Huyền thoại Đồng Khởi

TRẦN THANH PHƯƠNG; Ảnh: PHƯƠNG HÀ| 22/01/2010 08:54

Hôm khánh thành cầu Rạch Miễu, hệ thống loa phóng thanh tại thị xã Bến Tre mở bài hát Dáng đứng Bến Tre của Nguyễn Văn Tý: Ai đứng như bòng dừa, tóc dài bay trong gió...

Huyền thoại Đồng Khởi

Hôm khánh thành cầu Rạch Miễu, hệ thống loa phóng thanh tại thị xã Bến Tre mở bài hát Dáng đứng Bến Tre của Nguyễn Văn Tý:

Ai đứng như bóng dừa, tóc dài bay trong gió
Có phải người còn đó, là con gái của Bến Tre
Năm xưa đi trong đạn lửa
Đi như nước lũ tràn về
Ơi những con người làm nên Đồng Khởi...

“Năm xưa”, ngày ấy (17/1/1960), mở đầu cho thập kỷ 60 của thế kỷ trước, những người nông dân Bến Tre đã vùng lên chống lại bạo quyền phản cách mạng, quyết đòi quyền sống, quyền làm người. Đó là cuộc Đồng khởi. Mới đó mà đã tròn 50 năm!

Chiều ngày 19/1/2009, phà Rạch Miễu nối Tiền Giang và Bến Tre hơn trăm năm qua ngừng hoạt động, thay vào đó là cây cầu dây văng hiện đại

Nhớ lại, đã khá lâu, tỉnh Bến Tre có mời một đoàn nhà văn, nhà báo về gặp những “người trong cuộc” viết về cuộc Đồng khởi theo đúng nghĩa của Đồng khởi. Chúng tôi hoang mang không biết viết gì để “ra tấm ra món”. Vì có biết bao nhiêu người đã ngã xuống trong thời gian ấy. Ngày nay, trong số những người còn sống, có người mang thương tật, có người vì già yếu mà quên dần những chuyện của quê hương mình, hoặc do mình trực tiếp tham gia. Thật là tiếc!

Có người là cán bộ lãnh đạo của tỉnh, nói với chúng tôi: “Hồi đó mình chiến đấu cốt để giải phóng quê hương, đất nước. Hết đợt này lại sang đợt khác. Mặc dù có nhiều chuyện rất hay, rất cảm động đã trở thành kỷ niệm của cuộc đời, nhưng thật tình nó cũng nhỏ bé so với toàn bộ cuộc kháng chiến của dân tộc, nên chúng tôi cũng không muốn kể lại. Hơn nữa chuyện những người anh hùng ở Bến Tre rất nhiều, gần như vô tận”.

Tỉnh giới thiệu chúng tôi gặp người này thì lại nghe họ kể chuyện về nhân vật khác hay hơn chuyện bản thân mình. Gặp người thứ ba kể về nhân vật thứ tư còn hay hơn nữa... Thế là người viết cảm thấy gần như bất lực trước một gia tài tài liệu phong phú mà bản thân không biết sử dụng như thế nào, không đủ sức thể hiện. Cuối cùng, chúng tôi chỉ dám ghi chép những mẩu chuyện rất nhỏ trong muôn ngàn chuyện ở xứ dừa Bến Tre trong Đồng khởi.

Nói tới Đồng khởi là nói tới “Đội quân tóc dài”, đó là một binh chủng đặc biệt, có tổ chức chặt chẽ mà rất nhiều báo chí, sách vở, phim ảnh đã nói tới. Ở tận trời Tây, nữ ký giả Pháp, Madeleine Riffaud, sau chuyến đi thăm vùng giải phóng miền Nam vào đầu 1965, đã viết cuốn sách Hai tháng với chiến sĩ miền Nam Việt Nam có đoạn: “Quả là ở miền Nam đang tồn tại một đội quân kỳ lạ, không súng ống, có mặt ở khắp nơi, thành thị cũng như thôn quê, một đội quân mà các bản tin của các hãng thông tấn hầu như không bao giờ nói đến, song lại đóng vai trò to lớn trong cuộc chiến đấu của nhân dân miền Nam Việt Nam chống xâm lược, ngay cả trước khi những người du kích đầu tiên cầm lấy vũ khí. Đó chính là “Đội quân búi tóc” tập hợp hàng triệu nữ chiến sĩ”.

Không hiểu từ đâu các bà, các chị, các em ta dũng mãnh, thông minh trong đấu tranh chống xâm lược như vậy? Lý giải chuyện này sẽ dài dòng, tốn nhiều giấy mực. Một anh bạn nhà báo chúng tôi đặt câu hỏi: Tại sao ở Bến Tre, từ những xã tận phía chót các cù lao cho đến bờ biển Thạnh Phú, Ba Tri, Bình Đại, bắt gặp không ít địa danh mang tên “Bà” mà trong chuyến đi thực tế mới đây ở Bến Tre, anh lượm lặt được.

Tượng đài Đặc công nước bên sông Hàm Luông

Về rạch thì có: rạch Bà Khoai, rạch Bà Thầy Vân, rạch Bà Tư Rựa, rạch Bà Nhựt, rạch Bà Tam, rạch Bà Hiền, rạch Bà Giải...

Có hơn chục con giồng có diện tích tương đương một ấp, một xóm mang tên “Bà”. Đó là: giồng Bà Nhiên, giồng Bà Khoai, giồng Bà Trường, giồng Bà Khắc, giồng Bà Tang, giồng Bà Ngang, giồng Bà Trương, giồng Bà Ngãi, giồng Bà Thủ, giồng Bà Thiện...

Có bốn cồn trên sông và ven biển tương đương với một ấp mang tên “Bà”. Đó là: cồn Bà Tư (còn gọi là cồn Bà Tư Phò), cồn Bà Tam, cồn Bà Thiếc, cồn Bà Nở (cồn này nằm trên sông Tiền, nay thuộc tỉnh Tiền Giang)...

Nghĩ sâu xa, người phụ nữ Bến Tre đã từng làm nên nhiều việc lớn, chả thế mà bao tên đất, tên sông, rạch mang tên các bà. Dữ dội thật!

Chuyến về Bến Tre vừa rồi, chúng tôi đi thăm vườn nhãn Long Hòa ở Bình Đại. Con đường bê tông uốn lượn qua những vườn nhãn cho trái trĩu cành như trong vườn cổ tích mà bà con ở đây tự hào “vương quốc của cây nhãn”. Đó là vùng đất bãi bồi, được sông Ba Lai vun đắp phù sa cho nên nhãn tươi tốt và cho trái bụ bẫm, đạt chất lượng cao. Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty Xuất khẩu trái cây Chánh Thu ở Sơn Định (Chợ Lách), cho biết, gần đây Công ty gắn kết thương lái đến Long Hòa thu mua nhãn để xuất khẩu. Chừng ấy, chắc chắn đời sống của bà con Long Hòa sẽ được nâng cao.

Đi Bến Tre mà không viết về cây dừa, cảm thấy thiêu thiếu cái gì. Hình như cây dừa không có trong chuyện cổ tích xa xưa, nhưng trong trí nhớ của nhiều người ở Bến Tre, từ bao đời trước, dừa đã trở thành người bạn thuở ấu thơ. Nhà thơ Lê Anh Xuân, người con của Bến Tre, viết:

Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ
Tôi hỏi nội tôi dừa có tự lúc nào?
Nội tôi nói, thuở còn con gái
Đã thấy dừa trước gió bay cao.

Có thể nói, Bến Tre là cái nôi đa dạng di truyền giống dừa ở nước ta với đầy đủ các bộ giống. Riêng dừa xiêm thì có: xiêm xanh, xiêm lục, xiêm lửa, xiêm đỏ, xiêm núm... Tất cả thành phần của cây dừa từ hoa, lá, thân, vỏ, gáo... được sử dụng làm ra nhiều sản phẩm giá trị. Có thể nói, cây dừa là cây của 1.001 công dụng. Riêng ẩm thực có hơn 500 món ăn làm từ nguyên liệu là dừa. Ấy là trên thế giới. Còn ở Bến Tre thì có hàng chục món khoái khẩu chế biến từ dừa. Trung tuần tháng 1/2010, tại Bảo tàng và Nhà trưng bày Bến Tre tổ chức tuần lễ Doanh nghiệp nhỏ và vừa với 280 gian hàng đặc sản về dừa, thương mại, ẩm thực..., chắc chắn có lắm món ngon.

Tôi gợi ý ông bạn đồng nghiệp người địa phương hướng dẫn chuyến đi của chúng tôi, rằng có gì vui về cây dừa kể nghe chơi. Anh nói, bây giờ chiến tranh qua rồi, tôi mới dám nói, chứ trước đây kể ra sẽ bị kỷ luật vì lộ bí mật. Đó là chuyện cán bộ sống trên đọt dừa. Mới nghe, khó ai tin, nhưng đó là sự thật trong những năm địch đánh phá khốc liệt, cán bộ hầu như mất đất đứng chân. Chỉ còn cách ta chọn đọt dừa nào thật xum xuê, trèo lên hái trái dừa to đặt giữa đọt dừa, đạp thật mạnh, các tàu dừa dang rộng ra bốn bên. Lấy chiếc khăn rằn hay tấm vải ni lông cùng màu xanh của lá cột vào hai tàu dừa làm võng.

Một khu vườn ở xã Phong Mỹ, Giồng Trôm

Khi ngồi lên chiếc võng thì hai tàu dừa ở hai đầu võng được kéo lại gần, che phủ lấy người và che được nắng. Thế là có thể nằm, ngồi trên võng mà làm việc, đọc tài liệu, viết báo cáo, thư công tác, soạn thảo kế hoạch (kê vào bắp đùi làm bàn). Lúc đầu, việc ăn ở trên đọt dừa có gò bó, tù túng, khó chịu, nhưng dần dần có kinh nghiệm và quen đi. Đại khái là như vậy.Ở Bến Tre, những năm chiến tranh, sống và làm việc trên đọt dừa không phải là cá biệt. Gặp bất cứ cán bộ nào hoạt động thời đó, họ cũng có thể kể, nghe mệt nghỉ.

Cho nên, cuộc Đồng khởi ở Bến Tre năm 1960 có nhiều huyền thoại là vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Huyền thoại Đồng Khởi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO