Kẻ ăn không hết, người lần không ra

TRẦN HUỲNH PHỦ| 06/06/2009 00:35

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay nước ta có 350.000 doanh nghiệp, trong đó khoảng 90% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, 10% còn lại là các tập đoàn và doanh nghiệp lớn của Nhà nước

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay nước ta có 350.000 doanh nghiệp, trong đó khoảng 90% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, 10% còn lại là các tập đoàn và doanh nghiệp lớn của Nhà nước.

Cấu trúc này vốn chưa thể xem là dấu hiệu, điều kiện thuận lợi cho mục tiêu phát triển kinh tế lành mạnh và bền vững, thì nay dưới tác động của chính sách tài chính vừa cứng rắn vừa thiếu nhất quán của Chính phủ, cấu trúc này càng trở nên xộc xệch mà nếu không có những điều chỉnh kịp thời, hợp lý có thể dẫn đến thương tổn lâu dài cho nền kinh tế.

Đành rằng Nhà nước cần rót vốn đầu tư xây dựng những tập đoàn kinh tế lớn, tạo ra những “nắm đấm thép”, những “đội quân chủ lực”, những “đầu tàu” để chủ động giữ được nhịp điệu và tốc độ phát triển của nền kinh tế. Nhưng cũng đã đến lúc, phải xem xét một cách nghiêm túc cung cách và hiệu quả làm ăn của những “ông lớn” này. Chỉ riêng 76 tập đoàn và tổng công ty nhà nước đã được giao 403.000 tỷ đồng và được vay thêm 514.000 tỷ đồng, chiếm 50% vốn đầu tư nhà nước, 70% tổng dư nợ quốc gia, 80% tổng dư nợ tín dụng.

Tiền nhiều lại được ưu đãi về cơ chế và tài nguyên, không ít “ông lớn”- mà Tập đoàn Điện lực (EVN) là một thí dụ - bắt đầu xa rời hoặc né tránh “nhiệm vụ chính trị” của mình, sa đà vào những án đầu tư ẩn chứa nhiều rủi ro, như bất động sản, thị trường chứng khoán, dịch vụ giải trí... Hậu quả là sản lượng hàng hóa trong xã hội không tăng, tỷ suất lợi trên vốn thấp, “đổ dầu” thêm vào ngọn lửa lạm phát đang lan nhanh...

Trong khi đó, hơn 300.0000 doanh nghiệp vừa và nhỏ mà phần lớn các doanh nghiệp tư nhân, nơi giải quyết 90% việc làm cho xã hội và đóng góp 60% tổng giá trị công nghiệp của cả nước, lại đang thiếu vốn trầm trọng để tái đầu tư sản xuất. Chủ trương của Ngân hàng Nhà nước về việc hạn chế cho vay cộng với áp lực cạnh tranh và nhiều nguyên nhân khác đã khiến 50% (150.000) doanh nghiệp không thể tiếp cận nguồn vốn ngân hàng và 20% (60.000) doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản hoặc buộc phải chuyển hướng kinh doanh, nghĩa là sẽ có 18% lao động sắp mất việc làm hoặc rơi vào cảnh sống bấp bênh.

Thực ra trong cơ chế thị trường, trước biến động khắc nghiệt của kinh tế thế giới và trong nước, tình trạng phá sản doanh nghiệp này hay khác là điều khó tránh khỏi. Song vấn đề là ở chỗ các doanh nghiệp đó “chết” vì cái gì và hậu quả ra sao, trách nhiệm điều hành quản lý về hành chính và tài chính của các cơ quan quản lý nhà nước đã đầy đủ và đúng đắn chưa?

Rõ ràng đã tồn tại những nghịch lý trong việc điều tiết dòng vốn giữa các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nghịch lý này đang được nhận thức và được nỗ lực khắc phục bằng các động thái mới đây của Chính phủ: chính sách tài chính “cứng rắn” và “mềm dẻo” dành cho các danh nghiệp đang có dấu hiệu xoay chiều theo hướng tích cực. Và chúng ta hãy lạc quan chờ đợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kẻ ăn không hết, người lần không ra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO