![]() |
Đã từ lâu đời, vùng đất quê tôi thuộc diện chuyên canh hoa màu. Mỗi lần về quê, được thả hồn trên những cánh đồng ngát hương hoa mùa nào thức ấy, với cảnh bà con tấp nập thu hoạch nào cải, nào su hào, nào bí, nào đậu, nào khoai tây, cà rốt, lòng tôi lâng lâng tự hào.
Tôi có thói quen, mỗi lần về quê thế nào cũng kéo thêm một, hai người bạn ở thành phố. Bạn tôi thường là các trí thức công sở, lâu lâu được thấy cảnh quê, anh nào anh nấy mặt tươi roi rói, luôn miệng hít hà, tấm tắc khen cảnh đẹp, người hiền. Trong thực đơn tiếp khách, thầy mẹ tôi không khỏi băn khoăn vì các anh (thỉnh thoảng có cả các chị) chỉ yêu cầu được ăn rau, quả vườn nhà vừa hái về, luộc lên, hoặc xào, hoặc nấu, hoặc làm nộm.
![]() |
Họ ăn rồi hả hê ra đồng, lên đê, nếu may gặp phiên chợ quê thì thế nào cũng đảo quanh chợ vài vòng, lúc về mỗi người ôm một ôm hoa tươi, vài lít rượu, đôi khi một bọc cà chua, một giỏ khoai tây, khoai lang, cà rốt. Họ bảo, họ mê cái ngon của tấm lòng chân chất, thơm thảo, đậm nét tình người nhà quê.
Mỗi lần về quê, tôi lại như được trở về cái thuở chăn trâu, cắt cỏ, bẫy chim, nuôi dế chọi, câu cá, hái bưởi xanh nướng mềm làm trái bóng đá. Rồi thả diều, đánh khăng. Rồi bắt cá rô trận mưa đầu mùa, đốt lửa ở chân đê nướng khoai, nướng ngô, nướng ốc. Rồi những đêm trăng sáng rủ nhau ra mặt đê nằm trên cỏ đếm sao, chơi đuổi bắt, đánh pháo đất, soi ếch, đơm lờ bắt tôm, bắt cá...
Ấy thế mà đã hai thứ tóc trên đầu lúc nào không hay. Bạn bè thuở thiếu thời bây giờ mỗi đứa mỗi ngả. Mà cứ mỗi lần về quê là một lần thấy quê đổi khác. Người nông dân trồng hoa màu giờ chỉ còn thưa thớt, như là sự nuối tiếc một thời. Một gánh rau bây giờ đưa ra được thành phố bán, tính toán chi li thì kể như trắng tay, nếu không muốn nói là lỗ.
Không trách cứ được ai, thời bây giờ nó thế, đành chuyển hướng làm ăn: Trồng rau trái vụ. Nghiệt nỗi, rau trái vụ không phải ai làm cũng được. Nhìn sang đồng bạn, lúa tốt bời bời. Nhìn ra toàn xã hội, đời sống mỗi ngày một đi lên. Thế là trai tráng trong làng rủ nhau bỏ ruộng, lập ra những đội thợ xây, những nhóm cửu vạn, kéo nhau vào thành phố kiếm việc làm.
Có anh gặp vận may, chịu khó tích cóp, một năm đi đi về về thành phố cũng nộp được cho vợ hoặc bố mẹ vài ba, thậm chí có người được đến cả chục triệu đồng. Lại cũng có anh bị thành phố “bỏ bùa”, đầu năm đi còn là người khỏe mạnh, cuối năm về hóa thân tàn ma dại. Có người còn đem cả hút sách, cờ bạc về quê...
Có một thời, nạn đề đóm hoành hành, làng quê như có bão, khi tỉnh ra thì nhà nhà xác xơ, người người oán than. Lớp trẻ bây giờ mạnh ai nấy lo, cơ chế thị trường làm cho người nhà quê tao tác, nghề trồng hoa màu bị lãng quên, bởi hoa màu trồng theo công nghệ mới tăng trưởng gấp nhiều lần, đã có chỗ khác người ta làm. Đôi khi tình cờ gặp cảnh những ông bà già cặm cụi trên thửa ruộng, bón phân làm cỏ, mà nao lòng...
Mấy năm nay ít về quê, không còn thói quen dẫn bạn về làng chơi nữa, nhưng lòng tôi vẫn canh cánh nỗi trăn trở. Ước gì quê tôi được “để mắt” đến, với những nghiên cứu về đất và người, với những quy hoạch, đầu tư hợp lý, để lại mùa nào thức ấy, những bắp cải, su hào, những ngô, những đậu lại thay nhau xanh ngút ngát; để người quê tôi không còn phải bỏ làng ra phố mà vẫn đề huề áo cơm.
Đất quê tôi vốn là đất trồng hoa màu, nơi để cây, để lá, để hoa sinh sôi phục vụ những bữa ăn của con người. Chứ cứ để nó “chờ dự án” trong khi người nông dân phải lũ lượt tha hương đi kiếm sống như bây giờ, thật tội lắm thay!