công bằng và hiệu quả, tác động của việc kê khai tài sản sẽ rất hạn chế, hàm ý chúng ta đã có quy định bổ
sung về kê khai tài sản, nhưng sẽ vô nghĩa nếu kết quả đó không được công khai.

Ở Hàn Quốc, biên bản kê khai tài sản của các quan chức cấp cao và cấp trung được chính phủ công bố trên công báo quốc gia và người dân có thể tìm hiểu, truy cập thông tin thông qua hệ thống thư viện công cộng. Báo chí cũng công khai đưa tin về nội dung những biên bản kê khai tài
sản này.

Nghị định sửa đổi vấn đề kê khai tài sản thì thu nhập của người giữ chức vụ công sẽ được công khai, chứ không còn được coi là một loại tài liệu đặt dưới sự quản lý của một cơ quan công theo chế độ bảo mật như hiện nay.

Đây là chỉ dấu cho thấy những người có trách nhiệm đã nhận thấy và đang có những nỗ lực khắc phục các khuyết tật của cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của quan chức đang vận hành, những khuyết tật đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả của quyết sách chống tham nhũng.

Nếu không khai báo trung thực thì người khai sẽ đương đầu với nguy cơ bị coi là tài sản mờ ám và bị buộc tội một cách đương nhiên. Trái lại, với một bản kê khai đầy đủ, rõ ràng và đúng sự thật, người khai có được một lá chắn pháp lý bảo vệ mình chống các mưu toan bôi nhọ, vu khống!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kê khai tài sản còn thiếu thực chất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO