Họ hàng xa và láng giềng gần

TRẦN THANH| 07/07/2011 04:13

Hồi còn ở nhà, thỉnh thoảng má tôi nấu bánh canh cá lóc, bánh canh ngọt, làm bánh luộc, bánh lá mơ... Rồi lâu lâu má lại có nồi chè đậu trắng hoặc trôi nước. Và bao giờ má cũng dành những phần ngon lành nhất, sai tôi mang cho dì Hai Tần và chú Chín Thăng, hai gia đình ở cạnh nhà.

Họ hàng xa và láng giềng gần

Hồi còn ở nhà, thỉnh thoảng má tôi nấu bánh canh cá lóc, bánh canh ngọt, làm bánh luộc, bánh lá mơ... Rồi lâu lâu má lại có nồi chè đậu trắng hoặc trôi nước. Và bao giờ má cũng dành những phần ngon lành nhất, sai tôi mang cho dì Hai Tần và chú Chín Thăng, hai gia đình ở cạnh nhà.

Má còn nhắc kêu mấy đứa bạn của tôi “đến ăn cho vui”. Má nói: “Mình ăn thì hết, người ta ăn thì còn”. Mà thật vậy. Mang cho qua cho lại, hóa ra lúc nào cũng có quà để ăn. Dì Hai Tần và chú Chín Thăng thường biếu gia đình tôi khi thì dĩa cơm nếp trộn dừa nạo, khi thì vài miếng chuối chiên, miếng dưa hấu, miếng mít, hoặc ấm trà...

Không biết tục lệ này có từ bao giờ, nhưng khi tôi lớn lên đã thấy mấy gia đình chung quanh làm chuyện tình nghĩa đó một cách tự nhiên, không có vẻ gì khách sáo theo quan niệm “có đi có lại”.

Gia đình nào có chuyện “đại sự”, lập tức cả xóm đến thăm viếng, chào mừng, hoặc chia sẻ nỗi buồn, ai cũng coi đó là việc phải làm. Ấy là chưa kể hằng ngày, trái ớt, tép tỏi, cọng hành, lon dầu thắp đèn, viên thuốc nhức đầu, đau bụng... là chuyện “tối lửa tắt đèn có nhau”.

Người ta sống với nhau nhiệt tình, chân thật, hồn nhiên, không hề vụ lợi. Dẫu có xích mích vì chuyện “con gà, con vịt, cọng rau”, nhưng rồi có món ngon, vật lạ, nhất là khi hoạn nạn, không bao giờ quên nhau, bỏ nhau.

Ở làng quê thường nghe nói “giận nhau thì chém đằng sống, không ai chém đằng lưỡi” bao giờ. Có cái hay là đôi khi giận hờn nhau đó, nói với nhau những câu rất ác, tưởng rằng sẽ không bao giờ nhìn mặt nhau, vậy mà một trong hai gia đình rủi có chuyện “sáng nhà sáng cửa” thì không thể vắng gia đình kia.

Lúc bấy giờ họ đặt tình làng nghĩa xóm lên trên hết, “ba cái lẻ tẻ” kia coi như không bận tâm tới nữa. Con nít choảng nhau buổi trưa, buổi chiều đã lại chơi với nhau, rủ rỉ, rù rì với nhau. Chẳng lẽ người lớn lại không mau làm lành?

Lịch sử phát triển bờ cõi của dân tộc ta là từ Bắc xuống Nam. Trên đường khai phá đầy gian khổ và hiểm nguy ấy, nếu không đùm bọc nhau, không yêu thương nhau thì không thể tồn tại.

Đó là một trong những lẽ khiến cho con người ở vùng châu thổ Cửu Long này, và kể cả những miền khác, phải nương tựa vào nhau để sống và chiến đấu bảo vệ thành quả lao động của mình. Đôi lúc quan hệ tình cảm láng giềng lấn át, đậm đà hơn quan hệ huyết thống, thân tộc.

“Người làng”, “người cùng xã”, “người cùng xóm”, “người cùng quê”..., mấy tiếng ấy thân thiết, gắn bó biết chừng nào đối với những ai xa quê hương, xứ sở. Nhiều khi chỉ trong quan hệ ấy thôi cũng đủ trở nên quý trọng như ruột thịt.

Ngay những chuyến đi xa, ta chỉ cần có người ở xóm, ở xã đi cùng con tàu, chuyến xe đã thấy yên tâm hơn nhiều. Trong kháng chiến, nhất là những năm Bắc - Nam tạm thời chia cắt, hai tiếng “đồng hương” được hiểu như những người thân thích nhất. Anh đồng hương, chị đồng hương, em đồng hương, bạn đồng hương...

Chỉ cần gợi lên như thế là đủ hết ý nghĩa tình cảm mà mình muốn diễn đạt. Nhiều nơi, hai tiếng đồng hương còn trở thành một tổ chức hẳn hoi.

Cái tổ chức dễ thương ấy chỉ có mỗi nhiệm vụ là làm cho tất cả những người có cùng một gốc gác tỉnh, huyện, hoặc xã, thành phố thỉnh thoảng được gặp nhau, nhất là dịp Tết Nguyên đán, để rồi từ đó mọi người sống hạnh phúc hơn, làm việc và học tập tốt hơn. Nếu ở quê nhà có thiên tai chẳng hạn, thì họ lại cùng nhau bàn bạc tìm cách giúp đỡ bà con nơi chôn nhau cắt rốn.

Xin người thành phố đừng giận khi đọc những dòng tôi viết dưới đây. Không hiểu sao tình người ở đô thị không sâu đậm, không thiết tha, gắn bó bằng tình người ở miệt ruộng, miệt vườn.

Mà thật lạ, xét cho cùng, trong số họ cũng có những người có gốc gác ở nông thôn. Tôi có nhiều bạn sống ở TP.HCM mấy chục năm nay, nhưng hỏi ra thì không có anh nào được sinh ra tại thành phố này cả, trừ con cháu họ, những lớp người thuộc thế hệ sau này.

Có anh phát âm còn sai, chữ “l” thành “n”, chữ “r” thành “d”, vậy mà cứ nghĩ mình là dân thành phố chính cống, để rồi tự đặt cách sống khác hẳn với thời ở nhà lá, bờ sông, khăn rằn, chân đất...

Ở thành phố, không ít người cùng sống trong một chung cư, đi chung cầu thang, ra vào cùng một cửa, nhưng rồi có đôi người gặp nhau vẫn cứ nhàn nhạt, vẫn cứ nhạt thếch.

Thật đáng buồn! Gặp nhau luôn mà vẫn không thấy nhau, không hiểu nhau. Ấy là chưa kể cá biệt có người ở lầu trên, lầu dưới mà không hề biết mặt, hoặc có biết, gặp nhau ngoài đường cũng lờ tránh. Trời ơi, vậy mà họ vẫn sống nổi với nhau năm này sang năm khác, có khi suốt đời.

Một cụm dân cư, dù ở nông thôn hay thành thị, đâu phải chỉ căn cứ vào hình thức bên ngoài của sự ăn, ở. Nơi ấy còn nuôi dưỡng và phát triển tình cảm tốt đẹp của con người.

Mặc dù nhà này cách nhà kia một đám xương rồng, một hàng rào giâm bụt, một dậu mồng tơi, hoặc một bức tường xi măng có gắn miểng chai, miểng sành đi chăng nữa, thì người ta vẫn phải biết đoàn kết, đùm bọc, tin tưởng nhau để tạo nên một tình yêu rộng lớn hơn, sâu đậm hơn, ấy là tình yêu quê hương, đất nước. Nếu không, con người làm sao đứng vững trên mặt đất này?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Họ hàng xa và láng giềng gần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO