Hàng tồn kho: Không chỉ là chuyện của DN

ĐÌNH NAM/DNSG Cuối tuần| 07/09/2012 03:23

Dưới góc độ kinh tế vĩ mô, sự trì trệ trong sản xuất do hàng tồn kho ngày càng nhiều sẽ tác động tiêu cực vào tăng trưởng GDP và đầu tư nước ngoài.

Hàng tồn kho: Không chỉ là chuyện của DN

Dưới góc độ kinh tế vĩ mô, sự trì trệ trong sản xuất do hàng tồn kho ngày càng nhiều sẽ tác động tiêu cực vào tăng trưởng GDP và đầu tư nước ngoài.

Lượng hàng tồn kho trong ngành thép rất lớn

Sức mua trong nước giảm, chỉ số tồn kho tăng cao khiến cho không ít doanh nghiệp đang trong tình trạng sống dở chết dở. Những tháng qua đã có rất nhiều hội nghị, hội thảo mổ xẻ tình hình này cho thấy đây là vấn đề nghiêm trọng.

Hàng không bán được khiến vòng quay đồng vốn ngày càng thấp, ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh khiến doanh nghiệp phải điều chỉnh quy mô sản xuất không chỉ làm người lao động mất việc làm mà còn dẫn đến tình trạng nợ đọng thuế.

Báo cáo của Tổng cục Thuế gửi Bộ Tài chính cho thấy tổng số nợ thuế của các doanh nghiệp trong quý I/2012 lên tới gần 38.000 tỉ đồng, trong đó có gần 5.000 tỉ thuộc về các doanh nghiệp đã giải thể, phá sản hoặc mất tích.

Dưới góc độ kinh tế vĩ mô, sự trì trệ trong sản xuất do hàng tồn kho ngày càng nhiều sẽ tác động tiêu cực vào tăng trưởng GDP và đầu tư nước ngoài.

Trên thực tế thì thực trạng tồn kho các doanh nghiệp đã được cơ quan thống kê cảnh báo từ tháng 3/2012, khi chỉ số này tăng lên mức 34,9% trong khi con số của cùng kỳ năm 2011 chỉ chưa đầy 20%. Các mặt hàng được lưu ý tại thời điểm đó là chế biến - bảo quản rau quả, thuốc lá, xi măng - vôi vữa, giày dép, xe có động cơ… Còn tính tại thời điểm 1/8/2012, chỉ số tồn kho của nhiều ngành công nghiệp đã tăng trên 50% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số tồn kho sản xuất phân bón và hợp chất ni-tơ tăng đến 81,6%, sản xuất sản phẩm từ plastic tăng 69,2%, sản xuất thiết bị truyền thông tăng 61,9%, sản xuất xi măng tăng 50,6%.

Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng dưới mức 50% là sản xuất pin và ắc quy (tăng 40,2%), chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản (tăng 34,5%), sản xuất bia (tăng 28,8%) và sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản (tăng 22,2%).

Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hơn là sản xuất xe có động cơ (tăng 11,1%); mì ống, mì sợi (tăng 10,8%); giày, dép (tăng 9,1%); sắt, thép, gang (tăng 7,4%); ngành chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa (tăng 6,9%); linh kiện điện tử (tăng 5,2%); sản phẩm điện tử dân dụng (tăng 3%); thuốc, hóa dược và dược liệu (tăng 2,2%).

Chỉ một số ít ngành có chỉ số tồn kho giảm so với cùng kỳ là môtô, xe máy giảm 1,1%; vải dệt thoi giảm 8,7%; các cấu kiện kim loại giảm 10,9%; đường giảm 50,5%.

Có thể nói khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay không phải do thiếu vốn mà là lượng hàng tồn kho lớn do nền kinh tế chưa phục hồi, sức mua xã hội giảm. Khi đầu ra sản phẩm không có thì doanh nghiệp không dám vay tiền của ngân hàng để sản xuất nhất là với lãi suất cao. Hàng tồn kho nhiều khiến dòng tiền bị tắc nghẽn, đây cũng chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nợ xấu của ngân hàng, tăng trưởng tín dụng thấp.

Không chỉ vậy, bất ổn của các doanh nghiệp hiện nay còn là chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh quá cao, ảnh hưởng đến tỷ suất lợi
nhuận.

Cho nên tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp không chỉ có ngân hàng mà cần phải có những giải pháp đồng bộ, trong đó giải quyết hàng tồn kho là vấn đề cấp bách.

Tại buổi tọa đàm “Chính sách tín dụng tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển” tổ chức ngày 16/8 tại Hà Nội do Ngân hàng Nhà nước và Học viện Ngân hàng tổ chức, một số doanh nghiệp phàn nàn vẫn còn khó tiếp cận vốn ngân hàng vì thời gian qua, lãi suất ngân hàng quá cao và hàng tồn kho nhiều đã quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng còn rất ít tài sản thế chấp, trong khi đó, thế chấp bằng hàng tồn kho để vay thì rất khó mà hàng thì không bán được.

Lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng đã kêu gọi các ngân hàng cùng đồng hành với doanh nghiệp để khơi thông nguồn vốn, bởi sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp cũng là sự phát triển của ngành ngân hàng, cứu doanh nghiệp cũng là cứu ngân hàng.

Nhưng cũng phải thấy rằng những khó khăn về đồng vốn cũng xuất phát từ tình hình nhiều năm gần đây đa số doanh nghiệp đã sử dụng phần lãi cũng như vốn tự có đầu tư vào bất động sản hay chứng khoán, còn vốn để sản xuất thì lại đi vay ngân hàng.

Về phía Nhà nước, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, thời gian tới Bộ sẽ tập trung dồn sức hỗ trợ doanh nghiệp giảm lượng hàng tồn kho, tiếp cận vốn ngân hàng để phát triển sản xuất kinh doanh, duy trì tăng trưởng và phát triển.

Trước mắt, Bộ Công Thương đang tìm các biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn khác đã được phê duyệt nhằm tiêu thụ các sản phẩm đang bị tồn đọng, đồng thời có chương trình kích cầu ở một số nhóm hàng tồn kho lớn.

Mặt khác, bản thân các doanh nghiệp cũng cần phải nhìn nhận lại đường hướng kinh doanh của mình. Sản phẩm làm ra không bán được có phải hoàn toàn do sản phẩm của nước ngoài xâm nhập, hay do chất lượng chưa cao, không cạnh tranh được khiến người tiêu dùng không mua?

Vì thế, để hạn chế hàng tồn kho, doanh nghiệp cần đánh giá thị trường ở một tầm nhìn dài hạn trước khi đầu tư xây dựng sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hàng tồn kho: Không chỉ là chuyện của DN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO