Hậu nghỉ hưu

HỒNG BÍCH| 06/10/2012 06:05

Mùng 2 Tết Nhâm Thìn, nhận được điện thoại của bạn kể, ngày đầu tiên năm mới, ông xã của bạn bỗng mở nắp cây đàn piano của con gái, ngồi chơi đàn gần hết một buổi chiều xuân mới.

Hậu nghỉ hưu

Mùng 2 Tết Nhâm Thìn, nhận được điện thoại của bạn kể, ngày đầu tiên năm mới, ông xã của bạn bỗng mở nắp cây đàn piano của con gái, ngồi chơi đàn gần hết một buổi chiều xuân mới. Giọng bạn thủ thỉ như nói về một người ốm mới khỏi bệnh, nửa mừng, nửa lo.

Đọc E-paper

Cái tài vặt từ thời sinh viên cách đây hơn 30 năm bỗng trỗi dậy, làm cho ông xã qua được hết một ngày đầu năm mới đầy tâm trạng. Cửa nhà năm nay không còn cảnh tấp nập người xếp hàng chúc Tết.

Cảnh ấy đã diễn ra từ ba năm trước, khi ông chủ nhà còn chưa bị “nạn”, vướng vòng lao lý mấy tháng, đến khi án được gỡ, tạm gọi là “oan đã giải”, được phục hồi một cái ghế “xơi nước” ở cơ quan cũ ít tháng lấy lại danh dự, ông làm đơn xin nghỉ hưu với viễn cảnh đi làm cho các doanh nghiệp lớn, lương cao để mọi người biết giá trị của mình.

Hóa ra chức sắc nghỉ hưu đi làm cho doanh nghiệp hình như không dễ dàng, chỉ một năm ông lại thôi, giải thích thì đơn giản, vì sức khỏe không đảm bảo nên phải nghỉ ngơi! Đằng sau nụ cười gượng của ông, có thể đọc thấy muôn vàn những cái khó của một vị lãnh đạo nghỉ hưu đi làm thuê, khi thì làm cố vấn, khi thì làm đến chức phó tổng giám đốc công ty, khi ông thấy người ta chỉ muốn ông thi thố tài năng không phải qua công việc chuyên môn và kinh nghiệm, mà là cần khai thác các mối quan hệ cũ chằng chịt của một quan chức cũ.

Ngồi vào một con thuyền nhiều tham vọng, lợi ích chồng chéo, ngày đêm ông phải tính cái bài “lợi nhuận-đồng tiền xương máu”, thấy lo sợ cái vòng lao lý hôm nào luẩn quẩn đe dọa. Bước lên thuyền có một chân, thì các quan hệ cũ bỗng “rời rã” như cơm nguội. Gọi điện đề nghị gặp ông A, ông B vốn ngày xưa sẽ nghe tiếng reo vui từ đối tác, nay các ông ấy cũng reo lên, nhưng kèm theo là một lời hẹn mơ hồ vì ngày mai, ngày mốt phải đi công tác... nước ngoài.

Chỉ chừng đó ông đã tổn thương, ngao ngán! Ông cứ ngập ngừng, nửa muốn bước lên, vì khó làm quen với chuyện bước xuống một bến đậu vắng vẻ thiếu những phù hoa của xã hội. Mấy tháng sau, bà vợ ông gọi điện bảo hai vợ chồng quyết định mở một phòng trà nghe nhạc lớn giữa trung tâm thành phố, hy vọng sẽ làm ông xã vui vì có thể trưng dụng tài thẩm định nhạc của ông. Đành chúc mừng bạn, không khỏi lo khi nghĩ đến chuyện ông bạn suy nghĩ làm kinh tế chỉ bằng một cái tài vặt thời trẻ.

Nhưng ông còn gặp may vì đã dừng lại. Nếu cái phòng trà đổ vỡ, chỉ thiệt hại chút đỉnh tiền nhà. Nếu còn ngồi trên con thuyền hậu nghỉ hưu kia, ông khó có những ngày tháng tuổi già thanh thản khi một ngày nghe tin hàng loạt các đồng nghiệp của mình ra đi khỏi đơn vị đó vì những sai phạm cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí có thể đối mặt với pháp luật.

Câu chuyện này làm nhớ lại một vị giáo sư thời đương chức làm lãnh đạo cấp Trung ương. Ông giáo sư khi về hưu đã chọn hợp tác nghiên cứu chuyên môn với vài tổ chức quốc tế, giảng dạy sinh viên và từ chối làm cho các doanh nghiệp lớn có lời mời. Ông nói: “Doanh nghiệp Việt Nam thường phải chạy theo những mối quan hệ phức tạp để có hợp đồng, dự án, thậm chí chạy cả chính sách, thông tin để chớp thời cơ mà kiếm lợi nhuận.

Tôi không thích như vậy nên chỉ tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu, và vẫn có đủ cả uy tín lẫn tiền tài vì các tổ chức quốc tế họ luôn đánh giá đúng tầm chất xám”. Một số nghiên cứu sinh còn cho biết họ đang được chính vị giáo sư - quan chức này hướng dẫn nghiên cứu bảo vệ đồ án.

Con đường “hậu nghỉ hưu” của vị giáo sư được khá nhiều người ủng hộ, nếu có đầy đủ kiến thức chuyên môn thì nên đưa những kiến thức và thực tiễn đó đến các trường đại học, để tạo nền tảng mới cho một lớp người trẻ thay thế. Những vị chuyên gia như thế này sẽ mãi mãi không hưu và có thể ngẩng cao đầu khi nói: “Tôi muốn tiếp tục cống hiến kinh nghiệm và tri thức!”.

Đành rằng về lý thuyết, khi một vài vị chức sắc nghỉ hưu được doanh nghiệp mời làm việc ở vị trí quan trọng, ai cũng tự hào là một bộ óc xuất sắc về ngành này ngành khác, có bề dày kinh nghiệm và các mối quan hệ tốt phù hợp cho kinh doanh nên các doanh nghiệp lớn trọng dụng trải thảm đỏ.

Dù sao trong thực tiễn chúng ta thấy rõ ràng các doanh nghiệp nước ngoài dù đến làm ăn ở nước ngoài cũng không tuyển các “bộ óc” này, đơn giản chỉ vì các mối quan hệ tốt vẫn chỉ đứng hàng cuối trong chuỗi điều kiện thành công với thương trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hậu nghỉ hưu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO