Hãy làm một điều hơn cả bức xúc

BÍCH HỒNG| 23/01/2016 06:43

Phương pháp tư duy là cái học sinh đang thiếu khi học theo cách nhồi nhét kiến thức.

Hãy làm một điều hơn cả bức xúc

Mới đây, dư luận rất chú ý cuốn sách mới ra mắt của tác giả Đặng Hoàng Giang với tựa đề Bức xúc không làm ta vô can.

Đọc E-paper

Đặng Hoàng Giang là chuyên gia hoạt động xã hội, vận động chính sách nâng cao chất lượng quản trị quốc gia, một cây bút chính luận sắc sảo từ nước ngoài về đã hòa nhập được với đời sống xã hội trong nước. Và anh cố gắng làm một điều gì đó thực tế hơn sự... bức xúc trước những bức xúc xã hội. Cuốn sách của Đặng Hoàng Giang đã được đón nhận, đặc biệt là người trẻ, họ đọc và phản hồi, giới thiệu cho nhau trên các mạng xã hội để cùng chia sẻ, tìm đọc.

Tôi không muốn bàn luận về những vấn đề xã hội mà TS. Đặng Hoàng Giang đề cập trong cuốn sách, vấn đề tôi chú ý là tư duy phản biện của cây bút này luôn theo phương pháp "tự vấn", điều mà 12 năm học phổ thông, học sinh không được khuyến khích.

Khi học thêm, học sinh học môn toán giống như cỗ máy luyện đề, học văn thì nặng về đọc và chép sách văn mẫu. Trong môn sử, những mốc thời gian, những địa danh xảy ra các trận giao tranh, các sự kiện lịch sử luôn "làm khó" học sinh vì không dễ nhớ. Vì vậy, tôi thấy thích thú khi đọc sách của Đặng Hoàng Giang vì tác giả tư duy và dấn thân, không ngại sẽ nhận được những làn sóng dư luận trái chiều. Rồi bỗng nhận ra phương pháp tư duy trở nên quan trọng với mỗi người.

Cuộc sống hiện đại với những ứng dụng số hóa tất cả kiến thức, đôi khi khái niệm "học rộng biết nhiều" không còn đúng với số đông. Bởi lẽ, khi cần tìm kiếm kiến thức, người ta chỉ cần nhấp chuột máy tính. Đó là chuyện tôi quan sát một chuyên viên đang sắp đặt trưng bày hiện vật. Ngồi trong phòng làm việc, anh chỉ nhấp chuột và tham quan tất cả những bảo tàng danh tiếng trên thế giới, xem xét từng phong cách trưng bày.

Điều đó có nghĩa là khi cần, kiến thức ở phía sau cái nhấp chuột máy tính. Nhưng tiêu hóa số kiến thức đã bày biện sẵn thì chỉ cần một phương pháp tư duy khoa học sẽ có con đường tới đích thành công trong một việc cụ thể.

>>Sự học đã không còn quan trọng?

Nếu bây giờ đi du lịch một chuyến ở đâu đó về, cứ kể chuyện đi Mỹ hay đi Pháp, rất dễ lâm vào cảnh lố bịch. Nhưng nếu có phương pháp tư duy thì có thể phân tích và rút tỉa được những vấn đề cốt lõi chứ không dừng lại ở miêu tả những gì đã thấy.

Phương pháp tư duy là cái học sinh đang thiếu khi học theo cách nhồi nhét kiến thức. "Học rộng biết nhiều" cần nền tảng chủ động tư duy, tự vấn, phản biện hơn là thao thao kiến thức. Một người thầy hướng cho học sinh biết tư duy tốt hơn một người thầy học rộng hiểu nhiều và nhồi nhét kiến thức cho học sinh. Có lẽ cái chúng ta gấp rút đổi mới trong giáo dục không phải là đổi cách thi cử, mà là đổi phương pháp tiếp cận kiến thức.

Và trong câu chuyện bàn luận của các phụ huynh đang đầu tư cho con ra nước ngoài học, bỗng có ý kiến rằng hầu hết du học là để có được bằng cấp, rèn luyện nghề và kỹ năng làm việc, chứ tạo ra con người có tư duy mới thì rất khó, vì học hết bậc phổ thông trong nước, cách tư duy cũng đã định hình rõ rệt rồi.

Biết bao diễn đàn du học sinh bàn luận chuyện ở lại hay về nước chỉ toàn nghe cống hiến chung chung, và không ít lời thở than, thấy thật khó có những người sống lâu năm ở nước ngoài khi trở về có thể nhanh chóng hòa nhập và nhìn rõ bản chất xã hội trên cơ sở khoa học như TS. Đặng Hoàng Giang. Và tôi muốn nói rằng cuốn sách này của anh rất đáng đọc khi đã hướng người trẻ nghĩ về phương pháp tư duy đổi mới và khoa học khi phân tích các vấn đề xã hội.

>>Giáo dục chỉ là câu chuyện riêng?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hãy làm một điều hơn cả bức xúc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO