Hoạch định đô thị từ bài học Singapore

LARRY NG(*)| 06/07/2018 03:05

Hoạch định phát triển đô thị dựa trên định hướng dài hạn 40 - 50 năm, mỗi năm xem lại quy hoạch đó có đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội bền vững.

Hoạch định đô thị từ bài học Singapore

Quá trình đó cũng bắt buộc có sự uyển chuyển trong cách tiếp cận khi công nghệ mới phát triển và minh bạch với sự hợp tác của tư nhân và cộng đồng dân cư.

Với diện tích chỉ 719km2 và dân số 5,6 triệu người với mật độ hơn 7.700 người/km2, Singapore gặp rất nhiều khó khăn để phát triển đô thị do quỹ đất hạn chế. Chúng tôi buộc phải tính toán kỹ lưỡng giữa huy động nguồn lực cho phát triển đô thị cân bằng với nguồn đất đai cho nhà ở, văn phòng, hạ tầng và các nhu cầu dân sinh khác.

Đảm bảo 3 trụ cột, 3 nguồn lực

Kế hoạch xây dựng Singapore thành một quốc đảo đáng sống tập trung đồng thời 3 trụ cột: kinh tế - xã hội và môi trường. Thứ nhất, về kinh tế, để duy trì môi trường cạnh tranh, Singapore cố gắng chuyển sang nền kinh tế phục vụ doanh nghiệp.

Khu công nghệ cao, công nghệ thông tin kết hợp nhiều tiện ích như một đô thị phát triển giáo dục đồng đều với các ngành nghề khác. Chúng tôi tạo ra kết nối khu vực: phía nam là trung tâm tài chính, phía tây phát triển công nghiệp - công nghệ, phía bắc kết hợp với Malaysia. Trong tương lai, các tuyến đường giao thông tốc độ cao kết nối Malaysia, Thái Lan và Việt Nam cùng 4 sân bay có thể tiếp nhận 15 triệu khách/năm nằm ở phía đông.

Link bài viết

Để phát triển bền vững về mặt xã hội phải đảm bảo môi trường sống có chất lượng cao cho người dân. Hiện Singapore có hơn 2.600 khu nhà ở dân dụng với các thiết kế đa dạng thỏa mãn nhu cầu của nhiều sắc dân.

Cung cấp nhà ở cho công dân, tiện ích giáo dục, y tế, 80% dân số Singapore có thể ở nhà công song song với dạng nhà ở khác nhau cho các tầng lớp cư dân khác nhau. Mục tiêu phát triển bền vững phải kết hợp giữa công trình hiện đại và bảo tồn những di sản lịch sử và kiến trúc, hiện có khoảng 7.000 tòa nhà được bảo tồn dù diện tích rất nhỏ.

Về môi trường, Singapore kết nối bằng tàu điện ngầm MRT để người dân có thể sử dụng những phương tiện giao thông công cộng thuận tiện nhất. Hiện có 360km đường tàu điện ngầm và đến năm 2030 đảm bảo 80% người dân từ nhà đi bộ đến các ga chỉ mất khoảng 8 - 10 phút.

Đồng thời tập trung vào nhiều loại phương tiện: xe buýt, tàu điện ngầm, xe đạp cho thuê... với 12% đất đai dành phát triển đường sá và đảm bảo có đường cho người đi bộ. Chúng tôi tạo ra nhiều công viên và kết nối toàn quốc đảo với 240 công viên thành mạng lưới duy nhất, khoảng 400km vào năm 2030.

Là quốc gia rất nhỏ nên Singapore xác định muốn phát triển bền vững phải quản lý được 3 nguồn tài nguyên quan trọng: nước, chất thải và năng lượng. Singapore xây hệ thống hồ, kênh giữ và chứa nước song song với đầu tư tái chế nước thải với dự đoán trong tương lai thế giới sẽ thiếu nước. 2/3 đất đai Singapore sẽ thành khu vực lưu trữ nước mưa để đưa vào 17 hồ và 48 kênh trữ nước. Nhờ đó, từ một quốc gia phụ thuộc nguồn nước, Singapore đã sở hữu nguồn nước sạch dồi dào.

Singapore cũng chú trọng chuyển sang năng lượng tái tạo bằng cách điều chỉnh hệ sinh thái, tăng tính cộng sinh và cộng tác giữa các cộng đồng, khuyến khích người dân tái chế chất thải. Singapore sử dụng một hòn đảo quy tụ và xử lý chất thải, trong tương lai hòn đảo được xây dựng để trở thành nơi đáng sống với tên gọi "thiên đường rác thải Semakau Landfil".

Sẵn sàng hòa vào công nghệ

Quy hoạch tổng thể đô thị bắt buộc phải đề xuất khung tiếp cận đáp ứng nhanh khi công nghệ mới phát triển. Nếu không, trong trào lưu công nghiệp 4.0, chúng ta sẽ bị bỏ lại đằng sau. Ví dụ, với tính toán hiện nay, robot, trí tuệ nhân tạo sẽ ứng dụng ra sao; kết nối quốc gia với thế giới thế nào, đường sắt đến đâu, các trung tâm đô thị lan tỏa đi đâu...
Big Data (dữ liệu lớn) là công nghệ mới không chỉ giúp lưu giữ dữ liệu mà còn phân tích thông tin.

Khi lập quy hoạch cần dựa vào dữ liệu, làm sao với một cái nhấp chuột là có đầy đủ thông tin cơ sở hạ tầng đô thị, các thông tin đều được thiết kế trên nền 3D để dễ dàng hình dung. Việc sử dụng dữ liệu giúp các nhà thiết kế thực hiện ý tưởng "xanh" cho nhiều công trình, thân thiện với môi trường và phục vụ xã hội tốt hơn.

Trong xu thế công nghiệp 4.0 cần lưu ý dữ liệu lớn là quan trọng để phân tích và phát triển thành phố thông minh. Hiện nay, các mô hình thành phố thông minh còn thiếu nền tảng đồng bộ, chưa được kiểm soát, vì vậy các địa phương cần có sự lựa chọn phù hợp, hệ thống lại cơ sở dữ liệu và kết nối liên thông. Không nhất thiết đầu tư nhiều tiền mà chỉ cần làm đúng và đúng lúc, khuyến khích người dân tham gia.

Năm 1994, Singapore là quốc gia đầu tiên trên thế giới sử dụng ký hiệu chỉ báo các khu vực giao thông có thể bị tắc nghẽn, đưa ra cảnh báo sớm và cả hướng dẫn của cảnh sát cho người lưu thông.

Trong tương lai, với các dòng xe tự lái, chúng tôi cố gắng xây dựng đường sá kết nối tất cả các khu dân cư; quan tâm đến các ý tưởng công nghệ, các mô hình dịch vụ xe như Grab nhằm tiết kiệm và cải tiến giao thông công cộng thay cho mỗi người sử dụng một xe máy, ô tô hay xe đạp, dễ gây ùn tắc giao thông và ảnh hưởng đến môi trường.

Theo tôi, nhìn chung, tiến trình thực hiện đô thị thông minh phải luôn dựa trên tầm nhìn quy hoạch dài hạn và toàn diện, tích hợp với quản lý đất đai ngay từ khi đô thị còn nhỏ; phải phối hợp với nhau theo hướng tiếp cận mở và minh bạch cho cả tư nhân lẫn nhà nước để tránh đối mặt với thách thức điều chỉnh sẽ rất lớn và tốn kém.

Muốn trở thành một thành phố thông minh và phát triển bền vững, các công trình phải được xây dựng đạt hiệu quả kinh tế để mỗi người dân có thể cống hiến cho không gian sống đó. Việt Nam có những thách thức riêng, nhưng những vấn đề tôi đề cập đều mang tính phổ quát đối với tất cả các đô thị lớn trên thế giới.

(*) Tác giả hiện công tác tại Cục Tái thiết Quốc gia Singapore

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hoạch định đô thị từ bài học Singapore
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO